Vững tin màu blouse trắng - Bài 5: Mạch sống và niềm tin

Những ngày giáp Tết Nhâm Dần, TPHCM vào xuân, những điểm chợ hoa nhộn nhịp, ai ấy trở về nhà sum vầy, Bệnh viện dã chiến số 1 Bình Chánh vẫn còn 11 bệnh nhân đang điều trị. Không chỉ tròn ca trực đêm giao thừa, bác sĩ Ngô Xuân Tân (27 tuổi, Khoa nội Tổng hợp Bệnh viện Huyện Bình Chánh, làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến này) còn mang chút không khí tết đến từng bệnh nhân.

1. Bên ngoài mọi người tất bật chuẩn bị tết, trong bệnh viện dã chiến, chỉ có bệnh nhân với y bác sĩ, mọi người không thể về nhà ăn tết với người thân, nên bác sĩ Ngô Xuân Tân bàn với bác sĩ Tuấn, trực chung ca, làm chút gì có không khí tết cho bệnh nhân. Nửa đêm, 2 bác sĩ chở nhau đi mua hoa, rồi câu đối, năm nay là Nhâm Dần nên mua thêm vài hình dán con hổ… Lật đật mua rồi chạy về trang trí trong bệnh viện, sáng mùng 1 tết, 2 người đi thăm từng bệnh nhân, gửi bao lì xì mừng tuổi từng người. “Mình làm có chút xíu vậy thôi, mà bệnh nhân mừng lắm, có người cầm tay tôi khóc…”, anh Tân kể lại. 

Sáng mùng 1 tết, 4 bệnh nhân được xuất viện và đến mùng 3 tết chỉ còn 1 bệnh nhân, một số bác sĩ trẻ tại đây cũng thu xếp hành lý về tận Bắc Ninh đón tết cùng gia đình. Bệnh viện dã chiến này hoàn thành nhiệm vụ và giải thể, trở lại công việc thường ngày ở Bệnh viện Huyện Bình Chánh, sẵn sàng điều trị bệnh thông thường và tiếp nhận khi có bệnh nhân mắc Covid-19. Bác sĩ Ngô Xuân Tân vững vàng: “Bây giờ, bệnh viện vẫn duy trì 2 công năng, điều trị thông thường và điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, tâm thế mình bây giờ cũng khác rồi, suốt mấy tháng dài chống dịch, ít nhiều đã có kinh nghiệm và chịu được áp lực công việc nhiều hơn”.

Ròng rã mấy tháng dài tham gia chống dịch, có lúc ca tử vong trong khu vực anh Tân phụ trách đến 80%, bác sĩ trẻ không khỏi áp lực. Có những ngày xuống ca, nhưng đồ bảo hộ luôn sẵn sàng, điện thoại báo bệnh nhân có chuyển biến gì, bất kể ngày đêm, anh Tân luôn có mặt kịp. Bởi giữa những ngày tháng khó khăn ấy, chứng kiến bệnh nhân ra đi là một điều chẳng đặng đừng. Bác sĩ Ngô Xuân Tân trải lòng: “Có bà cụ hơn 80 tuổi, nằm viện hơn 15 ngày thì mất. Bà ra đi mà trên người đeo nào là máy thở, mặt nạ thở, ống truyền thức ăn. Con gái của bà cũng là F0 vừa điều trị vừa chăm mẹ. Tôi thay quần áo mới cho bà rồi chuyển xuống nhà quàn… Cảm giác lúc đó nặng nề lắm. Có những ca chuyển lên bệnh viện tầng cao hơn, mình cũng biết khả năng cứu sống được người bệnh là rất thấp nhưng vẫn cầu mong điều kỳ diệu xảy ra”.

2. Đón chúng tôi trong căn nhà ấm cúng, ngập đầy sắc hoa xuân tại ấp 4, xã Vĩnh Lộc A (Bình Chánh), chị Thu Trinh bất ngờ khi được các bác sĩ của Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, đến thăm sau gần 6 tháng xuất viện. 

