Chiều 10-2, đội tuyển nữ Việt Nam với “tấm vé vàng” World Cup 2023 đã trở về nước trong vòng tay chào đón của người hâm mộ bóng đá nước nhà. Nhìn lại hành trình đã qua, các nữ tuyển thủ còn “sởn gai ốc” khi đội tuyển có đến 17 cầu thủ dương tính với Covid-19, rơi vào bảng “tử thần” nhưng vẫn xuất sắc lập kỳ tích tham dự World Cup.
Những cô gái dũng cảm
Sinh ra ở đồng quê Đức Hòa (Long An) cò bay thẳng cánh, nhưng quỹ đất nhà ở của thủ môn đội tuyển nữ Việt Nam Trần Thị Kim Thanh rất hẹp. Cha mẹ cô phải làm thêm chạy ăn từng bữa cho 3 đứa con. Kim Thanh ở tuổi ăn học nhưng phải ra đồng làm ruộng, mò cua bắt ốc, chặt dừa... để phụ giúp gia đình. Công việc đồng áng từ nhỏ đã khiến bàn tay, bàn chân của thủ môn đội tuyển nữ Việt Nam xuất hiện nhiều vết chai sạn.
Chưa dám nghĩ đến giấc mơ “đổi đời” xa vời, Kim Thanh tìm đến bóng đá TPHCM ở tuổi 14 với hy vọng bớt gánh nặng cho gia đình, được học văn hóa, có nghề bóng đá... Nhớ nhà, nhiều lần cô chán nản, muốn từ bỏ, bao lần nước mắt thầm rơi. Thương cha mẹ dầm mưa dãi nắng, Kim Thanh thôi ý nghĩ trở về. Khổ cực trên sân tập và những lần nén đau để thi đấu đã tạo nên một Kim Thanh cứng cỏi, lì lợm trong khung thành của CLB nữ TPHCM lẫn Việt Nam - được xem là người đóng thế hoàn hảo của đàn chị Đặng Thị Kiều Trinh.
Kim Thanh chỉ là mảnh nhỏ trong bức tranh của bóng đá nữ Việt Nam. Đam mê trái bóng tròn, họ đã chấp nhận đánh đổi số phận và cả thanh xuân. Phạm Hoàng Quỳnh, Hoàng Thị Loan, Chương Thị Kiều, Thanh Nhã... những “bóng hồng” xinh đẹp của bóng đá nữ chưa bao giờ hối hận khi theo bóng đá. Hoàng Quỳnh sau khi hạ sinh em bé vẫn quyết tâm trở lại và đã trở thành một phần trong lịch sử của bóng đá nữ Việt Nam với tấm vé dự World Cup. Với Đội trưởng Huỳnh Như và nhiều cầu thủ khác, trái bóng tròn không chỉ đam mê mà còn là trách nhiệm với Tổ quốc khi khoác lên áo cờ đỏ sao vàng.
Cháy hết mình để được đền đáp
Khi lá thăm may rủi đưa đội tuyển nữ Việt Nam vào chung bảng với nhà vô địch châu Á Nhật Bản, Hàn Quốc (từng lọt vào vòng 1/8 World Cup 2015) và kỳ phùng địch thủ ở Đông Nam Á là Myanmar, quá ít suy nghĩ tích cực về khả năng đi tiếp của thầy trò HLV Mai Đức Chung. Dù có 2 suất vào tứ kết dành cho đội xếp thứ 3 vòng bảng có thành tích tốt nhất, nhưng cơ hội lại thuộc về chủ nhà Ấn Độ và Thái Lan/Philippines.
Trên hành trình của thầy trò HLV Mai Đức Chung, bên cạnh tinh thần vượt khó, nỗ lực còn có “thần” may mắn song hành. Chủ nhà Ấn Độ được đánh giá có nhiều cơ hội vượt qua vòng bảng không thể tiếp tục hành trình vì không đủ cầu thủ thi đấu do Covid-19. Đài Bắc Trung Hoa đã chơi fair-play khi thắng đậm Iran ở lượt cuối bảng A dù kết quả hòa sẽ giúp cả hai “dắt tay nhau” đi tiếp và trực tiếp loại Việt Nam.
Chuyển biến khó lường ở bảng A đã mở ra thời cơ cho Việt Nam. Để rồi, siêu phẩm phạt góc từ Tuyết Dung và kinh nghiệm trên chấm 11m của đội trưởng Huỳnh Như đã mang về trận hòa nghẹt thở 2-2 không khác gì chiến thắng cho Việt Nam ở trận cầu với Myanmar. Toàn đội “lách khe cửa hẹp” đi tiếp.
