Nhân dịp này, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với dược sĩ Phan Văn Hiển, Giám đốc Công ty TNHH Vạn Xuân, xung quanh tiềm năng phát triển ngành dược liệu Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam bộ nói riêng.
- Phóng viên: Ông có nhận xét gì về tiềm năng phát triển dược liệu của vùng Đông Nam bộ?
* Dược sĩ Phan Văn Hiển: Đông Nam bộ là vùng đất có điều kiện thích hợp cho nhiều cây dược liệu phát triển, có những cây rất tự nhiên như cây Chó đẻ răng cưa (khoa học gọi là Diệp Hạ Châu), cây đó nhân dân ta có nhiều kinh nghiệm dùng lắm. Như dùng để chữa bệnh hậu sản, bệnh gan và sản phẩm Diệp hạ châu của Công ty Vạn Xuân là một trong những bộ thuốc để chữa bệnh gan, đột quỵ. Ngoài ra, Đông Nam bộ còn có nhiều cây dược liệu quí khác như Bầu Gió, Xáo Tam phân, Chùm Ngay hoặc một số cây như sâm Ngọc Linh, trà Hoàn Ngọc có thể di thực về trồng ở khu vực Đông Nam bộ.
- Nhưng có vẻ như ngành công nghiệp dược liệu của Đông Nam bộ chưa thực sự phát triển?
* Cái khó là vùng Đông Nam bộ trồng vẫn nhỏ lẻ, chưa có vùng dược liệu tập trung đủ lớn; mong rằng Nhà nước, Bộ Y tế và chính quyền các cấp tạo điều kiện để cho nhân dân trồng, bán được nhiều cây dược liệu cho các nhà sản xuất trong nước và có mặt trên thị trường quốc tế.
- Cùng chữa một loại bệnh nhưng Đông Y có lợi thế gì so với thuốc Tây y thưa ông?
* Quan điểm của tôi thì Đông y, Tây y là phạm trù khoa học về con người nhưng với hỗ trợ của cách mạng về khoa học, công nghệ giúp Tây y chữa nhiều loại bệnh nhanh và không thể chối bỏ được. Nhưng với Đông y thì công tác dự phòng và chữa những bệnh chống lão hóa, bệnh mãn tính cũng rất hiệu quả. Đông y ở thời trước người ta phải xắt thuốc bằng nồi đất rất cồng kềnh nhưng giờ nhiều đơn vị trong đó có Công ty Vạn Xuân đã hiện đại hóa quy trình sản xuất bằng dạng viên uống rất dễ dùng như thuốc Tây. Vấn đề chính là thuốc Đông y cũng như món ăn phải sử dụng đúng bệnh, đúng lúc dưới sự hướng dẫn của đội ngũ thầy thuốc, dược sĩ.
- Nhưng có vẻ như khâu tuyên truyền, giới thiệu thuốc Đông y còn hạn chế, chưa được nhiều người biết đến?
* Rất là đúng. Hiện nay, tôi nghĩ Tây y được hệ thống truyền thông thế giới làm rất bài bản nên có khi lấn át đi, quên đi cả tác dụng phụ. Bằng chứng là mới đây, đội ngũ cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donal Trump đã vạch ra đường hướng cho Bộ Y tế là Bộ Chăm sóc sức khỏe của dân, tức là anh Hóa Dược phải chỉ rõ tác dụng phụ, không được lạm dụng thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Ở Việt Nam ta, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra phải kết hợp Đông, Tây y trong phòng, chống, điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và gần đây, Ban Bí thư cũng ra Chỉ thị về phát triển y dược học dân tộc cổ truyền nhưng để biến đường lối, chủ trương vào thực tiễn đòi hỏi các cơ quan thực thi từ Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan quan phải vào cuộc một cách mạnh mẽ.
Hiện nay, có hiện tượng một số người không hiểu biết Đông y, kiếm tiền một cách vô tội vạ làm mất lòng tin của nhân dân; cũng có khi chỉ vì một, hai hiện tượng xảy ra nhưng một số người không am hiểu Đông y lại lên tiếng lệch lạc làm người dân chưa hiểu đúng về ngành Đông y là “không hiệu quả”. Do đó, cần phải hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển Đông y và cần đưa ra pháp luật xử lý những người phát ngôn vô tội vạ kiểu “Đông y là lừa đảo” gây hoang mang dư luận. Vì vậy, tôi mong rằng giới truyền thông cần cung cấp thông tin đúng về Đông y để người dân hiểu và được hưởng sự chăm sóc sức khỏe từ Đông y.
- Theo ông, trong thời gian tới cần phải làm gì để phát triển vùng dược liệu Đông Nam bộ?
* Đó là phải có vùng dược liệu chuẩn đủ lớn và có ngành công nghiệp sản xuất ra sản phẩm được tiêu thụ lớn.
Thứ hai là các địa phương cần xác định loại cây dược liệu phù hợp như chọn cây Bầu gió Trầm hương hay cây Diệp Hạ Châu…
Thứ ba là đẩy mạnh nghiên cứu cho ra các sản phẩm phù hợp. Cần đẩy mạnh việc ký hợp đồng giữa người trồng dược liệu và nhà sản xuất để tạo sự ổn định đầu ra cho vùng nguyên liệu và ngoài ra cũng cần sự đầu tư của Nhà nước, các doanh nghiệp Dược cho người trồng về kỹ thuật thâm canh, đẩy mạnh khâu chế biến dược liệu để tăng hiệu quả kinh tế giúp người dân trồng dược liệu yên tâm.
- Xin cảm ơn ông!