Vươn tầm bản sắc trăm năm

TPHCM, thành phố phương Nam, nơi tiếp nhận và đón đầu nhiều xu hướng mới, vẫn còn đó dấu ấn trăm năm, di sản ngàn xưa… dựng nên bản sắc riêng, đủ trẻ nhưng cũng đủ ấn tượng.

Di tích trong vùng rừng ngập mặn

Đô thị Sài Gòn - TPHCM được nhiều người biết đến với lịch sử hình thành hơn 300 năm. Nhưng dấu xưa trong lòng đô thị trẻ, phản ánh lịch sử hình thành khoảng 3.000 năm với di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ (ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa, huyện Cần Giờ), cho thấy lớp cư dân đầu tiên của thành phố hình thành rất sớm - giai đoạn tiền sơ sử.

Những phát hiện nghiên cứu về khảo cổ học ở Cần Giờ từ năm 1993 đến nay, chứng minh địa bàn huyện Cần Giờ tồn tại một hệ thống di tích khảo cổ phân bố trên hàng chục giồng đất đỏ, với tổng số 26 di tích được phát hiện và nghiên cứu. Những di tích này phân bố ven các con sông lớn như sông Hà Thanh, Bà Vú, Bãi Tiên (xã Long Hòa), sông Vàm Sát, rạch Gốc Tre Lớn (xã Lý Nhơn) và khu vực giồng cát cổ Cần Thạnh ven vịnh Gành Rái. Chính trên những giồng đất đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện dấu tích của những cộng đồng cư dân đầu tiên, góp phần quan trọng tạo dựng nên môi trường sinh thái - nhân văn rất đặc thù ở đây mà cho đến nay, khảo cổ học Việt Nam và thế giới ít phát hiện được một khu vực nào có tính chất tương tự. Đó là di tích khảo cổ trong vùng rừng ngập mặn.

Theo TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM, hệ thống di tích khảo cổ học trên địa bàn thành phố cho biết, những nhóm cư dân cổ từng có mặt ở đây từ khoảng 3.000 năm trước, như nhóm cư dân cổ ở Bến Đò, Gò Cát (TP Thủ Đức), Gò Sao (quận 12), Rỏng Bàng (huyện Hóc Môn)… Đặc biệt các di tích ở huyện Cần Giờ (khoảng 2.500-2.000 năm trước) có giá trị đặc biệt đối với lịch sử thành phố. “Môi trường tự nhiên, di tích, di vật đã cho thấy khu vực Cần Giờ thời cổ không phải là một vùng phát triển nông nghiệp trồng trọt như nhiều nơi khác trong thời đại kim khí. Cư dân cổ nơi này có đời sống kinh tế khá, đặc biệt là phát triển thương mại bằng đường biển hướng ra khu vực Đông Nam Á hải đảo và xa hơn, bằng đường sông hướng vào Đông Nam Á lục địa, kết hợp hoạt động khai thác nguồn lợi tự nhiên tại chỗ.

Chính vì vậy, có thể cho rằng Cần Giờ 2.000 năm trước đây là một “cảng thị sơ khai”, nơi tiếp thu và chuyển hóa nhiều yếu tố văn hóa - kỹ thuật từ bên ngoài, đồng thời cũng là nơi tích tụ và phát tán những yếu tố văn hóa bản địa. Di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ là di tích tiêu biểu cho những giá trị đặc biệt này. Đây là đặc trưng quan trọng nhất, là tiền đề cho sự hình thành những đặc trưng khác của thành phố. Đó là đô thị trung tâm kinh tế, đô thị đa dạng văn hóa và đô thị sớm quy hoạch theo kiểu phương Tây. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình di sản văn hóa của thành phố cần được thực hiện cụ thể và khẩn trương hơn nữa”, TS Nguyễn Thị Hậu phân tích thêm.

Di sản - đô thị sông nước

Có thể nói sự khác biệt giữa Sài Gòn - TPHCM với các đô thị lớn khác phụ thuộc vào mối quan hệ giữa yếu tố sông nước với không gian đô thị. TS-KTS Phạm Phú Cường chia sẻ: “Thành phố gần như được sinh ra giữa những dòng sông, vì nó được ôm trọn bởi các dòng nước sông Sài Gòn, rạch Bến Nghé, rạch Thị Nghè… Khác với Hà Nội, nơi dòng sông Hồng rộng mênh mông ngăn cách các vùng đất ở hai bờ; các dòng sông, rạch tại Sài Gòn thì ngược lại, chúng hòa mình vào đô thị, tham gia vào cấu trúc và tiến trình phát triển của thành phố. Mọi diễn tiến phát triển kiến trúc của trung tâm hiện hữu đều in bóng trên sông nước - tựa như những dải lụa mềm mại giữa lòng đô thị”.

Cột cờ Thủ Ngữ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Cột cờ Thủ Ngữ. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Như là kết quả của một thành phố sinh ra và lớn lên từ những dòng sông, sông nước nơi đây không chỉ là một yếu tố cảnh quan, mà đã trở thành một đặc trưng quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa của thành phố “trên bến dưới thuyền”. Nét giao thương sông nước một thời lại nhộn nhịp thị thành mỗi độ tết đến xuân về, khi ghe bông miệt vườn cập Bến Bình Đông (quận 8). Và từ năm 2021, hoạt động chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” tại Bến Bình Đông được đưa vào chuỗi sự kiện văn hóa - nghệ thuật, lễ hội tiêu biểu thường niên của TPHCM.

“Trên bến dưới thuyền” không chỉ chuyện giao thương, trong hình thái mới, công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) trở thành điểm nhấn ở khu vực trung tâm thành phố soi mình bên sông Sài Gòn. Cùng bến tàu thủy nội đô và các chương trình ca nhạc ngoài trời được tổ chức thường xuyên tại đây, tiếp đến là cầu Ba Son (thay tên Thủ Thiêm 2, theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 8 HĐND TPHCM tháng 12-2022)… trở thành điểm đến của người dân thành phố và du khách.

“Không chỉ dạo chơi, hóng gió, không gian công viên Bến Bạch Đằng với hậu cảnh là cầu Ba Son, sông Sài Gòn còn được dân chơi ảnh canh nắng chiều và nắng sáng để có nhiều góc ảnh lạ, đẹp như mơ. Và từ đó có thể sang phố đi bộ Nguyễn Huệ hoặc ngồi cà phê ở bến tàu thủy, coi ca nhạc ngoài trời, sân khấu dựng ngay bên bờ sông, khung cảnh đủ lãng mạn và rất trẻ”, anh Nguyễn Phước Vương (27 tuổi, ngụ quận 3) chia sẻ.

Quá trình hình thành và phát triển cho thấy với vị thế địa hình sông nước kết nối hài hòa, cùng với nhiều thuận lợi về khí hậu, môi trường sống, thuận lợi giao thương đã khiến thành phố trở thành một vùng giao thoa của nhiều nền kinh tế khác nhau, nơi tụ hội các hoạt động giao thương, mua bán… Và tinh thần của nét văn hóa này hiện nay vẫn còn lưu lại tại khu vực cửa ngõ phía Tây kéo dài đến Bến Bạch Đằng, bao gồm: Chợ Lớn, Bến Bình Đông và tuyến không gian sông nước dọc đại lộ Võ Văn Kiệt.

Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, bộ mặt đô thị TPHCM có nhiều nét đặc sắc của một thành phố trẻ, khởi nguồn từ đô thị sông nước. Việc bảo vệ di sản “trên bến dưới thuyền” mang đậm sắc thái của văn hóa sông nước Nam bộ, một kiểu thích ứng với đặc trưng sinh thái của Sài Gòn - TPHCM, là yếu tố rất đáng cân nhắc trong tiến trình phát triển và tạo dựng bản sắc cho thành phố trong tiến trình hiện đại hóa đô thị, vươn tầm cùng khu vực.

TS NGUYỄN THỊ HẬU

Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử TPHCM:

Hiện nay di tích khảo cổ quốc gia Giồng Cá Vồ đang được nghiên cứu bảo tồn tại chỗ, trở thành một “bảo tàng mộ chum” độc đáo nhất khu vực Đông Nam Á, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Sự giao thương rộng rãi với bên ngoài và nguồn lực vật chất của lưu vực Đồng Nai - Cửu Long, “cảng thị sơ khai” Cần Giờ xưa kia, cảng Bến Nghé thời Nguyễn, cảng Sài Gòn trong thế kỷ XX và hiện nay là hệ thống cảng biển, TPHCM đã giữ vững vai trò quan trọng trong những giai đoạn lịch sử khác nhau. Đó là một lợi thế mà hầu như không có một đô thị biển nào ở Việt Nam có được.

PGS-TS HUỲNH QUỐC THẮNG

Trường Đại học KHXH-NV TPHCM:

Trong tiến trình phát triển của thành phố, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, trước hết phải bảo tồn đúng giá trị nguyên gốc, từ đó mới có thể tìm giải pháp thích hợp để giữ gìn và phát huy… Và nói phát huy bản sắc riêng cũng không nhất thiết phải tách mình riêng biệt, mà trong cái chung, mình tìm được cái hay của riêng mình. TPHCM là một đô thị phương Nam, bản sắc riêng của thành phố là điều cần phải có, nhưng nó phải hài hòa với bản sắc Nam bộ và hài hòa cùng bản sắc văn hóa của cả nước.

TS NGUYỄN ĐỨC TUẤN

Trường Đại học Văn hóa TPHCM:

Dấu ấn đô thị sông nước ở TPHCM nên nhìn nhận như là điều kiện, là tiền đề để hình thành nên đô thị Sài Gòn - TPHCM. Các kênh rạch Sài Gòn đã góp phần tạo nên diện mạo của thành phố. Các địa danh như: Thị Nghè, Bến Nghé, Kênh Tàu Hủ, Rạch Miễu, Rạch Lò Gốm, Bến Vân Đồn... phản ánh sự nhộn nhịp, náo nhiệt của một thành phố ven sông. TPHCM nên dựa vào hệ thống kênh rạch sẵn có, khôi phục môi trường trong xanh cho kênh rạch, phục dựng cảnh trên bến dưới thuyền của vài địa danh nổi tiếng, khai thác văn hóa giá trị của đô thị mang dấu ấn sông nước, phát triển du lịch đường thủy theo hệ thống kênh rạch là nét đặc trưng vốn có của đô thị Sài Gòn xưa...

Tin cùng chuyên mục