Trong khi đó, “bức tranh” kinh tế của TPHCM trong tháng 8 và cũng là 8 tháng qua cho thấy vừa cải thiện, tăng tốc tích cực vừa tiếp tục hứng chịu những thách thức, khó khăn, tiêu cực. Trong đó, 4 ngành công nghiệp chủ lực dần phục hồi từ cuối quý 2-2023 và đang dần tiệm cận mức tăng năm 2019. Tăng trưởng 9 ngành dịch vụ chủ yếu đã lấy lại đà tương đối. Dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành cũng giữ được tốc độ tăng trưởng khá cao, khởi sắc trong tháng 8; kỳ vọng hơn nữa trong tháng cuối hè, dịp lễ Quốc khánh 2-9, nhất là tác động từ việc tăng lương cơ sở.
Thị trường chứng khoán trên sàn HoSE có diễn biến sôi động với xu hướng tăng cộng với nỗ lực trong thúc đẩy đầu tư công, sức bật tích cực của nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã ít nhiều lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những thách thức đã được nhận diện, cảnh báo và tháo gỡ vẫn chưa mang lại kết quả, nhất là ở lĩnh vực bất động sản. Nhiều nỗ lực trong việc giải ngân đầu tư công, song đến hết tháng 8 mới đạt khoảng 30,9% so với kế hoạch vốn được giao. Người tiêu dùng có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, giảm các tiêu dùng không thiết yếu do chỉ số giá tiêu dùng đều tăng ở hầu hết các nhóm hàng dẫn đến chỉ số giá bình quân 8 tháng tăng đến 3,45%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm so với tháng trước. Chỉ số lao động việc làm 8 tháng năm 2023 tiếp tục đà giảm so với cùng kỳ năm trước, mặc dù trong tháng 8 có tăng nhưng không đáng kể so với tháng trước. Từ tháng 9 đến hết năm sẽ là “thời gian vàng”, cần một sức rướn đủ mạnh, vượt lên, lấy đà về đích, do đó các giải pháp lâu dài lẫn trước mắt phải đồng bộ tăng tốc. Đó là: thúc đẩy hành động ở các nhóm dự án hạ tầng - giao thông - đô thị thuộc Nghị quyết 98 như đường sắt, TOD ở Metro 1, Vành đai 2, Vành đai 3, chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp, dành quỹ nhà ở xã hội, nhà công vụ với mức thuê hợp lý cho các cán bộ trẻ… Cần có biện pháp để đẩy mạnh ở 3 mảng lớn: kích cầu, đầu tư công và chi tiêu công.
Khi lực cầu bên ngoài giảm mạnh, thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn thì cần nỗ lực khai thác và đẩy mạnh thị trường nội địa. Phải tận dụng tối đa kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, mở rộng các chương trình khuyến mãi, bình ổn giá theo mùa… Liên kết giữa kích cầu thương mại và kích cầu du lịch, liên kết trong các ngành để tạo sức mạnh bền vững. Du lịch như tâm điểm để kích hoạt khối dịch vụ, thương mại và công nghiệp giải trí - tiêu dùng. 2 ngành du lịch - văn hóa cần chủ động tạo sự kiện (các show ca nhạc, thời trang, ẩm thực…), gây sức hút cho cả đêm lẫn ngày, người dân thành phố lẫn du khách.
Để trợ vốn, trợ lực, trợ niềm tin cho doanh nghiệp, không gì hơn là giải pháp “mở kho thóc” tín dụng cho các dự án bất động sản đủ điều kiện pháp lý, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ. Bên cạnh ưu tiên tín dụng cho các ngành thuộc lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các ngành tạo động lực tăng trưởng nền kinh tế. Hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời; kiến nghị giảm thuế VAT nên theo hướng tác động trực tiếp đến người tiêu dùng hơn là cho doanh nghiệp. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thành phố đã có các kịch bản về an sinh xã hội, hiện đại hóa hệ thống an sinh và trợ cấp xã hội. Quan trọng là tập trung nguồn lực để đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho mọi người dân, nhất là người già, trẻ em. Sớm triển khai kế hoạch đào tạo nghề nhằm giải quyết việc làm cho người lao động trong trường hợp lao động bị cắt giảm nhiều khi đơn hàng xuất khẩu có nguy cơ giảm.
Bên cạnh đó, bắt tay vận hành những giải pháp trong chiến lược kinh tế xanh, chuyển đổi xanh với mục tiêu “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng đến giảm phát thải bằng 0” - cũng là chủ đề của diễn đàn kinh tế thành phố sẽ tổ chức trong tháng 9. Như một cam kết cho chiến lược bền vững và dài hơi!