
Năm 1975, rừng U Minh Thượng – nay gọi là vườn quốc gia U Minh Thượng (VQG UMT) - còn trên 40.000 ha. Năm 1995, 4/5 diện tích rừng biến mất và 60% dân vùng rừng vẫn đói nghèo! Năm 1999, dự án “Phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm UMT” được triển khai. Đây là dự án xóa đói giảm nghèo (XĐGN) lớn nhất ĐBSCL cả về đầu tư xây dựng cầu đường, đê bao rừng kết hợp giao thông, hệ thống thủy lợi...; về diện tích và số người thụ hưởng dự án (14.920ha, 18.852 nhân khẩu)... Mục tiêu của dự án là XĐGN cho 3.526 hộ dân, bảo vệ VQG UMT - tức 8.136 ha lõi rừng nguyên sinh còn lại. Nhưng...
Kết quả dự án chưa được như mong muốn!
U Minh Thượng (UMT) là rừng đầm lầy ngập nước quý hiếm nhất Đông Dương, là “bảo tàng lịch sử cách mạng” của miền Tây Nam bộ. 20 năm sau ngày chiến thắng, vùng đệm UMT vẫn là nơi nghèo nhất vùng bán đảo Cà Mau. Nhiều người dân đã mưu sinh bằng nghề phá rừng. Sức tàn phá rừng UMT của con người trong thời bình đã làm cho diện tích rừng nguyên sinh bị xóa sổ nhanh hơn cả hai cuộc chiến tranh khốc liệt trước đó!
Tiếp xúc với bà con nông dân, họ nói thật lòng: “Mình nghèo, thấy 1 ha đất trồng tràm vô ích làm sao chịu nổi!”. “Có cách gì cho chúng tôi vừa trồng rừng đúng chủ trương, vừa được phép đào bới đất rừng để kiếm ăn không?”... |
Tháng 6-1999, Kiên Giang triển khai dự án phát triển kinh tế nông hộ vùng đệm UMT. Mỗi hộ được giao 4 ha đất, vay vốn (trả chậm sau 5 năm) làm vuông bao theo quy hoạch thủy lợi tổng thể, định hướng sản xuất theo mô hình kết hợp nông (lúa, màu, cây ăn trái) – lâm (1 ha tràm gây rừng phòng hộ) – ngư (nuôi thủy sản nước ngọt trong vuông bao).
Tháng 4-2007, huyện UMT được thành lập trên cơ sở chia tách từ 3 huyện An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận. Huyện mới có 6 xã, diện tích tự nhiên 43.270,3 ha, dân số 68.076 người. Vùng đệm và VQG nằm gọn trong huyện UMT.
9 năm qua, số hộ nghèo ở vùng đệmUMT giảm xuống còn 12%. Ông Trần Văn Hoàng (ấp Công Sự xã An Minh Bắc huyện UMT) là dân cố cựu. Thực ra ông chậm một bước nên không còn đất, phải sang lại một phần đất (4 ha) của một hộ được giao đất nhưng không làm một ngày nào với giá 15 chỉ vàng, cho trả chậm. Hai vợ chồng, 6 con nhỏ, khởi nghiệp từ...cắt rau muống đồng.
Ông kể: “Hồi đó rau muống mọc hoang mê man. Vợ chồng tui cắt khoảng 1.000kg/ngày, bán 200 đồng/kg, cong lưng chống xuồng giao cho những người nuôi heo, cứ 1 tuần vô 1 chỉ vàng, nhiều người biết nhưng lắc đầu vì “cực trần thân!”. Đất này vô vụ nước còn lấp xấp, mà chờ nước rút thì lại hạn. Tui cấy kiểu lúa ma “kèm” sậy nó mới “đứng” nổi, nước rút thì lúa đã đẻ nhánh. Những hộ bỏ đất, tui mượn làm lúa chỉ vài vụ là trả lại cho họ từ đất hoang thành đất thuộc. Hồi đó chưa có thủy lợi, tui đã làm 25 giạ/công, nhà 8 miệng ăn mà lúc nào cũng dư gạo bán, rau cám nuôi heo. Nhiều người khen nhưng lắc đầu không dám bắt chước vì cực quá.
