Vùng Đồng Tháp Mười (Long An): "Băm nát" ruộng lúa làm ao nuôi tôm nước mặn

Vùng Đồng Tháp Mười (Long An) là vùng ngọt, được quy hoạch trồng lúa, rau màu. Thế nhưng thời gian gần đây, hàng trăm hécta đất ruộng ở vùng này bị nhiều cá nhân, tổ chức tự ý chuyển mục đích sử dụng, khoan giếng tầng sâu, lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng.

Hậu quả, hệ sinh thái, quy hoạch sản xuất nông nghiệp bị phá vỡ, tài nguyên đất và nước bị suy thoái, môi trường bị ô nhiễm…

Dù ngành nông nghiệp Long An đã có nhiều khuyến cáo, song tại các địa phương như Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Kiến Tường…, tình trạng khoan giếng tầng sâu lấy nước mặn nuôi tôm thẻ chân trắng trên ruộng vẫn diễn ra phổ biến và ngày càng gia tăng về diện tích, quy mô.

!5c.jpg
Một ao nuôi tôm được chuyển đổi từ đất lúa tại huyện biên giới Tân Hưng (Long An)

Ghi nhận vào một ngày cuối tháng 8 tại xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, rất nhiều cánh đồng lúa đang bị “băm nát”. Không ít đám ruộng nằm giữa cánh đồng được người dân sử dụng máy múc để đào sâu tạo thành ao. Những ao đã đào xong được người dân cho phủ bạt đáy, tạo cống xả ra mương, rạch trước khi bơm nước mặn vào nuôi tôm.

Ông Bảy Cẩm, ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, cho hay: “Vẫn biết vùng này khó nuôi tôm, nhưng năm rồi xuống Cần Đước, Cần Giuộc thấy bà con ở dưới bỏ lúa nuôi tôm chân trắng hiệu quả, nên xong vụ đông xuân 2023-2024, tôi cũng đào ao trên 5 công ruộng để nuôi tôm. Nếu hiệu quả, năm tới, tôi chuyển toàn bộ diện tích lúa còn lại sang nuôi tôm luôn”.

Khi chúng tôi đề cập Bộ NN-PTNT và tỉnh đã có quy hoạch vùng sản xuất và đã có khuyến cáo, đề nghị không nuôi tôm thẻ chân trắng trên đất lúa ở vùng Đồng Tháp Mười, ông Bảy Cẩm nói: “Ở vùng này, nông dân bỏ lúa, phá ruộng, đào ao nuôi tôm nhiều lắm. Thậm chí có doanh nghiệp, cơ sở thuê đất của nông dân nuôi tôm thẻ quy mô lớn trên cánh đồng mà chưa thấy chính quyền, ngành nông nghiệp nhắc nhở!”.

Ngược về hướng biên giới, đến thị xã Kiến Tường và các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng…, rất nhiều cánh đồng lúa cũng đang dần biến dạng, đổi màu nham nhở do người dân, doanh nghiệp ồ ạt khoan giếng tầng sâu, đào ao trên ruộng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng bằng nước mặn.

Theo tìm hiểu, hiện tổng diện tích đất quy hoạch trồng lúa được người dân đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đã lên đến hơn 522ha (tăng 77,5ha so với năm 2023), trong đó nhiều nhất ở huyện Mộc Hóa với khoảng 280ha.

Theo Tiến sĩ Lê Phát Quới, Trung tâm Khoa học môi trường và sinh thái TPHCM, Long An là vùng sinh thái nước ngọt, chỉ phù hợp để trồng lúa và một số hoa màu. Việc nuôi thủy sản trên vùng nước ngọt chắc chắn sẽ không bền vững, ảnh hưởng đến ruộng lúa và sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng trong tương lai, trong đó có môi trường.

Nước mặn lấy từ các giếng khoan tại ruộng không phải là nước mặn mà là nước nhiễm mặn. Nước này thường không đủ độ mặn nên người dân pha thêm muối để nuôi tôm, sẽ làm thay đổi môi trường đất. Nước mặn lan ra rất khó rửa, tinh thể muối không thể bốc hơi, bùn thải thủy sản cũng gây ô nhiễm môi trường.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Long An, thời gian qua, sở đã tăng cường kiểm tra phát hiện, xử phạt 57 trường hợp vi phạm liên quan đến việc khoan giếng tầng sâu lấy nước mặn nuôi tôm thẻ, chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi thủy sản tại các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường.

Sắp tới, Sở NN-PTNT tỉnh Long An sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các quy định của pháp luật về sử dụng đất để nuôi thủy sản theo quy định của Luật Đất đai; các quy định về điều kiện cơ sở nuôi trồng thủy sản theo Luật Thủy sản. Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, thị xã theo dõi chặt chẽ tình hình nuôi tôm thẻ tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười kịp thời xử lý nghiêm ngay khi phát sinh.

Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, vừa chỉ đạo Sở TN-MT tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý theo thẩm quyền việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sử dụng đất để nuôi tôm thẻ, bảo vệ môi trường; tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt, không để phát triển thêm diện tích nuôi mới. Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường và các huyện phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo tỉnh khi để người dân sử dụng đất không đúng mục đích.

Tin cùng chuyên mục