Vượt khó bám biển
Tại các cảng cá Sa Kỳ (Quảng Ngãi), Tam Quan, Đề Gi, Quy Nhơn (Bình Định), Đông Tác (Phú Yên), bà con ngư dân hối hả vượt sóng ra khơi. Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Cảng cá Quy Nhơn cho biết, đến sáng 17-11 đã có gần 300 tàu cá của bà con ngư dân địa phương làm thủ tục xuất cảng.
Đang bốc đá lên tàu, ngư dân Trần Ngọc Mênh (53 tuổi, ở xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) chia sẻ: “Nhà cửa bị gió bão đánh bay mái nhưng tôi chỉ tạm khắc phục để còn tranh thủ đưa tàu vươn khơi. Tôi đầu tư 150 triệu đồng để mua sắm, chuẩn bị đầy đủ dầu, đá và các nhu yếu phẩm, lương thực cần thiết với hy vọng vớt vát vài chuyến biển cuối năm để có cái tết đầy đủ”. Theo ông Mênh, ngư dân câu cá ngừ đại dương ở Hoài Nhơn có 2 ngư trường đánh bắt chính. Từ tháng 2 đến tháng 7 đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa; tháng 7 đến cuối tháng 1 năm sau đánh bắt ở ngư trường Trường Sa.
Cùng thời điểm, nhiều tàu cá khác từ vùng biển Trường Sa cập cảng. Ngư dân Cao Văn Hải (xã Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn) trên tàu BĐ 97871 TS vừa từ biển Trường Sa cập cảng cá Quy Nhơn cho biết, chưa có chuyến biển nào đi dài ngày như chuyến này, trễ ngày về mất 15 ngày. “Bão chồng bão, cứ 4-5 ngày lại xuất hiện 1 cơn bão, nối nhau đổ vào khủng khiếp quá. Tàu tôi cứ ăn rồi đi chạy bão, né bão, tránh trú khắp nơi khó khăn lắm”, anh Hải nói.
Khu vực ven biển Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị là 2 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại nặng nề bởi bão số 13 nhưng bà con ngư dân vẫn nỗ lực vượt khó để vươn khơi. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế), cho biết, bão số 13 làm 11 con tàu của địa phương bị mắc cạn hoặc chìm. Để sớm vươn khơi sau bão, địa phương đã đề nghị Hải đội 2 thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp cùng chính quyền địa phương và bà con ngư dân khơi thông vị trí các con tàu mắc cạn.
Còn đó những âu lo
Khi ngư dân đánh bắt xa bờ chuẩn bị vươn khơi thì bà con ngư dân đánh bắt gần bờ cũng liên tục trúng mẻ cá lớn. Đi dọc các làng biển Trung Lương, Nhơn Lý, Nhơn Hải (Bình Định) trở vào Xuân Hải (Phú Yên), nhiều ngư dân cho biết liên tục trúng mẻ cá hố, cá sòng. “Có tàu trúng đậm mẻ cá thu đến 30 triệu đồng chỉ trong 1 ngày đánh bắt. Mùa biển động, việc đánh bắt tuy hơi nguy hiểm nhưng thu nhập cao. Nhiều chủ tàu không gặp được đàn cá lớn cũng kiếm được năm bảy trăm ngàn đồng, vừa đạt ngày công”, ông Phạm Hữu Công (TP Quy Nhơn) cho biết.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều thuận lợi. Tại cảng Đề Gi (Bình Định), từ sau sự cố hàng loạt tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 (NĐ-67) bị hư hỏng, đến nay vẫn còn kéo dài chuỗi ngày khốn khó của các chủ tàu. Khó khăn nhất là bão chồng bão trên Biển Đông buộc họ phải chạy bão, đánh bắt thua lỗ. Ngư dân Lê Văn Thải (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) than: “Gần 2 tháng nay, bão chồng bão trên biển khiến tàu phải nằm bờ. Tôi đang vay tiền ngân hàng đóng tàu vỏ thép, trả lãi 15 triệu đồng/tháng. Vừa rồi cứ 3 ngày bão lại vào, làm ăn không được, nợ mới chồng nợ cũ khiến chúng tôi rất khốn đốn”.
Còn ngư dân Thái Văn Duyệt, chủ tàu vỏ thép BĐ 99160-TS, nói: “Mỗi chuyến biển phí tổn từ 300 đến 400 triệu đồng mà ra khơi gặp bão làm ăn không được, lỗ nặng lắm. Nợ ngân hàng còn rất nhiều nhưng cứ phải tạm gác lại chưa thể trả được”.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, không chỉ bão dồn, lũ dập gây khó khăn, phía các công ty bảo hiểm thấy nhiều rủi ro cũng ngừng bán bảo hiểm tàu cá. Bị công ty bảo hiểm “bỏ rơi”, ngân hàng “nhốt tàu”, các ngư dân ở Bình Định và mới đây là Quảng Ngãi càng lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, khó khăn chồng chất…