Gia đình sản phụ Trinh (thứ ba từ trái sang) sau khi khỏe mạnh, trở lại tri ân các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 175. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chị Trinh cho biết, vào giai đoạn cuối thai kỳ (tháng 7-2021), cả nhà chị mắc Covid-19, được đưa đi cách ly tập trung. Do sức khỏe yếu nên chị được chuyển về Bệnh viện Điều trị Covid-19 Hùng Vương. Vào viện được ít ngày, con trai chào đời, trở thành F1, chuyển sang khoa Nhi nhằm tránh nguy cơ lây nhiễm từ mẹ. Cũng từ lúc sinh con, chị Trinh suy yếu dần, lần lượt thở oxy mũi, oxy qua mask, thậm chí oxy dòng cao (HFNC) vẫn không đáp ứng. Trong phòng bệnh, chứng kiến thai phụ nằm cùng phòng không qua khỏi, Trinh sợ hãi, nghĩ mình khó lòng vượt qua. 


“Trước khi rơi vào tình trạng mê man, tôi chỉ còn nhớ cuộc gọi điện thoại cho chồng với lời dặn: Em bệnh nặng rồi, có mệnh hệ gì, anh hãy thay em nuôi con. Đến khi tỉnh lại, thấy mình đã nằm điều trị ở Bệnh viện Quân y 175”, chị Trinh kể lại. Liên tục nhiều ngày nằm ở Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, chị Trinh có lúc suy nghĩ tiêu cực, muốn buông xuôi. Lúc đó, ai cũng mặc đồ bảo hộ, nhưng phía sau lưng có ghi tên nên chị nhớ rất rõ: bác sĩ Ân, bác sĩ Kháng, bác sĩ Chung, bác sĩ Bạch. Đến khi các bác sĩ kết nối gọi video cho chồng và được nhìn thấy con, trong chị khát vọng mãnh liệt rằng mình phải sống.

Vượt qua tất cả, ngày được xuất viện, cũng là lúc mọi lo lắng, sợ hãi được xóa tan trong tâm trí. Về với gia đình, phải đứng ngoài sân để nhìn con qua lớp cửa kính, nước mắt chị Trinh cứ thế tuôn trào: “Tôi biết mình đã hồi sinh thật sự”. Vợ chồng chị quyết định đặt tên con theo tên, họ các bác sĩ đã cứu sống mình - Huỳnh Diệp Chung Ân (ghép từ tên, họ các bác sĩ: Vũ Đình Ân, Nguyễn Cảnh Chung và Diệp Hồng Kháng - PV), để nhắc nhớ gia đình, nhất là con trai sau này, phải luôn khắc ghi công ơn của các bác sĩ đã không chỉ cho mẹ cơ hội sống mà còn được hưởng niềm vui trọn vẹn với gia đình. 

Thượng tá - BS-CKII Vũ Đình Ân, Phó Giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh nhân Covid-19, Bệnh viện Quân y 175, tâm sự, với những người làm nghề y, đây là phần thưởng vô giá. Anh trải lòng: “Bệnh nhân sau khỏi bệnh gửi lời tri ân tới đội ngũ thầy thuốc, nhưng thật lòng họ đã dạy chúng tôi về nghị lực sống, niềm tin vượt qua khó khăn. Chính khát vọng sống, tình mẫu tử, nỗ lực của bệnh nhân đã tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi tận lực cứu chữa người bệnh. Hạnh phúc của người thầy thuốc không gì đo đếm được là chứng kiến người bệnh khỏe mạnh, trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình”.