Bây giờ vợ chồng ông có 3 phần đất (giá hiện nay 15 lượng vàng/phần), các con đều có đất riêng. Chuyện nuôi cá lóc của ông cũng dễ nể: kéo cá lóc ròng ròng trong vuông về thả ao nuôi. Mỗi ngày ông rảo bắt 10-15kg ốc, đem luộc, gỡ thịt bằm cho cá ăn. “Chẳng lẽ ốc phải luộc cá lóc mới chịu ăn?” - tôi hỏi.
Ông cười: “Luộc để lấy trọn vẹn được thịt ốc, nước luộc ốc trộn rau cám, nuôi heo lớn ú ì”. Ông tung cần câu dính ngay một ả cá lóc béo lẳng háu đói, và nói: “Tháng sau 120m2 ao này cho thu hoạch 500kg cá, có 20 triệu đồng mà tui hổng tốn một đồng chi phí”. Lao động cật lực, nhưng vẻ mặt người nông dân 56 tuổi này luôn nhẹ nhõm tươi vui.
Ở vùng đệm UMT không chỉ có gia đình ông Trần Văn Hoàng khởi nghiệp từ cây rau muống đồng hoang dã, chị em Hồng Ý – Hồng Thu khá lên từ cây đu đủ, anh Huỳnh Thái Quốc trụ được bằng cây mía mà còn có nhiều hộ ổn định cuộc sống như hộ chị Cao Hà Thủy (kinh 8), Lại Thị Xuân Trường (kinh 3), anh Nguyễn Minh Thế, chị Nguyễn Thị Lan, anh Lu Văn Công (ấp An Hòa, xã An Minh Bắc) thoát nghèo bằng cây lúa, mía, rau màu, nuôi cá... vùng đệm UMT không còn hộ đói, giảm 60% hộ nghèo xuống 12% - đó là thành tựu không thể phủ nhận.
Tuy nhiên đa số hộ thoát nghèo cũng chỉ dừng ở mức sống trung bình và cận nghèo, hiếm hộ vươn nổi lên khá; 12% lại là số hộ nghèo “kiên cố hóa”, trên 70% hộ còn nợ tiền vay vốn làm đê bao khép kín... Như vậy, sau hơn 9 năm triển khai, kết quả của dự án XĐGN lớn nhất ĐBSCL này chưa thành công như mong đợi.
Điều chỉnh mô hình sản xuất: chậm và bị động

Róc tràm - một công việc nặng nhọc. Ảnh: N.T.K.
Thiếu vốn, không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng thì vay nóng bên ngoài với lãi suất 7%-10%. Do vậy phần lớn nông hộ đầu tư manh mún, vừa làm vừa run, kết quả chỉ đủ ăn, thiếu tích lũy cho tái sản xuất. Thị trường tiêu thụ nông sản bấp bênh, giá cả vui buồn thất thường - cây mía UMT năm 2007 đắng ngắt là một ví dụ.
Bên cạnh đó, thẳng thắn mà nói: có một bộ phận nông hộ nghèo “khó lay chuyển” không phải do con đông, mùa vụ thất bát, thiếu kiến thức sản xuất... mà do thiếu hẳn ý chí thoát nghèo, họ bỏ trống phần lớn đất đai cho cỏ mọc hoặc cho người khác thuê lại.
Một vụ nuôi cá lóc đồng đem lại cho ông Trần Văn Hoàng 20 triệu đồng trong ao nuôi nhỏ hẹp 120m2 nhưng không ít hộ chỉ bắt cá tự nhiên trong vuông bao 800m2 chứ không chịu thả nuôi! Thu nhập từ 500 cây đu đủ “cắm” trên bờ bao những ngày đầu gian khó đã cho chị em Hồng Ý – Hồng Thu “vốn mồi” 15 triệu đồng/năm.
