46 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2025)

Vững vàng Đồng Đăng

46 năm sau cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17-2-1979 - 17-2-2025), cùng cả nước, thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) đã có sự phát triển mạnh mẽ. Những ngày giữa tháng 2 này, có mặt tại thị trấn Đồng Đăng, nhóm PV Báo SGGP vẫn thấy di tích pháo đài Đồng Đăng hiên ngang, khắc ghi về những ngày tháng quật cường cùng cả nước chiến đấu bảo vệ biên cương của Tổ quốc.

Đổi thay miền biên viễn

Thị trấn Đồng Đăng, những ngày sau Tết Nguyên đán thường nhộn nhịp du khách khắp nơi tới trẩy hội đền Mẫu Đồng Đăng, được tổ chức thường niên vào mùng 10 tháng Giêng hàng năm. Tuy nhiên những ngày đầu Xuân Ất Tỵ 2025, sự đông đúc của thị trấn biên ải này còn sôi động hơn nhiều so với những năm trước khi pháo đài Đồng Đăng được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Bên cạnh đó, việc chính quyền địa phương khai trương phố đi bộ trên tuyến đường Hoàng Văn Thụ, đường Nam Quan có chiều dài hơn 1,4km với hàng trăm hộ đăng ký kinh doanh buôn bán các mặt hàng đặc sắc của địa phương đã thu hút đông đảo du khách.

Q7a.jpg
Một khu chợ sầm uất tại thị trấn Đồng Đăng

Không giấu niềm vui trước sự phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ của địa phương những năm gần đây, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, chia sẻ, thị trấn Đồng Đăng nằm sát biên giới, cách TP Lạng Sơn khoảng 14km và là giao điểm của các tuyến quốc lộ 1A, 1B và 4A. Đặc biệt, thị trấn Đồng Đăng nằm trong Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, là một trong những khu kinh tế cửa khẩu có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đồng Đăng cũng là địa bàn có 2 cửa khẩu quốc tế, gồm: Cửa khẩu đường sắt liên vận quốc tế và Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị nên từ khi có sự giao thương Việt Nam - Trung Quốc, đời sống của người dân đã không ngừng nâng cao.

Sau cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới tháng 2-1979, thị trấn Đồng Đăng từng đổ nát, hoang tàn, nhưng được sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh Lạng Sơn, cùng sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, giờ đây thị trấn Đồng Đăng đã là đô thị loại 3 và đang phấn đấu tới năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Lạng Sơn. Với lợi thế có nhiều di sản văn hóa và di tích lịch sử (Cột mốc số 0, Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ - Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Nhà bia Thủy Môn Đình, Di tích pháo đài Đồng Đăng, đền Cô Đôi, đền Mẫu Đồng Đăng…), Đồng Đăng đang trở thành điểm đến hấp dẫn và yêu thích của du khách, với lượng du khách 60.000-70.000 người/năm, qua đó góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Lịch sử khắc ghi

Giờ đây, pháo đài Đồng Đăng vẫn hiên ngang như là chứng tích của cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biên giới tháng 2-1979. Bên khu tưởng niệm nghi ngút khói hương trên đỉnh Di tích quốc gia pháo đài Đồng Đăng, Đại tá Triệu Quang Điện (nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn), nhớ lại: “Lúc đó, tôi mới 20 tuổi, là binh nhì thuộc Đại đội cảnh sát cơ động của Công an Lạng Sơn, có nhiệm vụ bảo vệ bà con ở thị trấn. Đồng đội tôi có người hy sinh ngay trước cửa pháo đài, lập tức có người khác cầm súng lên thế chỗ...”.

Giờ đây, mắt đã mờ, sức cũng yếu nhưng người lính trinh sát năm xưa Nguyễn Văn Bình (71 tuổi, ở phố Lò Rèn, thị trấn Đồng Đăng) vẫn nhớ như in những ngày sát cánh cùng với các chiến sĩ Công an Lạng Sơn bảo vệ nhân dân và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Bình mong có nhiều sức khỏe để được chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và quê hương, cũng như cuộc sống người dân ngày càng hạnh phúc.

Cùng sự phát triển của cả nước, Đồng Đăng và Lạng Sơn giờ đã khác rất nhiều so với 46 năm trước, cuộc sống người dân đa số đều sung túc, hiện đại hơn. Các tuyến quốc lộ 1A, 1B, 4B đều được mở rộng, nâng cấp hiện đại. Tuyến cao tốc từ Hà Nội qua Bắc Giang đến Lạng Sơn với điểm cuối là cửa khẩu Hữu Nghị đang gấp rút hoàn thiện. Tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đang được thi công. Giao thương qua các cửa khẩu nhộn nhịp, tấp nập suốt ngày đêm…

Đồng Đăng, Lạng Sơn giờ không còn quá xa xôi và khó khăn nữa. Di tích pháo đài Đồng Đăng vẫn kiêu hãnh “đứng đó”, từ điểm cao bao quát tất cả. Như lịch sử đã khắc ghi, mỗi người dân nơi đây vẫn luôn nhớ về những ngày tháng hào hùng và bi tráng cùng cả nước. Tất cả xem đó là một điểm tựa, nốt son trong lịch sử quê hương và dân tộc. Đồng Đăng giờ đây cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt, vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc!

Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc Nguyễn Văn Thịnh thông tin, việc pháo đài Đồng Đăng vừa được công nhận Di tích lịch sử quốc gia, tỉnh Lạng Sơn đã có kế hoạch xây dựng công trình tưởng niệm tại pháo đài Đồng Đăng. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi, giáo dục về ý nghĩa, giá trị của di tích pháo đài Đồng Đăng đến các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân để vừa góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử vừa gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Tin cùng chuyên mục