Sử dụng nguồn vốn hiệu quả
Những ngày cuối tháng tư chúng tôi có dịp được ghé thăm các hộ dân được vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương. Gia đình đầu tiên chúng tôi ghé đến là nhà bà Lê Thị Lặc (51 tuổi). Gia đình bà có vườn chanh rộng 0,4ha, bà Lặc vui mừng cho biết, hiện giá chanh dao động 17.000-19.000/kg, đây là mức giá khá cao so với thời điểm trước đây. Mỗi tháng nhà bà hái được từ 600kg-1.000kg, trừ xong chi phí, bà còn lãi được khoảng 10 triệu đồng.
Bà Lặc cho biết, trước đây nhà bà trồng lúa, sau chuyển sang trồng dưa leo, cực quá bà chuyển sang trồng chanh thấy công việc nhẹ hơn và cho mức thu nhập ổn định hơn.
Bà Lặc hiện có 3 đứa con đã lập gia đình có được 6 đứa cháu. Lúc chưa tiếp cận được nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương gia đình bà chủ yếu đi làm mướn. Bà Lặc nhận nguồn vốn 10 triệu đồng từ năm 2016 để bắt bò về nuôi. “Thú thật là lúc đó tôi cũng rất sợ, lỡ có rủi ro gì, không biết lấy tiền đâu trả lại. 2 năm gần đây nhà tôi trồng thêm chanh. Tôi rất mừng vì đã hoàn lại được nguồn vốn vay, đời sống kinh tế bây giờ cũng đỡ hơn trước rất nhiều”, bà Lặc nói.
Ngôi nhà tiếp theo chúng tôi ghé thăm là nhà bà Nguyễn Thị Nhan (62 tuổi). Nhà bà Nhan đang tập trung vào trồng cây mai. Vườn mai của gia đình bà hiện có khoảng 1.800 gốc. Sau hơn 2 năm trồng và chăm sóc, vườn mai đã mang về lợi nhuận cho gia đình bà Nhan mỗi năm hơn 200 triệu đồng.
“Lúc trước kinh tế khó khăn nhà tôi vay vốn trồng hoa màu. Khoảng 2 năm gần đây nhà tôi chuyển sang trồng mai. Vốn ban đầu trồng mai trên 4 công đất khoảng 200 triệu đồng. Lúc đầu cũng chỉ mong đủ ăn, thoát được nghèo, nay mình đã trả được vốn vay và có đời sống kinh tế khá hơn, đây là điều tôi chưa từng nghĩ tới”, bà Nhan chia sẻ.
Cũng nhận được nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương, anh Phạm Thành Dũng nuôi ếch và các loại cá nước ngọt. Anh khởi nghiệp với 10 cặp ếch, đến thời điểm hiện tại anh có 1.000 cặp. Mỗi năm anh làm 3 vụ ếch, mỗi vụ thu được từ 5-7 tấn ếch, trừ hết các khoản chi phí anh còn lời khoảng 10.000 đồng/kg. Với cá trê vàng 1 năm anh làm 2 vụ, mỗi vụ anh nuôi 1 tấn cá trê giống cho ra 15 tấn cá trê thịt, mỗi ký cho lời 15.000-20.000 đồng. Hiện tại anh Dũng đã hoàn vốn được 2 năm. Lợi nhuận từ mô hình nuôi mang về lợi nhuận cho anh từ 20-25 triệu/tháng.
huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An
“Lợi nhuận kinh tế từ chăn nuôi giúp mình có nhiều khoản để chi, đến nay mình đã vượt qua được những khó khăn về kinh tế. Mình tiếp cận được nguồn vốn này từ năm 2018, đây chính là bàn đạp để mình phát triển được như ngày hôm nay. Thời gian đầu diện tích mình sử dụng là 800m2 đến bây giờ diện tích hầm nuôi 1.000m2, ao giống 500m2; diện tích trại nuôi tận dụng mặt nước sông khoảng 600m2”, anh Dũng chia sẻ.