3. Hai năm chưa về nhà, hai năm đón tết tại bệnh viện, trước tết, cô gái trẻ Nguyễn Thị Quỳnh Mai, kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Da liễu TPHCM, viết thư nhắn nhủ vài dòng ngắn ngủi: “Cha mẹ, mọi người phải thật khỏe mạnh...” rồi xách ba lô vào Bệnh viện dã chiến số 12 trực tết. Năm trước, cũng vì căng thẳng phòng Covid-19 mà Mai xung phong trực tết tại bệnh viện. Mai gọi điện về an ủi mẹ, mẹ dặn năm sau hết Covid-19, nhất định phải ở nhà ăn tết. Nhưng năm nay, Mai lại một lần nữa lỡ hẹn với mẹ. Mai chia sẻ: “Tôi còn trẻ, chưa vướng bận nhiều, thấy các anh chị đồng nghiệp phải gửi con cho ông bà, người thân để đi chống dịch nên nếu tôi đi trực, sẽ có một chị được ở nhà với con”. 

Khi chị quyết định ở lại Bệnh viện dã chiến số 12 trực tết, đang phân vân chưa biết phải nói với mẹ thế nào thì chính mẹ lại gọi điện an ủi chị. Lòng dạ rối bời vì từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Mai không được về nhà, kể cả khi người ông trở bệnh nặng rồi mất, Mai cũng không thể về chịu tang. Mai tâm sự: “Tôi chỉ mong khi mình ở đây chăm sóc cho người bệnh thì ở quê nhà, sẽ có người chăm lo cha mẹ lúc trái gió trở trời. Tôi cũng cầu mong các bệnh nhân ở đây sớm khỏi bệnh để vui tết cùng người thân. Tại đây, có bệnh nhân nhiều năm mới trở về Việt Nam sum họp cùng gia đình”.

Suốt từ mùng 1 đến mùng 7 Tết Nhâm Dần, Trạm Y tế phường Thảo Điền (TP Thủ Đức) có 5 nhân sự chia đều cho các ca trực 24/24 giờ, đảm bảo người dân đến trạm y tế trong dịp tết đều được tiêm vaccine. Ông Bùi Văn Đức, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Thảo Điền, cho biết, bên cạnh tiếp nhận tiêm vaccine cho người dân xuyên tết tại trạm, nhân viên của trạm cũng đến tận nhà tiêm cho người dân, nhất là người già yếu hay người mắc các bệnh nền. Cùng với trạm trưởng Bùi Văn Đức là hàng ngàn cán bộ, nhân viên y tế ở TPHCM trong suốt thời gian qua đã nỗ lực không biết mệt mỏi để thực hiện được hàng chục triệu mũi tiêm vaccine an toàn cho nhân dân. Những ca trực xuyên đêm, những ngày tiêm vaccine xuyên tết trong khi mọi người đang sum vầy, sự hy sinh đó, sao đong đếm được.

Có lẽ đi qua những ngày chống dịch gian nan, người ta mới hiểu hết mạch sống nào cũng đáng trân trọng, hơi thở nào cũng quý giá như nhau… Và nơi tuyến đầu, các anh chị là “lá chắn” vì bình an sức khỏe cho mọi người, để niềm tin vào y đức luôn vững vàng, ngời sáng như màu blouse trắng… 

Ngày 8-3-2021, Việt Nam tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên cho người dân. Đến đầu năm 2022, cả nước đã tiêm được hơn 185 triệu liều vaccine cho người dân, vượt xa kỳ vọng ban đầu. Chính điều này góp phần kiểm soát tốt dịch Covid-19 dù có sự xuất hiện của biến thể Omicron lây lan nhanh hơn. Nỗ lực thần tốc này cũng đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước trên thế giới có số liều vaccine tiêm chủng nhiều nhất.

“Chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước. Chúng ta tự hào về những điều này. Họ đã quên hiểm nguy để chữa bệnh cho đồng bào; họ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch; họ đã quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên ngày quên tháng, quên thứ bảy, chủ nhật, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử…”.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH phát biểu tại cuộc gặp mặt, biểu dương lực lượng y tế tuyến đầu chống dịch, ngày 18-10-2021

Tin cùng chuyên mục