Tuy nhiên, nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu lại cho rằng để loại bỏ linh vật ngoại lai cần thêm thời gian.
Linh vật ngoại lai xuất hiện nhiều trong các di tích ở Việt Nam
Môi trường văn hóa lành mạnh hơn
Thời điểm năm 2013-2014 trở về trước, tại nhiều di tích trên cả nước xuất hiện trào lưu cung tiến sư tử đá ngoại lai và các biểu tượng văn hóa không phù hợp văn hóa Việt... Việc đua nhau xây dựng các công trình kiến trúc tâm linh, khu vui chơi giải trí sao chép mẫu hình của nước ngoài nở rộ. Tuy nhiên, hiện tượng này trong 3 năm qua đã dần dần được cải thiện, tạo ra một phong trào sưu tầm, nghiên cứu, khôi phục lại các biểu tượng, linh vật tâm linh Việt.
Theo Cục Di sản, Bộ VH-TT-DL, sau 3 năm thực hiện Công văn 2662, tại nhiều di tích trên cả nước đã có những tín hiệu chuyển biến tích cực trong việc làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa. Hiện tượng cung tiến các hiện vật không phù hợp vào di tích và hiện tượng sử dụng các linh vật lạ là tượng sư tử đá ngoại lai đã không còn diễn biến ồ ạt như trước. Ý thức bảo vệ di sản văn hóa nói chung, di tích nói riêng đã được nâng cao, tinh thần tự tôn dân tộc, bài trừ các sản phẩm ngoại lai, không phù hợp thuần phong mỹ tục được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng.
Bên cạnh việc nhận diện linh vật ngoại lai, dần đưa ra khỏi không gian linh thiêng thì nhiều nơi cũng tiến hành sửa lại các chi tiết như dáng, hoa văn, bệ tượng linh vật ngoại lai thành tượng linh vật Việt. Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh… và nhiều tỉnh trên cả nước đã triển khai. Làn sóng sản xuất, cung tiến, bày đặt đồ thờ cúng không đúng quy tắc gần như bị xóa bỏ. Các làng đá, cơ sở sản xuất linh vật dáng dấp ngoại lai lớn trên cả nước như Ninh Vân (Ninh Bình), Non Nước (Đà Nẵng)... đồng loạt chuyển hướng sang chế tác sản phẩm thuần Việt.
“Cuộc chiến” chưa kết thúc
Tuy nhiên vẫn còn một số tổ chức, cá nhân chưa ý thức đầy đủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa dẫn tới việc tự ý tiếp nhận, sử dụng các sản phẩm, hiện vật lạ không phù hợp với tính chất, giá trị của di tích. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội, cho biết, nhiều “linh vật lạ” được đưa vào di tích từ rất lâu (trên 20 năm), đã ít nhiều gắn với tâm linh nên việc vận động di dời là rất khó. Nhiều doanh nghiệp cung tiến còn băn khoăn về yếu tố tâm linh ảnh hưởng đến việc kinh doanh của cơ sở. Việc tìm địa điểm di chuyển và xử lý đối với các hiện vật sau khi di chuyển là một vấn đề nan giải, không thể phá bỏ, cũng không thể đưa tập trung bảo quản ở một khu vực, nhất là trong điều kiện đô thị hóa, cần tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp thực tiễn.
Cùng chia sẻ khó khăn này, Sở VH-TT TPHCM cho biết cũng gặp nhiều trường hợp các linh vật được cho là ngoại lai lại xuất hiện trong di tích từ rất lâu trước đó, vì thế việc vận động người dân hiểu và thực hiện theo cũng cần có thời gian. Quảng Ninh cũng xảy ra những vướng mắc tương tự khi các linh vật ở các di tích lớn, sư trụ trì phản ứng quyết liệt và cho rằng các linh vật được đặt tại di tích là hoạt động giao lưu văn hóa giữa các nước, lấy lý do là linh vật được các cá nhân có địa vị trong xã hội cung tiến, công đức nên khi được vận động, di dời đã có hành động tạo áp lực cho đơn vị văn hóa…
Nhiều địa phương cũng cho rằng việc nhận diện các sản phẩm, hiện vật lạ đối với một số ban quản lý di tích còn gặp phải khó khăn, trong khi hình ảnh về biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Vì vậy, để “cuộc chiến” với nạn linh vật ngoại lai có những bước tiến mới, hầu hết các nhà nghiên cứu, đơn vị quản lý đều cho rằng bên cạnh việc tiếp tục tuyên truyền để người dân nhận thức rõ những biểu tượng, sản phẩm, linh vật thuần Việt thì cũng cần có thêm nhiều chế tài đủ mạnh để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm việc sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam.