Sẵn sàng ra tuyến đầu
Thời điểm thành phố ghi nhận ca mắc Covid-19 ở mức 4 con số/ngày, rất cần sự hỗ trợ từ những tỉnh, thành bạn và tất nhiên không thể thiếu đội ngũ y tế tư nhân. Lúc đó, chị Lê Thị Linh (26 tuổi, điều dưỡng Phòng khám Đa khoa Nhân Đức 3) sẵn sàng ghi tên mình vào danh sách đội ngũ y bác sĩ tình nguyện tham gia chống dịch.
Điều dưỡng Linh kể lại: “Phòng khám tôi làm việc là chủ đầu tư nước ngoài, sếp trực tiếp cũng người nước ngoài. Khi biết tin tôi đăng ký tham gia chống dịch, họ không đồng ý vì sẽ phải gián đoạn công việc tại phòng khám, lúc đó phòng khám cũng thiếu nhân sự. Nếu nghỉ đi chống dịch, tôi sẽ bị trừ lương theo quy định của phòng khám. Nhưng lúc đó, điều quan trọng nhất là thành phố cần, người dân cần, mình lại có chuyên môn y tế nên sẵn sàng về tuyến đầu thôi, những chuyện khác không quan trọng nữa rồi”.
Tham gia chống dịch tại khu ký túc xá Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, một ca trực của điều dưỡng Linh có 4 nữ và 2 nam, từ việc chuyên môn đến khuân vác bình oxy, cô điều dưỡng dáng người nhỏ nhắn đều không ngại. “Xong việc thì tôi đẩy bình oxy cho bệnh nhân thở, mỗi bình hơn 20kg, một bình như vậy bệnh nhân nặng thở được 4-5 giờ, nên mình phải đẩy liên tục. 2 bạn nam trong ca trực chung dặn thôi để các anh đẩy, nhưng các anh cũng quá trời việc, mình làm vậy sao được. Phụ được việc nào hay việc nấy, bệnh nhân cần oxy để thở mà chỉ chờ vào các anh đẩy thôi thì mọi người cũng đuối”, chị Linh kể.
Có những ca trực nửa đêm hay 1, 2 giờ sáng, bệnh nhân trở nặng cần chuyển lên BV tuyến trên, cô điều dưỡng trẻ kiêm luôn việc bồng bế bệnh nhân lên xe cấp cứu. Bàn tay con gái nhỏ nhắn cũng thường trực cầm tuavít thay bình oxy cho bệnh nhân chẳng ngại ngần. Cởi lớp đồ bảo hộ, không chỉ vết hằn trên gương mặt, mà tay chân có nhiều vết bầm vì va chạm lúc đẩy bình oxy, vặn ốc vít… lúc nào không hay. Chị Linh chia sẻ: “Những lúc ra ca, chị em đồng nghiệp tự xoa bóp cho nhau rồi hôm sau lại vào việc tiếp, chuyện đau nhức cơ thể cũng không còn thời gian để bận tâm”.
Những đêm trực có ca phải chuyển tuyến trên, trên xe cấp cứu, bệnh nhân nắm chặt tay nữ điều dưỡng; hay có bà mẹ phải chuyển viện gấp trong đêm, 2 đứa con nhỏ cũng gửi gắm lại cho điều dưỡng Linh.
“Chú bệnh nhân lúc chuyển viện rất sợ, cứ cầm chặt tay tôi, lúc đó mình cũng chỉ biết động viên là lên tuyến trên chú sẽ được điều trị tốt hơn, không sao đâu. Ca trực khác có bà mẹ nửa đêm trở nặng, phải chuyển viện gấp, lúc lên xe cấp cứu, chị cũng ráng thều thào vài lời, nhờ tôi chăm sóc 2 đứa con của chị (9 tuổi và 6 tuổi). Hôm sau, vào ca làm việc, khẩu phần bánh, sữa, trái cây của mình, tôi chuyển cho 2 bé, ba ngày sau thì 2 bé xét nghiệm lại và đủ điều kiện về nhà. Tôi mừng, nước mắt rơi lúc nào không hay”, điều dưỡng Linh tâm sự.
Gác lại ngày cưới và công việc riêng để lên tuyến đầu, từ ngày 27-7 đến cuối tháng 9-2021, điều dưỡng Linh mới trở về nhà. Công việc nơi tuyến đầu vất vả, hiện tại sức khỏe cũng còn ảnh hưởng, không thể tắm nước lạnh hay đi bộ quãng đường dài, nhưng chị Linh cười nhẹ tênh: “Trải qua những ngày vất vả đó, chỉ thấy yêu thương thêm mọi người xung quanh, quý trọng công việc vì đã cho mình những năm tháng tuổi trẻ có thể giúp được mọi người trong lúc bệnh tật. Nếu phải lựa chọn lại một lần nữa, thì tôi vẫn chọn tình nguyện tham gia chống dịch”.
