Bỏ lại phía sau thành phố Việt Trì nhộn nhịp, chúng tôi đi về phía Vườn quốc gia Xuân Sơn (xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn), nơi được mệnh danh là “Lá phổi xanh” không chỉ của riêng tỉnh Phú Thọ, mà còn của cả vùng núi trung du phía Tây Bắc.
Chuyến đi này, theo miêu tả của các bạn đồng nghiệp ở Đài PTTH Phú Thọ trên quãng đường di chuyển hơn 70km, chính là để thưởng lãm cảnh thắng Xuân Sơn bằng mắt, tận hưởng bầu không khí trong lành nơi đây bằng mọi giác quan, và đặc biệt, cảm nhận sự ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này bằng cả trái tim…
Mà quả như vậy thật. Sau dáng vẻ trùng điệp những đồi chè Long Cốc, nét đẹp mây vờn núi biếc của những cọn nước Khả Cửu…, thì Vườn quốc gia Xuân Sơn bật lên như một điểm nhấn ấn tượng trong bức tranh du lịch xanh của miền sơn cước.
Nơi ấy khiến con người ta phải thổn thức trước sự kỳ vĩ của núi rừng, nơi mà muông thú sinh sống dưới những tán cây khổng lồ như những chiếc ô phủ lấy vùng đất rộng lớn, che chở và bảo vệ nơi rừng nguyên sinh quý giá này. Nơi ấy khiến con người ta phải dấn mình khám phá những hang động tuyệt đẹp Sơn Dương, Thổ Thần, Thiên Nga, Cỏi… Và nơi ấy, nếu như ai từng đến một lần, đều muốn trở lại để được thưởng thức những món sản vật địa phương, là cá suối, cua đá, gà chín cựa, thịt chua Phú Thọ; là xôi ngũ sắc, rau bò khai, rau sắn…
Mây vần vũ từ tinh mơ, kèm cơn mưa nhẹ và kéo dài từ đêm hôm trước khiến buổi sáng ở Vườn quốc gia Xuân Sơn se se lạnh, tỏa ra bầu không khí trong lành đến lạ, làm thần trí con người ta sảng khoái, mẫn tuệ hơn cho một khởi đầu ngày mới.
Ai cũng bảo Vườn quốc gia Xuân Sơn đẹp nhất vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 12, thời điểm mà đỏ rực hai bên của mọi nẻo đường là những rặng hoa trạng nguyên, hòa trong sự hùng vĩ của thác Lưng Trời, của Suối Tiên đang tuôn chảy không ngừng…
Nhưng thật ra, đến Vườn quốc gia Xuân Sơn thời điểm nào cũng thấy cuốn hút, thấy thú vị vì du khách sẽ được trải nghiệm trước sự đa dạng của thời tiết, của thảm thực vật xanh mươn mướt, của rừng cây được bao phủ và ẩn hiện trong sương, trong mây… Theo chị Phạm Thị Anh (cán bộ Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Phú Thọ), đấy là những điểm tạo nên sự khác biệt cho “Lá phổi xanh” Xuân Sơn.
Một ngày ở đây trong phần lớn thời gian của năm cũng có đủ 4 mùa, nên, Vườn quốc gia Xuân Sơn từ lâu đã trở thành điểm đến của các “phượt thủ” cả nước, của nam thanh, nữ tú vùng lân cận yêu thích trải nghiệm, tìm đến và tận hưởng sự trong lành của khí hậu và sự hiếu khách của người dân bản địa đang sinh sống và hàng ngày vẫn chung tay bảo vệ môi trường xanh cho nơi đây.
Xuân Sơn tự hào là Vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh trên núi đá vôi. Ở độ cao trên 1.000m, môi trường ẩm ướt quanh năm, đa dạng các tầng rừng, rất phù hợp cho sự phát triển của hệ động và thực vật phong phú, độc đáo. Vì vậy, Vườn quốc gia Xuân Sơn giống như một “pháo đài xanh” cần được bảo tồn và phát triển bền vững trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Bảo vệ, bảo tồn là nhiệm vụ đặc biệt, do đây là một trong những rừng đặc dụng quan trọng của quốc gia. Nhưng vẫn cần “đánh thức” Xuân Sơn quyết liệt hơn nữa ở khía cạnh kích cầu du lịch xanh, ở mảng du lịch sinh thái - thế mạnh mà không phải nơi nào cũng có được - nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh, từ những vùng lân cận và trên khắp cả nước. Vườn quốc gia Xuân Sơn cần được đầu tư thành khu du lịch trọng điểm, cần có hệ thống cáp treo hiện đại, cần những con đường thật đẹp để đến các hang động, thác nước, suối trong… để thực sự khiến người đến, người đi phải lưu luyến, phải nhớ thương và muốn được tìm về…