Men theo quốc lộ 62 (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, Long An), những cánh đồng lúa “thẳng cánh cò bay” trước đây đã thay bằng những ao nuôi tôm với guồng máy cánh quạt tạo ôxy quay trắng xóa mặt nước. Chị Lê Thị Phượng (ấp 7) cho biết, làm lúa thu nhập không cao nên đã đầu tư 3 ao nuôi tôm thẻ chân trắng và 1 ao lắng.
“Cứ một ao 3 công mặt nước thu được từ 700-800 triệu đồng/vụ, 3 vụ/năm. Với giá tôm khoảng 160.000 đồng/kg, trừ chi phí, lãi hơn 70.000 đồng/kg. Trung bình mỗi năm dư được hơn 3 tỷ đồng, nếu trồng lúa thì làm sao mơ tới”, chị Phượng nói.
Theo chị Phượng, kỹ thuật nuôi tôm không mấy phức tạp: bơm nước qua ao lắng khoảng 30 ngày, sau đó xử lý lấy nước mặt bơm lại. Nước mặn được bơm từ giếng khoan, nếu không đủ mặn thì pha thêm muối.
Mặc dù chính quyền cấm đào ao, xử phạt nặng nếu vi phạm nhưng nhiều người dân ở các địa phương Mộc Hóa, Kiến Tường, Tân Hưng, Thạnh Hóa... (Long An) bất chấp, lén đào ao vào ban đêm. Mới đây, tại xã Tân Lập có một khu vực đang được thi công đào ao, xây dựng khu nuôi thủy sản khá quy mô.
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, năm 2021, trước việc chuyển đổi ồ ạt từ đất lúa sang nuôi tôm, ngành chức năng đã khoanh vùng, đánh giá theo dõi tình hình nuôi tôm tác động đến môi trường nước. Qua 2 năm theo dõi cho thấy, nước thải nuôi tôm xả ra bên ngoài có một phần ảnh hưởng môi trường. Song, để xác định rõ nguyên nhân, ngành chức năng phải tiếp tục theo dõi. Long An không có chủ trương cho người dân chuyển đổi nuôi tôm trên khu vực Đồng Tháp Mười vì nơi đây là hệ sinh thái nước ngọt. Các ngành chức năng địa phương kiên quyết xử lý không để phát sinh diện tích nuôi mới. Trường hợp có những hộ dân nuôi mới phát sinh, ngành chức năng vừa xử lý vi phạm hành chính vừa buộc phải khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu.
Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm tại Đồng Tháp Mười là khoảng 350ha. Ngành nông nghiệp e ngại cách xử lý ao tôm theo hệ thống tuần hoàn, không xả thải ra bên ngoài do chi phí khá cao. Trường hợp nuôi 2-3 vụ tôm, nếu không xử lý tốt sẽ phát sinh dịch bệnh, ảnh hưởng môi trường xung quanh.
TS Lê Phát Quới, Trung tâm Khoa học môi trường và sinh thái TPHCM, cho biết, vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) là vùng sinh thái nước ngọt chỉ trồng lúa và một số hoa màu. Khi người dân đào ao nuôi tôm tự phát, chính quyền tỉnh Long An phải xem xét đánh giá và yêu cầu dừng lại ngay từ đầu. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đã không làm được, người dân, doanh nghiệp thấy lợi nhuận từ nuôi thủy sản cao hơn làm lúa thì họ làm theo. Dưới tầng sâu của khu vực này không phải là nước mặn mà là nước bị nhiễm mặn (nước lợ), khi người dân khoan giếng lấy nước lên không đủ mặn sẽ pha thêm muối. Về lâu dài, tài nguyên đất đai và nước của khu vực chắc chắn sẽ bị suy thoái nghiêm trọng, phá vỡ hệ sinh thái.