Vững tin một con đường

Niềm tin đã chọn
Vững tin một con đường

“Dù rằng niềm tin y đức của người thầy thuốc hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí những vụ việc gần đây khiến dư luận hoang mang, thế nhưng, trách nhiệm y đức không thể quay lưng với số phận con người”, đó là tâm tình của dược sĩ Nguyễn Kim Sâm, người đã đồng hành suốt 16 năm qua với Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng do Báo SGGP tổ chức hàng năm.

Niềm tin đã chọn

Dược sĩ Nguyễn Kim Sâm

Dược sĩ Nguyễn Kim Sâm

Với bà, kỷ niệm lớn nhất trong cuộc đời đó là vào năm 1946, khi vừa tròn 16 tuổi, cô gái Nguyễn Kim Sâm đã vinh dự được kết nạp vào Đảng CSVN. Suốt chặng đường gần 70 năm theo cách mạng, hình ảnh người cha thân yêu, cụ Nguyễn Văn Chấn, từng làm quan Phó bảng quê hương Nam Đàn (Nghệ An), nơi bà sinh ra, đã từ quan để tham gia đội ngũ trí thức yêu nước đánh đuổi giặc Pháp luôn song hành cùng bà. Chính người cha thân yêu đã truyền cho con gái một tình yêu nước nồng nàn, nên bà đã chọn lối rẽ cho mình trong cuộc đời để theo học lớp dược sĩ trung cấp của Bộ Y tế Việt Nam lúc bấy giờ với ước mong sau này có cơ hội giúp được nhiều người.

Năm 1953, khi đang học dở dang lớp dược sĩ, bà được lệnh lên Tây Bắc chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi chiến trận xảy ra, bà Sâm cùng tập thể thầy thuốc làm việc quần quật suốt 16 - 17 giờ mỗi ngày để sản xuất thuốc kịp thời cứu chữa thương bệnh binh bởi điều kiện y tế thuốc men phục vụ chiến trường lúc ấy rất khan hiếm, nhất là nước cất và thuốc gây tê.

“Cái khó ló cái khôn”, bà đã vận dụng kiến thức dược vào thực tế: kết hợp thuốc trợ tim Adrenaline và thuốc gây mê Novocaine theo tỷ lệ cho phép nhằm tăng hiệu quả gây tê. Kết quả sử dụng kết hợp 2 loại thuốc thành công bất ngờ khiến bà bật khóc vì quá đỗi vui mừng khi thấy thương binh tỉnh dậy sau ca phẫu thuật.

Đã trải qua những năm tháng dài sống trong hoàn cảnh chiến tranh, vừa học vừa làm trong lán trại, trong chùa, dưới gốc cây, càng làm bà thấu hiểu hơn những khó khăn, vất vả của sinh viên ngành y dược hiện nay. Chính vì vậy, trải qua nhiều chức vụ quản lý trong ngành dược, cho đến tận ngày nghỉ hưu, bà luôn dành tình cảm ưu ái cho các sinh viên nghèo, biết vươn lên trong cuộc sống. Sự động viên ân cần của bà đã giúp bao bạn trẻ tưởng chừng không thể vượt qua trở ngại, trở thành những bác sĩ có tay nghề cao.

Những tấm huân chương, bằng khen của Nhà nước tặng cho bà là sự tưởng thưởng xứng đáng. Lý giải về điều này, bà chân tình: “Nếu không có lòng tin thì con người không thể sống với con người được. Mất niềm tin là mất tất cả!”.

Ươm mầm y đức

Thật vậy, để xứng đáng với niềm tin y đức của nhân dân đối với người thầy thuốc, chính những y bác sĩ phải tạo dựng được hình ảnh đẹp trong mắt mọi người. Thế nên, trăn trở về những thế hệ nối tiếp, ông bà Kim Sâm đã quyết định dành một khoản lương hưu ủng hộ Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng suốt 16 năm qua. Nay ông mất, bà vẫn lặng lẽ đều đặn hàng năm đóng góp vào quỹ.

Bà Kim Sâm trầm tư: “Con người có thể tin vào những điều hứa hẹn, song để có niềm tin vững chắc vào những điều hứa hẹn đó thì phải đi kèm với những hành động thực tế. Khi hứa hẹn tốt đẹp nhưng thực tế không tốt đẹp, kết quả không như lời hứa, thì niềm tin sẽ bị tổn thương, dần dần sẽ bị tàn lụi”. Suy nghĩ vậy, nên bà khuyên các sinh viên y dược nhận học bổng hãy cố gắng giữ vững niềm tin, vì nếu vô cảm với người bệnh, tắc trách, y đức cứ tiếp tục xuống cấp, thì niềm tin sẽ cạn dần. Dẫu hôm nay còn nhiều vất vả, bà vẫn luôn tin rằng cuộc sống rồi sẽ tốt hơn, mỗi người cố gắng bằng cách của mình, công việc của mình để mọi việc tốt đẹp hơn.

Con đường bà Nguyễn Kim Sâm đã chọn là theo Đảng, phục vụ nhân dân, gieo mầm cho thế hệ mai sau.

LÊ KIM DUNG

Tin cùng chuyên mục