Một thiên niên kỷ đã trôi qua với biết bao thăng trầm, biến cố, nhưng với Thăng Long-Hà Nội vẫn mãi là một Thủ đô anh hùng, hòa bình và phát triển. Một biểu tượng, niềm kiêu hãnh, không gì có thể thay đổi của một đất nước, một dân tộc có bề dày hàng ngàn năm lịch sử.
Sáng sớm thu Hà Nội khi trời đất còn mờ sương, những con đường, góc phố quen thuộc bỗng trở nên thân thương hơn trong những ngày đại lễ. Thành phố khoác trên mình một tấm áo mới, rực rỡ sắc màu, cờ hoa. Lặng lẽ thắp một nén hương dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ, ông Phan Tiến Đạt, cư dân phố cổ ba đời, cảm nhận được sự linh thiêng trước sự sáng suốt của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn cách đây tròn một thiên niên kỷ khi quyết định dời đô từ Hoa Lư ra Đại La (Hà Nội ngày nay).
1.000 năm đã trôi qua với biết bao biến cố, nhưng cho tới ngày nay quyết định dời đô để xây dựng kinh đô mới của Đức Thái Tổ vẫn thể hiện tầm nhìn xa trông rộng đối với vận mệnh của đất nước và cuộc sống của muôn dân. Từ đó, Thăng Long - Hà Nội dù trải qua bao cuộc bể dâu, chiến tranh ác liệt, đói nghèo tàn phá, nhưng vẫn ngẩng cao đầu, vươn mình mạnh mẽ bằng sức lực và trí tuệ của ngàn năm lịch sử oai hùng.
Không ai có thể phủ nhận sự thay da đổi thịt, phát triển nhanh chóng của Hà Nội. Nhìn lại thời gian, Cách mạng Tháng Tám thành công và sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, khi những đoàn quân tiến vào tiếp quản Hà Nội từ 5 cửa ô, lúc đó Hà Nội chỉ rộng 152km², với dân số khoảng 530.000 người. Nhưng buồn thay, lại có tới 70.000 người mù chữ và gần 80.000 người thất nghiệp, cùng hàng ngàn ha đất bỏ hoang đầy cỏ dại và sình lầy.
Gần 55 năm sau ngày hòa bình, kể từ tháng 10-2008, Hà Nội đã trở thành một thành phố, một thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới. Nay, Hà Nội có diện tích hơn 3.324km², với hơn 6,5 triệu người, chiếm 7,6% dân số cả nước. Hà Nội trở thành địa phương dẫn đầu về đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Hiện nay, Hà Nội có trên 70% số cán bộ khoa học đầu ngành và hơn 50% cán bộ khoa học có trình độ sau đại học của cả nước đang làm việc, học tập và nghiên cứu ở thủ đô.
...20 năm trước, Hà Nội vẫn còn lụp xụp với nhiều khu nhà tập thể chật chội, nay thành phố có trên 150 dự án khu đô thị mới có quy mô trên 20 ha, trong đó có 10 khu đã hình thành, 50 khu đang được triển khai, các dự án xây dựng nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ. Những khu vực đất đai heo hút bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm trước đây giờ đã trở thành những khu đô thị mới như Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa - Nhân Chính, Mỹ Đình… khang trang, hiện đại, thu hút hàng vạn người dân tới sinh sống, trong đó có không ít người nước ngoài. Nhìn xa trông rộng, Hà Nội đang từng bước quy hoạch, xây dựng đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh bao quanh, đó là các khu đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm.
Đi đôi với phát triển các khu dân cư, đô thị mới, Hà Nội cũng dành sự quan tâm đặc biệt tới việc phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đường bộ, tập trung xây dựng các đường vành đai, trục giao thông quan trọng. Trong những năm qua, rất nhiều con đường, tuyến phố mới được mở ra, nhiều cây cầu được xây dựng tạo diện mạo hiện đại cho đô thị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu như sau hòa bình, Hà Nội chỉ có duy nhất cầu Long Biên do người Pháp xây dựng bắc qua sông Hồng, hôm nay, vẫn trên con sông Mẹ đỏ nặng phù sa này đã có thêm 4 cây cầu mới to đẹp và đàng hoàng từ Thăng Long, Chương Dương cho đến Thanh Trì, Vĩnh Tuy và chỉ ít năm nữa thôi cầu Nhật Tân cũng sẽ được hoàn thành. Đúng dịp thủ đô tròn 1.000 năm tuổi, thành phố đã chính thức thông xe và khánh thành đại lộ Thăng Long - tuyến đường cao tốc đô thị đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam hoàn toàn bằng nội lực. Đại lộ Thăng Long sẽ nối kết khu vực trung tâm với các chuỗi đô thị vệ tinh đang trong quá trình phát triển và các khu du lịch giàu tiềm năng như: Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hai.., đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một thủ đô hiện đại và văn minh.
Đối với những giá trị phi vật thể, giá trị Thăng Long ngàn năm văn hiến cho đến ngày hôm nay vẫn được gìn giữ trân trọng. Cốt cánh người Hà Nội, không gian và linh hồn những con phố cổ của Hà Nội 36 phố phường đã đi vào lịch sử, văn chương, thơ ca như: Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Mã Mây, Thuốc Bắc, Hàng Mã… Đến hôm nay, những con phố này vẫn giữ được vẻ thanh lịch, sầm uất và cổ kính. Thành phố hiện vẫn gìn giữ và bảo tồn được hơn 5.000 di tích, danh thắng lịch sử, trong đó có trên 2.100 di tích đã được xếp hạng. Cũng trong dịp đại lễ này, khu Hoàng thành Thăng Long đã UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Cùng với đó, rất nhiều làng nghề thủ công truyền thống cũng đang được gìn giữ, phát triển, góp thêm một điểm nhấn cho thủ đô đang phát triển hài hòa gắn kết hơn giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội.
Vào thời điểm Hà Nội đang từng bừng Đại lễ 1.000 năm tuổi, nhiều người suy nghĩ: Hà Nội 10 năm, 20 năm hay 50 năm nữa sẽ như thế nào? Rõ ràng khó có một câu trả lời chính xác khi mà trong quá trình xây dựng và phát triển Hà Nội vẫn còn không ít những bề bộn, khó khăn. Nhưng chắc chắn rằng, với bề dày lịch sử, Thăng Long - Hà Nội sẽ vẫn vững vàng vươn cao và tỏa sáng, xứng đáng với vóc dáng của rồng bay
QUỐC KHÁNH