Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập ngành lâm nghiệp, sáng 2-12 tại tỉnh Ninh Bình, Bộ NN-PTNT đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm xây dựng và phát triển VQG Cúc Phương và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và đọc Thư chúc mừng của Chủ tịch nước tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã ôn lại truyền thống 77 năm ngành lâm nghiệp và 60 năm xây dựng và phát triển của VQG đầu tiên của Việt Nam.
Từ khi đất nước đang còn chiến tranh, kinh tế khó khăn nhưng với tầm nhìn chiến lược về ý nghĩa và vai trò của rừng, Chính phủ đã quyết định thành lập VQG Cúc Phương vào tháng 7-1962 để gìn giữ, bảo tồn kho tàng thiên nhiên quý giá, phục vụ công tác bảo tồn, nghiên cứu học tập, tham quan, nghỉ dưỡng.
Trong Thư chúc mừng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, từ lâu VQG Cúc Phương đã trở thành địa chỉ về bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và bảo tồn nguồn gene các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm nói riêng. Nơi đây cũng là cái nôi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành bảo tồn thiên nhiên, đồng thời là một “trường học giữa đại ngàn” của rất nhiều thế hệ học sinh, sinh viên trong nước cũng như thế giới, mang tầm quốc tế.
Đặc biệt, liên tiếp 4 năm gần đây, từ 2019 đến 2022, Cúc Phương đạt Giải thưởng Du lịch Thế giới ở hạng mục “Vườn quốc gia hàng đầu châu Á’’.
Theo ông Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương, với diện tích hơn 22.000ha nằm trên địa bàn 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình và chia cắt bởi các dãy núi đá vôi, Cúc Phương là nơi giàu tính đa dạng sinh học. “Trong hành trình lịch sử và hoàn cảnh đất nước 60 năm về trước, một cánh rừng là Cúc Phương đã được Đảng và Nhà nước nhìn nhận vai trò quan trọng cho sự phát triển bền vững nên cho thành lập 1 bộ máy quản lý để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và định hướng giáo dục môi trường rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái”, ông Nguyễn Văn Chính phát biểu.
Kể từ đó đến nay, mô hình này là cơ sở để hình thành 167 khu rừng đặc dụng với hành lang pháp luật, hệ thống chính sách và hàng loạt cơ chế ngày càng hoàn thiện, mang tính khoa học, phù hợp thực tiễn và thông lệ quốc tế.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị VQG Cúc Phương tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền các địa phương trong vùng, bằng nhiều giải pháp để xác định bảo vệ rừng là gốc, hướng đến mục tiêu bảo vệ hệ sinh thái rừng. Quan tâm, chú trọng hơn nữa việc ứng dụng các tiện ích của công nghệ và phần mềm ứng dụng trong tuần tra bảo vệ rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và giám sát đa dạng sinh học.
Đồng thời cũng coi trọng nghiên cứu, cứu hộ, bảo tồn các loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm, loài đặc hữu; sớm có giải pháp tái thả tại vườn một số loài quý hiếm đã thành công trong cứu hộ.
Khẩn trương xây dựng Đề án du lịch sinh thái theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế để tạo nguồn thu ổn định, bền vững, nâng cao hơn nữa đời sống, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc để viên chức, người lao động yên tâm công tác.