Chiều 17-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM làm việc với UBND TPHCM và các sở, ngành về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 và triển khai thực hiện Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Thiếu vốn trong khi đang “thừa tiền”
Theo báo cáo của UBND TPHCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm ước đạt 903.652 tỷ đồng, tăng 7,89%; thu ngân sách đạt hơn 269.000 tỷ đồng, đạt 71,44% dự toán.
Về việc thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, qua 9 tháng, bước đầu đạt một số kết quả tích cực. Các cơ chế, chính sách ban hành đã góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; khuyến khích, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; điều chỉnh một số hành vi góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của TP; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài tham gia đóng góp cho sự phát triển của TP.
Tuy nhiên, UBND TPHCM đánh giá, do nghị quyết mới được triển khai trong thời gian ngắn, hiệu quả kinh tế - xã hội của các nghị quyết trên nhìn chung còn khiêm tốn; việc triển khai một số nghị quyết có chậm so với kế hoạch. Trong đó, nghị quyết về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức đến nay mới hoàn chỉnh xong tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; đề án ủy quyền mới lấy xong 11 bộ, ngành Trung ương… Bên cạnh đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách như các nguồn thu từ cổ phần hóa, thưởng vượt thu, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, tiền sử dụng đất do bán tài sản của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TPHCM… chưa được thực hiện nên chưa có nguồn vốn đầu tư đồng bộ các công trình hạ tầng trên địa bàn TP, chưa thật sự tạo động lực mới giúp TP phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống của nhân dân.
Trước thách thức tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM chỉ còn 18%, nộp về Trung ương 82%, vấn đề đặt ra là TP phải đạt và vượt chỉ tiêu thu ngân sách, với áp lực thu mỗi ngày phải đạt hơn 1.200 tỷ đồng. Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Trần Ngọc Tâm cho hay, trong vòng 24 tháng tới, ngành thuế đẩy mạnh thực hiện hóa đơn điện tử, góp phần quản lý tốt nguồn thu. Ông Trần Ngọc Tâm đề nghị, Đoàn ĐBQH TPHCM quan tâm, có hướng xác nhận rõ trách nhiệm của người đăng ký kinh doanh phải có nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước thế nào; nếu từ bỏ nghĩa vụ thuế thì trách nhiệm ra sao. Đây là các vấn đề, theo ông Tâm, hiện giờ không quản lý được. Thời gian qua, nhiều người đăng ký kinh doanh, sau đó nghỉ, bỏ, rồi thành lập doanh nghiệp khác một cách rất đơn giản mà bỏ qua nghĩa vụ thuế của mình với Nhà nước, trong khi trước đó, họ đã thu thuế VAT (giá trị gia tăng) khi bán hàng cho người tiêu dùng.
Trong việc chi ngân sách, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TPHCM Vũ Hoài Nam cho hay, khi thực hiện đầu tư công, một số dự án đang rất chậm, đọng vốn nhiều. Bệnh viện Nhi đồng TPHCM ở huyện Bình Chánh (đã đưa vào sử dụng) và Bệnh viện Ung bướu tại quận 9 đang đọng lại ở kho bạc khoảng 2.500 tỷ đồng, vì thủ tục hành chính phức tạp, vốn chưa giải ngân được, dù tiền có sẵn. Đặc biệt, tuyến Metro số 1 đang thiếu vốn trầm trọng, TPHCM đã phải tạm ứng 1.000 tỷ đồng, nhưng chính tại dự án này, đang “thừa” 1.000 tỷ đồng mà không sử dụng được. Ông Vũ Hoài Nam lý giải, 1.000 tỷ đồng còn dư là vốn dành cho thiết bị, xây dựng chưa xong thì không sử dụng được nguồn vốn này. Hiện nay, luật không cho phép sử dụng nguồn vốn ở hạng mục này cho hạng mục kia, thành ra, 1.000 tỷ đồng để đó mà không xài được. Với tuyến Metro số 2, TPHCM đã bố trí vốn khoảng 1.500 tỷ đồng nhưng 5 quận, huyện chưa giải phóng mặt bằng được để triển khai dự án.
Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Hoàng Như Cương lý giải, tuyến Metro 1 đang thi công, nhưng hiện nay phải chờ Quốc hội và Chính phủ cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư, nên tạm thời thi công đang chậm lại. Với tuyến Metro 2, tổng mức đầu tư tăng lên, TP cũng phải xin điều chỉnh nên việc triển khai dừng lại, chưa có hoạt động nào ở công trường. Ông Hoàng Như Cương đề nghị Đoàn ĐBQH TPHCM thông qua kỳ họp, đề nghị Quốc hội sớm có chủ trương cho phép tuyến Metro số 1 được tiếp tục làm. Trước tình trạng ngoài công trường lượng công nhân làm càng ngày càng ít, tiến độ chậm lại, ông Cương đánh giá, với đà này, khả năng không thể đạt được tiến độ năm 2020 hoàn thành dự án. Song song đó, tiếp tục cho phép điều chỉnh vốn trung hạn cho dự án, vì hiện nay chưa được ghi vốn nên năm 2018 không có tiền làm dự án, buộc TPHCM phải tạm ứng tiền thực hiện. Phó Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM cũng đề nghị cần có quy định chi tiết thủ tục báo cáo các cấp khi dự án “đổi đời”, từ nhóm B lên nhóm A, từ nhóm A lên nhóm trọng điểm quốc gia.
Chú trọng giảm kẹt xe, ngập nước để giảm bức xúc người dân
Trao đổi lại với TPHCM, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đề nghị TPHCM rà soát lại toàn bộ các dự án chống ngập đã và đang làm. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận xét, các dự án chống ngập tốn rất nhiều tiền, nhưng hiệu quả lại không đáng bao nhiêu. Trước mưa nhỏ không sao, giờ mưa nhỏ cũng ngập; du khách đến TPHCM phải “cõng nhau qua mấy vũng nước” khiến người dân bức xúc. Cùng với đó, TP cần có giải pháp cho việc rác thải, không để người dân phải ngửi mùi hôi thối từ rác thải chôn lấp. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý, nếu TPHCM không giải quyết những bức xúc này thì các chủ trương xây dựng thành phố thông minh, hay bàn về các mục tiêu trong Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ bị ảnh hưởng, bởi tác động dây chuyền trong tâm lý người dân.
Tương tự, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng đề nghị TPHCM ưu tiên giải quyết các vấn đề mấu chốt về kẹt xe, ngập nước, qua đó giảm bức xúc của người dân. Đồng thời, rà soát các dự án “treo” và xóa “treo” để người dân nâng cao chất lượng cuộc sống và TPHCM phát triển. “Khi thực hiện Nghị quyết 54, mọi người mong đợi cơ chế, chính sách đặc thù sẽ góp phần giúp TP giải quyết các vấn đề quá tải, kẹt xe, ngập nước… Do đó, rất mong TP làm được, thực thi được các mong đợi của người dân”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kỳ vọng.
Liên quan đến việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị Sở Văn hóa Thể thao TPHCM khẩn trương phối hợp với Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM trước 16 giờ ngày 18-10 (hôm nay) có báo cáo cụ thể gửi Đoàn ĐBQH về toàn cảnh quy hoạch, đầu tư nhà hát, từ 20 năm trước. Theo ông Phan Nguyễn Như Khuê, đây không phải là chuyện ngẫu hứng mà TP đã có dự định từ rất lâu. |