Có quan điểm cho rằng Việt Nam “may mắn” khi cầu thủ dương tính Covid-19 trước nên thuận lợi hơn Thái Lan và Đài Bắc Trung Hoa gặp khủng hoảng lực lượng đúng thời điểm vòng play-off. Các cầu thủ dương tính với Covid-19 là điều không ai mong muốn và lý do này không thể làm mờ sự cố gắng, nỗ lực của các nữ tuyển thủ. Nên nhớ, Việt Nam đối diện áp lực phải thắng Đài Bắc Trung Hoa nếu muốn giành vé dự World Cup. Vì thế, chỉ khi bạn tận tụy, có trách nhiệm với nghề và cố gắng làm hết mình thì vận may sẽ đến.
Càng áp lực, khó khăn và bị dồn vào thế chân tường thì càng tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho các “cô gái vàng” của bóng đá Việt. 8 năm trước, Chương Thị Kiều là “nạn nhân” trên sân Thống Nhất sau thất bại nghiệt ngã trước Thái Lan cho tấm vé dự World Cup nữ 2015. Nhưng chính cô lại là người hùng khi đóng góp bàn thắng quan trọng ở trận gặp Đài Bắc Trung Hoa. Sự đền đáp xứng đáng cho Kiều và đồng đội sau những tủi hờn suốt thời gian dài.
“Chúng tôi chơi 6 trận/16 ngày. Phải nói là một kỳ tích, không phải chỉ vì thành tích dự World Cup mà không đội bóng nào bị ảnh hưởng Covid-19 lại đạt thành tích như vậy. Phải nói tinh thần vượt khó là trên hết, ngoài ra còn tinh thần đoàn kết”, HLV Mai Đức Chung chia sẻ.
Tấm vé World Cup sẽ giúp “đổi đời”?
Tấm vé dự World Cup nữ 2023 chưa thể che lấp đi những gian truân của bóng đá nữ Việt Nam. Xét về thành tích, “ngôi hậu” Đông Nam Á của Việt Nam đang xây chắc, nỗ lực của họ xứng đáng được trân trọng và đền đáp. Ấy vậy, sau liên tiếp vinh quang mang về, dù đã có những lời kêu gọi tài trợ nhưng phần đông không đi đến hồi kết thỏa đáng hoặc chỉ mang tính thời điểm. Các giải đấu thuộc hệ thống bóng đá nữ quốc gia luôn đối mặt khán đài trống vắng vì người hâm mộ chưa thực sự quan tâm. Khi người viết đến sân Thống Nhất tác nghiệp ở Giải VĐQG nữ 2021 và đặt câu hỏi họ có chạnh lòng không, thì nghe cùng câu trả lời: “Tụi em vốn đã quen với khán đài trống vắng, nên cứ động viên nhau mà đá thôi”.
Hiện tại, chỉ có một số doanh nghiệp cũ đã gắn bó với bóng đá nữ suốt thời gian dài tiếp tục đồng hành, VFF dù nỗ lực kêu gọi thêm nhưng vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí mới để chăm chút cho bóng đá nữ. Vì thế, phía trước các “cô gái vàng” vẫn là khó khăn trăm bề dù đã trở thành người hùng của dân tộc, là tấm gương cho giới trẻ trong nước học tập.
HLV Mai Đức Chung từng mong ước các nữ tuyển thủ sau khi giải nghệ sẽ có công ăn việc làm ổn định, nếu không theo nghiệp huấn luyện thì cũng yên bề gia thất. Bóng đá nữ cần được quan tâm nhiều hơn, các nữ tuyển thủ cần được yêu thương và chăm sóc đặc biệt. Đừng để tấm vé World Cup nữ 2023 của Việt Nam chỉ nổi trên mặt báo, trên sử sách, rồi một thời gian lặng xuống và “bổn cũ soạn lại”.
Hy vọng tấm vé dự World Cup nữ 2023 là cú “đề-pa” để các cầu thủ thật sự “đổi đời”. Cuộc diện kiến báo công trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hay thư chúc mừng từ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ thay lời kêu gọi đến các doanh nghiệp cả nước cùng nhau “góp gạo thổi nồi cơm” cho bóng đá nữ Việt Nam. Chỉ mong rằng sẽ có cơ chế phù hợp để bù đắp lại những nỗ lực mà các nữ tuyển thủ đã mang vinh quang về cho nước nhà.