Chuyển đổi số không phải là cụm từ mới nhưng sự tác động của dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh hơn. Những năm gần đây, lựa chọn khởi nghiệp từ công nghệ không chỉ là sở thích, mà còn là xu hướng để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bắt đầu từ những sản phẩm tốt
Nếu cách đây 6 năm, ELSA Speak chập chững bước ra thị trường và gọi vốn, không quá nhiều nhà đầu tư tin tưởng thành công trong bối cảnh ứng dụng học tiếng Anh nhan nhản trên mạng. Nhưng đến cuối năm 2021, ứng dụng này đã hiện diện trên 101 quốc gia, có hơn 13 triệu học viên khắp thế giới và có văn phòng đại diện tại Bồ Đào Nha, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản. Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của ELSA - chị Văn Đinh Hồng Vũ (SN 1983) từng là cái tên gây sự chú ý. Từ bỏ lời mời từ nhiều tập đoàn lớn, Hồng Vũ khởi nghiệp với ELSA.
“Chúng tôi bắt đầu từ việc xác định vấn đề và tầm nhìn của mình trước, sau đó tìm kiếm công nghệ phù hợp nhất để giúp giải quyết được những trăn trở này. ELSA được tạo ra dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) độc quyền của chúng tôi, từ đó ELSA có thể cung cấp dịch vụ tối ưu nhất đến với hàng triệu người dùng trên toàn cầu”, chị Văn Đinh Hồng Vũ nhớ lại những ngày đầu khởi nghiệp. Đầu năm 2021, ELSA Speak đã gọi vốn thành công 15 triệu USD trong vòng gọi vốn Series B, từ nhóm nhà đầu tư Vietnam Investments Group và SIG. Chị Hồng Vũ cho biết, với khoản gọi vốn mới, ELSA đẩy mạnh phát triển thị trường châu Mỹ Latinh và xây dựng nền tảng B2B (bán hàng cho doanh nghiệp) cho phép ứng dụng “bán sỉ” dịch vụ cho các tổ chức và doanh nghiệp.
Với 578 triệu USD huy động từ Alibaba và một số nhà đầu tư khác, Ninja Van đã ghi tên mình vào danh sách các doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp (startup) tỷ đô của Đông Nam Á. Ngoài Alibaba, các nhà đầu tư hiện hữu như B Capital Group, Monk's Hill Venture, Zamrud và Geopost/DPDgroup cũng tham gia vào vòng gọi vốn lần này của Ninja Van, qua đó, định giá của Ninja Van vượt mốc 1 tỷ USD. Theo Ninja Van, họ sẽ sử dụng nguồn vốn mới cho kế hoạch cải thiện hạ tầng và công nghệ, tối ưu chi phí và nâng cao chất lượng vận hành.
Một nền tảng công nghệ tốt là điểm khởi đầu của rất nhiều startup Việt. FoodMap cũng là cái tên đáng nhắc tới khi vừa nhận vốn đầu tư lên đến 3 triệu USD. Được thành lập năm 2020 bởi Phạm Ngọc Anh Tùng, nền tảng thương mại điện tử này hiện cung ứng sản phẩm từ hơn 300 trang trại và nhà sản xuất nông nghiệp trên toàn Việt Nam.
"Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang bước vào thời điểm bước ngoặt để có thể tạo dấu ấn trong khu vực và thế giới nhờ ba yếu tố chính. Thứ nhất, startup Việt Nam đã bắt đầu hướng tới thị trường khu vực và thế giới thay vì chỉ phục vụ thị trường nội địa. Thứ hai, startup Việt Nam có khả năng cho ra đời những sản phẩm và dịch vụ có hàm lượng công nghệ cao. Thứ ba, startup Việt Nam đã có những công ty đủ trưởng thành để trở thành nhà đầu tư cho thế hệ nhà sáng lập đi sau" - Bà LÊ HOÀNG UYÊN VY đồng sáng lập Do Ventures |
Tìm giá trị mới
Nguồn đầu tư vào các startup tại Việt Nam chủ yếu đến từ quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, tập đoàn lớn, các tổ chức thúc đẩy kinh doanh và nhà đầu tư cá nhân từ nước ngoài. Tại Việt Nam, hiện có gần 180 quỹ đầu tư, điển hình như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Mekong Capital, 500 Startups Vietnam, Vietnam Investment Group, IDG Ventures Vietnam, Nextrans... Một số quỹ đầu tư mạo hiểm từ Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đang rất tích cực tìm kiếm những startup tiềm năng để rót vốn đầu tư. Các lĩnh vực được nhiều nhà đầu tư tập trung hiện nay là công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục trực tuyến, giải pháp doanh nghiệp và logistics…
Một tín hiệu đáng mừng trong năm 2021 là các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một hệ sinh thái startup để rót vốn đầu tư cũng như tài trợ không lợi nhuận. Cụ thể, Quỹ đổi mới sáng tạo Vingroup đã tài trợ startup Vbee 10 tỷ đồng không nhận cổ phần, không cần bất kỳ cam kết nào. Với đầu tư này, Vbee đã đạt được những kết quả ấn tượng: trở thành đơn vị tiên phong và thuộc tốp đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển văn bản thành giọng nói (text to speech) tại Vbee.vn; giải pháp tổng đài nhân tạo, trợ lý ảo tổng đài tại aicallcenter.vn; đóng gói và phát triển các dịch vụ trên công nghệ lõi của chính mình nghiên cứu (Text to speech, AI Conversational, contact center AI). Hay “kỳ lân” startup VNG công bố đầu tư vào Telio - nền tảng thương mại điện tử B2B, với khoản đầu tư trị giá 22,5 triệu USD… cũng là điều mới mẻ.
“Vậy, khi những dự án tốt, những chỗ ngon đã được đầu tư hết, chúng ta còn lại gì trong thị trường khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?”, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (SIHUB), Sở KH-CN TPHCM, đặt vấn đề. Theo ông Huỳnh Kim Tước, không dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm tốt hay xây dựng kế hoạch khởi nghiệp bài bản, thời điểm này các startup có lẽ cần chuẩn bị các điều kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
2 năm qua, SIHUB đã tổ chức nhiều chương trình liên quan đến IPO cho giới startup. Ông Huỳnh Kim Tước cho biết, Việt Nam đang có cộng đồng startup và doanh nghiệp nhỏ và vừa thế hệ mới, có tốc độ phát triển rất tốt. Việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng là mục tiêu tiên quyết mà doanh nghiệp hướng đến với mong muốn mở rộng quy mô và tăng giá trị. IPO với startup đầy thách thức, khó khăn… nhưng không phải vì thế mà không chuẩn bị. IPO “đình đám” trong startup phải nói đến Yeah1. Ông Nguyễn Ảnh Nhược Tống, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1, cho rằng, IPO là một quá trình, là cuộc chơi phức tạp, nhưng đó là một cách để doanh nghiệp có động lực phát triển.
“Đã đến lúc xác định tầm quan trọng của việc các startup có thể tiếp cận dòng vốn IPO trong nước, đóng góp cho nền kinh tế nước nhà; xác định những mảnh ghép còn thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hiện nay nhằm tiếp tục hỗ trợ các startup đã gọi vốn ở vòng series; tạo điều kiện để cộng đồng khởi nghiệp, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia cùng đối thoại, trao đổi và tạo tiền đề hỗ trợ cho các hoạt động hướng đến mục tiêu IPO của startup”, ông Huỳnh Kim Tước cho biết.
Những kỳ lân công nghệTính đến nay, trên thế giới có hơn 800 startup kỳ lân (định giá trên tỷ USD). Trong số này, Việt Nam đóng góp 4 cái tên: VNG, Sky Mavis, VNLife và M_Service. VNG và Sky Mavis được biết đến là những doanh nghiệp phát triển, kinh doanh, phân phối trò chơi trực tuyến (game online). Hai kỳ lân còn lại, một hoạt động mạnh về cổng thanh toán và một mạnh về ví điện tử, đều được xếp vào doanh nghiệp công nghệ tài chính (fintech), lĩnh vực đang có sức nóng đầu tư tại Việt Nam. |