Ủy ban Điều phối quốc tế về con người và sinh quyển (thuộc Tổ chức UNESCO) đã bầu chọn Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Cù lao Chàm (Việt Nam) là 2 khu dự trữ sinh quyển mới của thế giới, nâng tổng số khu dự trữ sinh quyển trên toàn thế giới lên 22 khu. Thông tin trên được UNESCO chính thức công bố chiều 26-5 tại đảo Jeju của Hàn Quốc.
Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được thành lập năm 2002 với tổng diện tích tự nhiên 41.862 ha, trong đó diện tích đất liền là 15.262 ha và phần ven biển là 26.600 ha. Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau có hệ sinh thái ngập mặn rất đa dạng với 93 loài thực vật thuộc 38 họ (trong đó chủ yếu là đước); có 28 loài thú thuộc 13 họ; 6 loài lưỡng cư thuộc 4 họ và 34 loài bò sát thuộc 14 họ.
Nhiều loài bò sát ở đây được ghi trong Sách đỏ của Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN). Khu vực này còn có 74 loài chim thuộc 23 họ, với 28 loài chim di trú và nhiều loài quý hiếm.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Văn Giảng, Chủ tịch UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), quanh Cù lao Chàm có nhiều loài thủy sinh như: tảo biển, san hô, động vật thân mềm, động vật giáp xác.
Hiện Cù Lao Chàm có gần 1.000 loài sinh vật sinh sống trên các vùng nước quanh đảo, trong đó có 178 loài sinh vật biển, hơn 50 loại cá, 56 loài thân mềm như ốc, ngọc trai; nhiều loại nằm trong Sách đỏ của Việt Nam.
Khu dự trữ sinh quyển này gồm cả TP Hội An, nơi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
NG. KHÔI - X.H - T.T.X