Lãng phí
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo SGGP, ngày 24-9-2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3235/QĐ-UBND phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Xử lý cấp bách đê Tả Nghèn, huyện Lộc Hà, do UBND huyện Lộc Hà (cũ) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư hơn 182,2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh.
Dự án bao gồm 2 tuyến đê, với chiều rộng đỉnh đê là 6m, trong đó tuyến đê số 1 đi qua xã Ích Hậu (đoạn từ K15+00 đến K22+873,49) có chiều dài 7.873,49m; tuyến đê số 2 đi qua thị trấn Lộc Hà (đoạn từ K37+703 đến K39+839) có chiều dài 2.136m.
Dự án được đầu tư nhằm bảo vệ và khép kín hệ thống công trình đê điều để chống lũ, ngăn triều cường, bảo vệ trực tiếp tính mạng và tài sản cho khoảng 12.000 người dân các xã Ích Hậu, Thạch Kim, thị trấn Lộc Hà (huyện Thạch Hà). Ngoài ra, công trình cũng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiện tượng nước biển dâng; ngăn chặn sự xói lở, nước mặn xâm thực, mở rộng phạm vi bảo vệ 49ha quỹ đất; tạo hành lang giao thông phục vụ cho công tác ứng cứu kết hợp làm giao thông. Đồng thời cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau nhiều năm triển khai thi công, dự án đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, chỉ còn lại một đoạn qua địa bàn thị trấn Lộc Hà do gặp vướng mắc, chưa thể giải phóng, bàn giao mặt bằng nên dự án thi công dang dở rồi dừng lại. Các phương tiện, máy móc, nhân công đều đã được đơn vị thi công rút hết khỏi công trường từ lâu.
Điểm nối đoạn đê chưa được thi công này mặc dù đã được san lấp mặt bằng tạm thời bằng đất nhưng rất gồ ghề, xuất hiện nhiều vệt lún sâu và hố đất bùn lầy lội khiến người dân lưu thông gặp nhiều khó khăn. Khi thủy triều dâng và mưa lớn thì đoạn đê bằng đất bị ngập sâu, không thể qua lại, đơn vị thi công đã dựng bảng cảnh báo cho người đi đường.
Anh Trần Văn Hùng (58 tuổi, trú huyện Thạch Hà) cho biết, thời gian qua, hai đầu tuyến đê đã thi công cơ bản, chắc chắn, đi lại rất thuận lợi, nhưng không hiểu vì sao đến khu vực này thì dừng thi công tuyến đê và bỏ hoang. Khi trời mưa và thủy triều dâng thì đường bùn đất, sình lầy, ngập nước sâu, không thể lưu thông mà phải quay trở lại để đi đường khác.
Người dân rất mong các cấp chính quyền và chủ đầu tư sớm tái triển khai thi công, hoàn thành đoạn đê để đảm bảo phát huy hiệu quả, tránh lãng phí cho dự án.
Đợi đến bao giờ?
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Hân, Chủ tịch UBND thị trấn Lộc Hà, thông tin, đoạn đê thi công dang dở là do vướng mắc, chưa giải phóng được mặt bằng của hộ gia đình đang nuôi tôm ở khu vực. Huyện đã báo cáo, đề xuất lên tỉnh để có các phương án, giải pháp xử lý tiếp theo. Địa phương sẽ phối hợp thực hiện theo chủ trương chung của cấp trên, đồng thời rất mong công trình sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ông Trần Phi Long, nguyên Giám đốc Ban quản lý Đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà (cũ), cho hay, Dự án Xử lý cấp bách đê Tả Nghèn được triển khai thi công từ năm 2022, tiến độ đã đạt khoảng 98%, hiện nay chỉ còn lại khoảng 100m đoạn đê chưa thể thi công do gặp vướng mắc về mặt bằng của 1 hộ dân nuôi trồng thủy sản.
Trước đây, phần diện tích đất này là do xã Thạch Bằng cũ (nay là thị trấn Lộc Hà) cho người dân thuê trái thẩm quyền, bây giờ người dân yêu cầu phải đền bù hỗ trợ khi thu hồi diện tích đất nói trên và chi phí đã đầu tư làm hồ nuôi trồng thủy sản, số tiền trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, yêu cầu này không thể giải quyết vì không có chính sách hỗ trợ.
Theo ông Trần Phi Long, liên quan đến vướng mắc trên, thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành 5, 6 cuộc họp bàn nhưng chưa có kết quả. Địa phương đã có kiến nghị, đề xuất lên tỉnh song vẫn chưa được trả lời. Hiện nay, vướng mắc trên chưa có hướng xử lý và đang phải tiếp tục chờ ý kiến của tỉnh. Nếu sau này tỉnh quyết định hỗ trợ như thế nào thì địa phương sẽ làm việc với hộ dân, kiểm kê tài sản, bảo vệ thi công dự án.