Đưa bom... về nhà
Anh Trần Văn Quận là lính hải quân phục viên. Trở về quê, trong tâm thức anh luôn thôi thúc làm một khu vườn lưu giữ ký ức chiến tranh để giáo dục thế hệ trẻ biết về giá trị của hòa bình, của một thời đất nước đi qua chiến tranh khó khăn như thế nào. Anh quyết định làm khu vườn hơn 2.000m2, rồi lang thang từ Bắc chí Nam, tìm đến các vựa phế liệu để thu mua vỏ bom, vỏ đạn, bánh xích xe tăng hỏng, bộ phận rơi rớt của máy bay hư. Tích dần từng năm một, từ năm 2018 đến nay, anh Quận đã chi gần 1 tỷ đồng cho các loại kỷ vật; đầu tư đổ đất ao chuôm, xây dựng không gian xanh cho khuôn viên khu vườn ngót nghét gần 5 tỷ đồng.
Ngồi trò chuyện cùng chúng tôi, chốc chốc anh Quận lại nhận điện thoại báo chỗ này có vỏ đạn pháo, chỗ kia có vỏ bom lớn còn nguyên. “Không chỉ mua vỏ bom, mà bất cứ cái gì liên quan đến chiến tranh tôi đều sưu tầm để đưa về trưng bày ở vườn ký ức chiến tranh. Đó là tâm nguyện của một người lính thời bình nhằm nhắc nhớ đất nước từng một thời kỳ như thế”, cựu binh Trần Văn Quận tâm sự.
Dẫn chúng tôi đi xem khu vườn, anh Quận chỉ vào quả bom to nhất nói: “Có một người sưu tầm ra giá 200 triệu đồng cho vỏ bom này nhưng tôi không bán, giữ lại để các thế hệ học sinh trong vùng được biết quá khứ ngày xưa cha ông chiến đấu như thế nào mới có được hòa bình như hôm nay”.
Khu vườn ký ức chiến tranh của anh Quận được sắp đặt bài bản, một số hiện vật được chế tác khá nghệ thuật, sáng tạo, khiến người xem như lạc vào không gian ký ức chiến tranh để nhắc nhớ nâng niu tháng ngày hòa bình.
Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh Hà Xuân Hưng cho biết, việc làm của anh Trần Văn Quận có ý nghĩa lan tỏa về giá trị hòa bình và tạo điều kiện để trẻ em, người dân nhận biết an toàn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. |
Địa chỉ giáo dục lịch sử
Theo cựu binh Trần Văn Quận, vườn ký ức chiến tranh mở cửa miễn phí, đón khách nhiều nhất là lứa tuổi học sinh tiểu học, THCS trong vùng và nhiều địa phương khác vào mỗi cuối tuần. Mỗi lần đón các em học sinh, anh Quận lại mặc đồ bộ đội, đội mũ tai bèo, thuyết trình giới thiệu. “Các cháu ngày nay học hành bài bản, có nhiều kiến thức tìm kiếm trên các nền tảng mạng xã hội. Vừa rồi có một cháu ở TPHCM về thăm quê, đến tham quan và khá am hiểu về các loại máy bay, xe tăng, bom đạn. Cháu nói, vườn ký ức chiến tranh này nên được đưa vào địa chỉ là một nơi giáo dục về an toàn bom mìn cho thế hệ trẻ, giúp các bạn khi gặp bom sót lại sau chiến tranh có ý thức đảm bảo an toàn, báo với địa phương xử lý”, anh Quận kể.
Cô giáo Từ Thị Thu dẫn học sinh một trường THCS trên địa bàn huyện Quảng Ninh đến tham quan vườn ký ức chiến tranh đã có cảm tưởng rằng: “Khu vườn toát lên vẻ thân thiện, dù vỏ bom đạn lạnh lùng, nhưng nó cho thấy một thời kỳ cha ông phải hy sinh để có nền độc lập như hôm nay. Chú Quận đã làm cho cô trò có buổi ngoại khóa lý thú, có thêm nhiều kiến thức, cũng như hiểu thêm lịch sử”.
Theo anh Quận, trong thời gian tới sẽ còn bổ sung các chủ đề mới như sa bàn đường Hồ Chí Minh năm xưa, hay các chiến khu thu nhỏ, để tạo nên sự liên hoàn nhằm giáo dục cho các thế hệ trẻ biết thêm thời cha ông sống, chiến đấu dưới bom đạn như thế nào.