Vướng mắc ở vùng chồng lấn địa giới hành chính

Hàng chục năm qua, dù có hộ khẩu ở thôn 3, xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nhưng nhiều người dân lại sống trên đất của xã Đăk Nên (huyện Kon Plong, tỉnh Kom Tum) do chồng lấn địa giới hành chính. Việc chồng lấn này đã khiến hơn 1.000 người dân tộc Cadong không được đầu tư các công trình thiết yếu.

Thôn “5 không”

Từ trung tâm xã Trà Vinh, để di chuyển đến được thôn 3 phải đi qua tuyến đường độc đạo chừng 10km, mất hơn 1 giờ di chuyển bằng xe máy mới đến nơi. Gọi là đường nhưng chỉ là một lối mòn người dân tự mở để đi lại, dốc quanh co dựng đứng. Đây là vùng chồng lấn địa giới hành chính giữa tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum từ gần 30 năm nay.

I4a.jpg
Những ngôi làng của thôn 3, xã Trà Vinh (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) gần như biệt lập vì không có đường sá kiên cố

Theo ông Nguyễn Thanh Chim, Trưởng thôn 3, hiện nay đi đường mất 1 giờ là đã rất nhanh rồi. Trước kia, khi đường chưa được phát dọn, thời gian đi còn lâu hơn. Nếu mưa, có khi mất hơn nửa ngày mới đến nơi. Khi thôn hay xã có việc cần họp thì phải cử người đến từng làng trong thôn báo trước 1 đến 2 ngày để người dân tập hợp, vì nơi đây không có sóng điện thoại.

Nói đến đường, giọng ông Chim chùng xuống: “Khổ nhất là mùa mưa bão kéo dài, đường sá đi xuống xã bị sạt lở, người dân nơi đây gần như bị cô lập hoàn toàn. Nếu có ai đau ốm thì người khỏe mạnh của cả làng thay nhau khiêng bằng võng đưa đến trạm xá xã, mất mấy tiếng đồng hồ. Đã có hơn 10 trường hợp đau ốm nặng, khi đang khiêng trên đường, chưa kịp xuống đến xã thì đã chết…”.

Cũng vì địa giới chồng lấn mà hàng chục năm qua, người dân sống trong cảnh không điện, không đường kiên cố, không sóng điện thoại, không trường học và không chợ. Cây cầu treo bắc qua suối từ lâu đã hư hỏng nặng nhưng người dân vẫn phải liều mình đi qua. Đường sá khó khăn nên nông sản làm ra không bán được hoặc bán rất rẻ.

Ngồi bên hiên nhà, già làng Đinh Văn Ba (73 tuổi) trầm ngâm: “Mấy năm qua, nhà nước hỗ trợ trồng cây quế, bán cũng có giá nhưng không trồng được nhiều vì giờ chủ yếu là đất trên giấy tờ của bên kia (xã Đăk Nên - PV). Nhà tôi cũng như toàn bộ người dân ở đây sống dựa vào trồng lúa, bắp, củ mì bằng nước trời, nhưng mấy năm qua ruộng nương bị sạt lở nhiều. Nuôi được con heo, con bò bán ra cũng khó do không có đường để xe tải đến chở, người dân thường tự mổ ra rồi chia với các hộ trong thôn. Nhiều nhà để dành tiền lắp tua bin điện đặt dưới suối mới có điện thắp sáng buổi tối. Nhưng khi đến mùa mưa thì lũ cuốn, mất trắng. Mùa mưa, trẻ con không đi học được vì nước lớn. Không biết bao giờ mới xong chuyện chồng lấn để có cái đường, cái điện của nhà nước mà dùng?”.

Cần tiếng nói chung

Mong mỏi của người dân thôn 3, xã Trà Vinh vẫn là được sinh sống trên đất hiện tại và được công nhận là đất thuộc huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Vì trên thực tế, bao đời nay, người dân nơi đây đã sinh sống, canh tác, chôn cất mồ mả tổ tiên tại khu vực này, trước khi có việc lập hồ sơ, bản đồ.

Già làng Nguyễn Xuân Bốn (66 tuổi) cho biết: “Từ đời tổ tiên thì nơi đây đã thuộc huyện Trà My (trước khi chia tách thành 2 huyện Nam Trà My và Bắc Trà My - PV) của tỉnh Quảng Nam. Thời chiến tranh, ba tôi tham gia bộ đội địa phương, hy sinh năm 1968, được truy tặng liệt sĩ vẫn ghi là ở huyện Trà My. Người dân nơi đây luôn mong muốn được xác nhận vùng đất này thuộc về Quảng Nam chứ không phải Kon Tum”.

Còn già làng Đinh Văn Ba bức xúc: “Người dân chúng tôi ở đây đều có gốc gác là dân Trà My, sống trên đất Quảng Nam. Giờ trở thành ở trên đất của Kon Tum do đo đạc đất đai bị sai lệch thì sao được. Người dân chúng tôi ai cũng phản đối chuyện nhập về bên Kon Tum”.

Vừa qua, xã Trà Vinh và huyện Nam Trà My kêu gọi được một số nhà tài trợ ủng hộ xây dựng cầu treo và xây mới điểm trường tiểu học tại 2 khu vực của thôn 3, với kinh phí khoảng 760 triệu đồng. Việc xây dựng trên nền của công trình cũ, được người dân thôn 3 đồng tình, đóng góp ngày công gùi, cõng vật liệu để hoàn thiện trước mùa mưa lũ về. Thế nhưng, vào ngày 24-5, UBND xã Đắk Nên đã tiến hành lập biên bản, buộc tạm dừng thi công do công trình nằm trên địa bàn xã này.

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, tâm tư: người dân thì “của” huyện Nam Trà My, nhưng trong pháp lý thì đang ở trên đất của tỉnh Kon Tum nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng là không được. Do đó, mong muốn của huyện Nam Trà My là Chính phủ giải quyết vấn đề này càng sớm càng tốt. “Trong thời gian chưa giải quyết được việc chồng lấn, Chính phủ nên cho huyện Nam Trà My đầu tư mở đường, xây trường, kéo điện lưới hay một số công trình khác để người dân thụ hưởng”, ông Trần Duy Dũng nói thêm.

Việc chồng lấn địa giới hành chính bắt nguồn từ khi thực hiện lập hồ sơ theo Chỉ thị 364/CT năm 1994. Đơn vị lập hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính đã đo vẽ bản đồ bằng phương pháp chuyển vẽ nội nghiệp mà không kiểm tra thực địa, dẫn đến sai lệch so với thực tế. Vì vậy, toàn bộ thôn 3 của xã Trà Vinh với 238 hộ dân, 1.034 nhân khẩu “bỗng dưng” sinh sống và canh tác trên địa phận của xã Đăk Nên (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum). Tổng diện tích khu vực chồng lấn là 6.198,17ha, diện tích thực tế khu vực có dân cư xã Trà Vinh sinh sống là 3.001,6ha. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã nhiều lần làm việc với tỉnh Kon Tum nhưng chưa thống nhất được quan điểm xử lý. Lãnh đạo hai tỉnh đã đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ giải quyết.

Tin cùng chuyên mục