Hành trình không dễ dàng
GS Omar M.Yaghi, Đại học Berkeley California (Mỹ), thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia Mỹ, chủ nhân giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực mới với công trình nghiên cứu về vật liệu khung cơ kim (MOFs) chia sẻ, 80% người trẻ ở các quốc gia đang phát triển cũng gặp khó khăn giống ông khi còn trẻ. Tuy nhiên, tình yêu và sự khích lệ của gia đình là điểm mấu chốt giúp ông tự tin và tiến về phía trước, để có những thành tựu khoa học hôm nay.
“Khi còn nhỏ, tôi không nghĩ mình có thể thay đổi thế giới, hoặc có thể tạo ra vật liệu có ý nghĩa lớn tới vậy. Tôi đến với hóa học là từ vẻ đẹp của phân tử, nhưng tôi đã có thể gián tiếp giải quyết các vấn đề của hành tinh”, GS Omar M.Yaghi cho biết.
GS Zhenan Bao, ĐH Stanford (Mỹ) - người nhận giải đặc biệt dành cho nhà khoa học nữ với nghiên cứu “Sự phát triển của thiết bị điện tử hữu cơ dẻo linh hoạt được ứng dụng trong các ứng dụng bề mặt sinh học và cảm biến” chia sẻ: “Khi tôi 4 tuổi, cha có đưa tôi đến công viên và mua cho tôi một ly nước đá. Cha đã đặt rất nhiều câu hỏi như: Điều gì sẽ xảy ra nếu thả viên đá vào nước? Điều này giúp tôi nhận ra nước đá nhẹ hơn nước. Từ đó, tôi hình thành tình yêu với khoa học vì nó quá thú vị và nhiều bí ẩn”.
Còn với TS Katalin Kariko, ĐH Pennsylvania (Mỹ), một thành viên trong bộ ba nhà khoa học đoạt giải thưởng chính tại VinFuture 2022 với công trình “Vaccine mRNA công nghệ đột phá để cứu sống con người”, để tạo ra công trình nghiên cứu này, bà cùng các cộng sự đã vượt qua rất nhiều căng thẳng. “Tôi làm những gì mình yêu, và yêu những thứ mình làm. Vì thế, tôi dành hết tâm trí và cảm xúc cho dự án. Với những điều này, từ ít có thể tạo ra nhiều, từ khó khăn có thể tạo ra đầy đủ. Và tất nhiên, nếu khó khăn quá thì tôi luôn có những đồng đội hỗ trợ, sát cánh với mình”, TS Katalin Kariko bày tỏ và cũng thừa nhận, từng không dám nghĩ mình sẽ tạo ra được những điều vĩ đại.
Tuy nhiên, ước mơ mang đến những điều tốt đẹp đã thôi thúc TS Katalin Kariko và 2 nhà khoa học Drew Weissman (Mỹ), Pieter Cullis (Canada) tạo ra vaccine mRNA giúp bảo vệ mạng sống hàng tỷ người trên hành tinh. GS Pieter Cullis cho biết, từ khoa học đến thực tế là hành trình không dễ dàng. “Tôi đã khởi nghiệp nhiều công ty và không phải công ty nào cũng thành công. Từ những ý tưởng nghiên cứu khoa học ra thực tế rất khó khăn, nhiều khi có sản phẩm khoa học nhưng người triển khai nhân rộng lại cho rằng chỉ hiệu quả trong phòng thí nghiệm chứ không thể nhân rộng sản xuất”, GS Pieter Cullis chia sẻ.
Tuổi trẻ và đổi mới sáng tạo là tương lai
Hành trình của những nhà khoa học thế giới có lẽ không khác nhiều với hành trình của những bạn trẻ Việt Nam khi chọn nghiên cứu, khởi nghiệp công nghệ để dấn thân. Chính những câu chuyện của họ sẽ góp thêm sinh khí cho phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang ở giai đoạn bước ngoặt của Việt Nam.
Cách đây 4 năm, Chính phủ đã khởi xướng “Năm quốc gia khởi nghiệp”. Với tinh thần thẳng thắn, quyết tâm mạnh mẽ, nỗ lực không ngừng của Chính phủ, đến nay, ước mơ khởi nghiệp của Việt Nam ngày càng bay cao. Chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến nhằm nuôi dưỡng các startup tiềm năng tại Việt Nam. Nhiều chính sách đã được các bộ, ngành tiếp thu và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó là hàng loạt chương trình của Chính phủ và các bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia nhằm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp. Năm 2019 được đánh giá là năm tăng trưởng mạnh mẽ của khởi nghiệp Việt Nam với các thương vụ đầu tư công nghệ lớn đạt giá trị hơn 800 triệu USD. Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á.
Phát biểu tại Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia hồi cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Việt Nam cần một phong trào đổi mới sáng tạo mạnh mẽ hơn nữa, sâu rộng hơn nữa; đổi mới sáng tạo phải triển khai đồng bộ, tổng thể, liên thông, toàn diện, bao trùm ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp; đổi mới sáng tạo phải trở thành phong trào, truyền cảm hứng, thu hút sự tham gia của tất cả người dân, không phân biệt độ tuổi, vùng miền, giới tính. Thủ tướng khẳng định: đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan của sự phát triển với bất cứ quốc gia nào, bất cứ lĩnh vực nào, bất cứ giai đoạn nào, bất cứ con người nào, không có đổi mới sáng tạo thì không phát triển được.
Và, trong đêm trao giải thưởng VinFuture lần thứ nhất tối 20-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính thêm một lần nữa khẳng định: Việt Nam coi phát triển KH-CN là quốc sách hàng đầu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nhanh, bền vững. Việt Nam đang đẩy mạnh thiết kế cơ chế chính sách, thúc đẩy nguồn lực đổi mới sáng tạo, đưa KH-CN thành mục tiêu, động lực quan trọng để phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; trong đó mỗi người dân là chủ thể, thụ hưởng thành quả của đổi mới sáng tạo. “Sứ mệnh của giải VinFuture chính là cổ vũ và tôn vinh những nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc mang tính ứng dụng cao, kiến tạo môi trường sống bền vững cho các thế hệ tương lai của loài người”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Báo cáo về xếp hạng chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 được tổ chức WIPO công bố mới đây, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Những “điểm sáng” này góp phần hiệu quả vào hoạt động khoa học, công nghệ, khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ, tinh thần đam mê lao động sáng tạo của người Việt Nam trong thế kỷ 21 |