Mong nguồn quỹ phát triển giúp thêm nhiều hộ dân thoát nghèo
Bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Thủ Thừa cho biết, UBND huyện Thủ Thừa đã thành lập quỹ từ 2011 để cho vay sản xuất, kinh doanh nuôi bò, trồng chanh, trồng mai. Toàn huyện Thủ Thừa có hơn 300 hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong đó hội viên Hội Phụ nữ chiếm hơn phân nửa.
Phần lớn các hộ vay vốn làm ăn đã thoát được nghèo, giúp cho huyện hoàn thành được tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục mong muốn nguồn vốn của quỹ tăng thêm để có thể giúp được nhiều chị em có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, giúp cho đời sống xã hội được tốt hơn. Đến nay huyện Thủ Thừa có 6/12 xã, thị trấn đạt được nông thôn mới. Xã Mỹ Thạnh cũng phấn đấu trong năm nay hoàn thành được các tiêu chí. Trong xã có 6 chị em thuộc diện nghèo đã có 5 thoát nghèo, còn 1 trường hợp thuộc diện cận nghèo.
Ghi nhận hiệu quả từ nguồn quỹ, anh Mai Hữu Phước, Bí thư Huyện đoàn Thủ Thừa cho biết, Huyện đoàn Thủ Thừa đang quản lý nguồn vốn David Dương 300 triệu đồng được phân bổ cho các bạn đoàn viên có mô hình khởi nghiệp có tính hiệu quả, có được sự hỗ trợ từ gia đình nhưng vẫn còn khó khăn.
Thời gian đầu nguồn quỹ được chia nhỏ để hỗ trợ từ 10-20 triệu đồng. Sau này thấy nguồn vốn các bạn cần nhiều hơn để làm một mô hình nên huyện đoàn tăng mức cho vay lên đến 50 triệu đồng. Đến nay đã có 17 đoàn viên được hỗ trợ vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ cộng đồng David Dương.
“Thời gian vay vốn cho một dự án khởi nghiệp của các bạn đoàn viên tầm khoảng 2 năm. Các dự án gặp khó khăn do dịch bệnh, thiên tai thì thời gian gia hạn được tăng thêm. Hiện tại nhu cầu khởi nghiệp của các bạn đoàn viên rất nhiều mà nguồn vốn cũng hạn chế nên tôi rất mong Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương được mở rộng để có thêm nhiều đoàn viên được vay vốn phát triển kinh tế”, anh Mai Hữu Phước nói.
Các dự án được duyệt vay vốn chủ yếu về nuôi trồng thuỷ sản, trồng chanh, mai, nuôi gà, dịch vụ vận tải… đa số các đoàn viên điều có lãi từ các mô hình.
“Qua nguồn Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương, đa số đời sống của nhiều đoàn viên được cải thiện. Trong đó có đoàn viên thuộc diện cận nghèo nay đã thoát nghèo và có thu nhập ổn định hàng tháng. Thay mặt cho các đoàn viên được thụ hưởng từ nguồn quỹ, tôi rất biết ơn quý công ty đã tạo điều kiện để đoàn viên tự làm kinh tế để giúp cuộc sống tốt hơn”, anh Phạm Thành Dũng chia sẻ.
Tổng vốn Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương là 1 tỷ đồng, được phân bổ cho các đơn vị trong huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An quản lý. Các hộ dân được vay vốn thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đến khi thoát được diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, các hộ dân sẽ trả lại số vốn vay để cho các hộ dân khác tiếp tục được vay vốn.
Các đơn vị nhận quản lý nguồn quỹ gồm Đoàn Thanh niên 300 triệu đồng, Hội Phụ nữ 160 triệu đồng, Hội Cựu chiến binh nhận 290 triệu đồng, Hội Nông dân nhận 250 triệu đồng.
Ông David Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam (VWS), người sáng lập cho biết về mục đích của quỹ: “Chúng tôi luôn đồng hành, chia sẻ cùng người nông dân vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thay vì cho con cá, chúng tôi giúp bà con nông dân có cái cần câu. Không có niềm vui nào hơn khi đồng vốn được quay vòng, mỗi ngày có thêm những gia đình thoát nghèo, con cái được an tâm đến trường và thấy được những việc làm của mình thật sự có ý nghĩa”.