Trong hội nghị xúc tiến đầu tư vào TP Hải Phòng tổ chức tại Hàn Quốc diễn ra mới đây, lãnh đạo TP Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án cấp mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn đạt 230 triệu USD. Đồng thời, TP Hải Phòng và các đối tác Hàn Quốc cũng ký kết các thỏa thuận hợp tác trong thời gian tới với số vốn đầu tư cam kết lên đến 1,5 tỷ USD. Tại Quảng Ninh, Công ty TNHH Tamagawa Seiki (Nhật Bản) đang xúc tiến một dự án đầu tư mới trị giá 35 triệu USD vào Khu công nghiệp Sông Khoai. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo chính xác cao, sản xuất cảm biến công nghệ cao cho ô tô, máy bay, sản phẩm vũ trụ…
Đầu tháng 6, Infineon Technologies AG (công ty chuyên về giải pháp bán dẫn cho hệ thống điện và IoT lớn nhất nước Đức) đã thông báo mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, đồng thời thành lập một đội ngũ nghiên cứu phát triển chip điện tử.
Vào cuối tháng 5, một báo cáo của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng đề cập đến sự nổi lên nhanh chóng của Việt Nam như một thị trường quan trọng đối với các nhà sản xuất chất bán dẫn của Hàn Quốc. BOK đánh giá lạc quan về tiềm năng của thị trường Việt Nam như: lực lượng lao động dồi dào với mức lương thấp; khả năng tiếp cận thuận lợi về vị trí địa lý... Những yếu tố này đang thúc đẩy các doanh nghiệp toàn cầu xây dựng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam.
Mặc dù vậy, nếu muốn đạt mức vốn đăng ký tương đương mức của 6 tháng đầu năm 2022 (14 tỷ USD), thì tháng 6 này phải có thêm ít nhất 3,5 tỷ USD đăng ký. Nhưng, các “dự án tỷ đô” ngày càng hiếm hoi trong vài năm gần đây. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ rõ. Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nhận định tại nghị trường kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV rằng, các thủ tục về đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, hải quan... còn tồn tại một số vướng mắc, trong khi một số bộ, ngành, địa phương có biểu hiện né tránh việc xử lý các vấn đề khó, phức tạp. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, biểu hiện rất rõ là tình trạng gửi hồ sơ, văn bản lấy ý kiến để “cộng đồng trách nhiệm”, kéo dài quy trình, thủ tục.
Một tồn tại khác cũng chưa được khắc phục, đó là thiếu hụt lao động, nhất là lao động chất lượng cao, trong khi giấy phép lao động có thời hạn ngắn; thủ tục cấp, gia hạn giấy phép lao động kéo dài. Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Đào Ngọc Dung cung cấp thông tin đáng chú ý: lao động Việt Nam kỹ năng còn thấp, số lao động qua đào tạo bằng các hình thức khác nhau là trên 70%, nhưng số có bằng cấp, chứng chỉ hiện nay chỉ là 26,4%.
Trong khi đó, những khó khăn “cũ” về cơ sở hạ tầng lại “mới” trở lại, rõ nhất là tình trạng cắt điện luân phiên. Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, do thiếu điện, nên mặc dù đã được ưu tiên nhưng các doanh nghiệp chỉ được cấp điện sản xuất liên tục ban ngày. Doanh nghiệp nào có đơn hàng gấp, cần làm đêm, thì phải đăng ký với ban quản lý các khu công nghiệp và ngành điện, và chỉ được sản xuất trong khoảng 0-5 giờ sáng.
Khó mới do có nhiều yếu tố… cũ, quả thật là một thách thức lớn!