Chỉ một quyết tâm cứu người bệnh
Cuối tháng 7-2021, số bệnh nhân mắc Covid-19 của TPHCM vượt trên 100.000 ca, các cơ sở y tế công lập quá tải, đuối dần. Hàng chục BV ngoài công lập trên địa bàn thành phố “tách đôi” hoặc chuyển công năng, thành lập khu điều trị dã chiến. Hàng ngàn bác sĩ, nhân viên y tế các BV cũng viết đơn tình nguyện xin vào công tác tại các khu điều trị bệnh nhân Covid-19.
Đơn vị đầu tiên trên địa bàn thành phố chuyển đổi công năng toàn bộ BV thành BV điều trị Covid-19 là BV Đa khoa Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức thuộc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ với quy mô ban đầu là 100 giường, sau đó nâng lên 200 giường. TS-BS Nguyễn Tuấn, Giám đốc BV, chia sẻ, lúc đó, tất cả đều chỉ một mục đích: cứu người bệnh. Vì vậy, khi thành phố kêu gọi, BV đáp lời.
Đặc biệt, Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ còn nhận được hàng trăm lá đơn tình nguyện trong số hơn 3.000 y bác sĩ tại 15 BV và 6 phòng khám trong cùng hệ thống xin được tham gia chống dịch.
Tương tự, Khu điều trị Covid-19 dã chiến BV Đa khoa Xuyên Á (huyện Củ Chi) lấp đầy 125 giường chỉ sau 2 ngày chính thức đưa vào hoạt động (ngày 6-8-2021). Tiếp đó, BV trưng dụng thêm toàn bộ khuôn viên của khu E để cải tạo, chuyển đổi công năng thành nơi điều trị tầng 2 cho bệnh nhân Covid-19 với quy mô 200 giường.
Rất nhiều y, bác sĩ từ các chuyên khoa trong BV tình nguyện đến chi viện, ngày đêm sát cánh cùng nhau. Làm việc trong môi trường lây nhiễm cao, thường xuyên phải chứng kiến những người đang khỏe mạnh nhưng có thể rơi ngay vào trạng thái mê man, có người không qua khỏi, khiến nhiều y bác sĩ, điều dưỡng không kìm được cảm xúc.
BS CKII Vũ Lệ Anh, phụ trách Khu điều trị Covid-19 dã chiến BV Đa khoa Xuyên Á (Củ Chi) đến nay đã có gần 200 ngày điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Chị và đồng nghiệp đã phải nỗ lực làm việc gấp 2-3 lần. Ngày đêm nhìn những con số trên máy thở chuyển động báo hiệu sự hồi phục tích cực của bệnh nhân tại 3 phòng hồi sức, chị phải luôn di chuyển trên 20 phòng của khu điều trị để dặn dò kỹ lưỡng từng đồng nghiệp trong việc thay dịch truyền, đo huyết áp, nhất là kiểm tra kỹ lưỡng từng di biến động các chỉ số sinh tồn trên hệ thống trang thiết bị, máy trợ thở…
“Không biết lúc đó tôi và đồng nghiệp lấy sức lực từ đâu mà làm việc không kể ngày đêm để rồi giờ nhìn lại con số trên 1.000 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh ở đây, cảm động lắm!”, BS Lệ Anh bồi hồi.
Với BS Trần Văn Dương, Giám đốc Phòng khám Đa khoa Sài Gòn Medic, xót ruột khi mỗi ngày chứng kiến số người bệnh, ca tử vong tăng cao, anh quyết định đóng cửa phòng khám, gửi công văn cho Sở Y tế TPHCM đề xuất tình nguyện tham gia chống dịch. Lúc đầu, nhóm chỉ có 1 xe cứu thương và 10 thành viên, chia làm 3 đội hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm, khám miễn phí cho người bệnh tại nhà, mỗi ngày vận chuyển khoảng 10 ca cấp cứu.
Sau đó, phòng khám nâng dần lên 2 xe với 60 thành viên được chia thành 8 đội hỗ trợ tiêm chủng, xét nghiệm cho người dân khu vực huyện Bình Chánh, quận 8 và Bình Tân. BS Dương cho hay, các anh chấp nhận vất vả, khó khăn chỉ để mong thành phố chiến thắng đại dịch, người dân sớm được quay lại cuộc sống bình thường.
“Hãy gọi tôi là một tình nguyện viên”
|