Chuối xiêm là thứ dễ xin cây con nhất, ghe lái vào tận nơi mua sa cạ 1.500 đồng/bắp chuối, 20.000 đồng/quầy chuối, phần bờ bao đủ chỗ cho 600 cây... nhưng đến tận bây giờ xuôi theo các dòng kinh trong vùng đệm UMT, chúng tôi vẫn thấy lổm ngổm những bờ bao xanh um cỏ mọc.
Ngày 8-4-2004, trong chuyến đi kiểm tra công tác phòng chống cháy rừng ở VQG UMT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng đã lưu ý Kiên Giang nên điều chỉnh mô hình sản xuất , mở ra những hướng phát triển kinh tế năng động hơn nhằm tăng năng lực thoát nghèo cho người dân trên cơ sở bảo vệ bền vững VQG UMT, môi trường sinh thái tự nhiên của cả vùng rừng ngập nước.
Trong hầu hết các hội nghị liên quan đến dự án phát triển kinh tế vùng đệm UMT, ngành nông nghiệp Kiên Giang cũng nhiều lần khẳng định đây là điều cấp thiết. Nhưng thực tế việc điều chỉnh mô hình nông - lâm – ngư rất chậm và bị động. Hàm lượng chất xám trong sản phẩm nông nghiệp của người dân vùng rừng ngày càng ít ỏi, nông dân bối rối tự xoay sở trên mảnh đất không hề nhỏ (4 ha) đáp ứng việc ăn, mặc.
Còn việc học? Huyện UMT có 2 điểm trường THPT, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT là 56%, trúng tuyển vào ĐH, CĐ là 16,8%... Nhưng bà con ấp Công Sự nói với chúng tôi về con số khác nao lòng hơn: 10 em vào cấp 1 thì có 7 em lên cấp II, 3 em lên cấp III và...1 em ráng được đến ngày đi thi tốt nghiệp THPT! Không phải chất lượng dạy và học kém mà chủ yếu vì cuộc sống khó khăn khiến các em phải lao động sớm.
Nguyện vọng của nông dân: được phép “đào xới” đất rừng
Như nhiều địa phương khác, nông dân vùng đệm UMT muốn nói lời “chia tay” với cây tràm. Nhưng nếu nông dân nơi khác chỉ cần cân nhắc “trồng” hay “chặt” thì nông dân vùng đệm UMT khó khăn hơn. Bởi ngay ngày đầu được giao 4ha đất, việc trồng 1 ha tràm là bắt buộc. 1 ha tràm/hộ nằm trong quy hoạch chung rừng phòng hộ, muốn khai thác phải được phép của cơ quan chức năng, sau khi khai thác phải trồng mới và cây trồng nhất quyết phải là cây tràm.
Những người hoạch định dự án tính rằng, chỉ riêng tiền bán 1ha tràm đã giúp nông hộ thanh toán cơ bản vốn vay đào vuông bao trong quy hoạch thủy lợi tổng thể. Lúc đó tràm có giá, không ít nông hộ trồng tràm trên cả phần đất dành cho lúa, màu. Rồi... tràm rớt giá.
Người vùng đệm UMT từ chặt bỏ tràm trên phần đất được quyền “tự quyết”, lén khai thác tràm trong 1ha “nghĩa vụ” đến bỏ lún cho tràm chết khô, thấy cháy không cứu (không loại trừ trường hợp lén đốt cho...rảnh nợ). Trên phần đất đã giải phóng khỏi cây tràm, họ ban đất, đắp bờ...trồng lúa.

Anh Trần Văn Hoàng (bìa trái) cho cá lóc ăn.
Tiếp xúc với bà con nông dân, họ nói thật lòng: “Mình nghèo, thấy 1 ha đất trồng tràm vô ích làm sao chịu nổi!”. “Có cách gì cho chúng tôi vừa trồng rừng đúng chủ trương, vừa được phép đào bới đất rừng để kiếm ăn không?”...
Chúng tôi hỏi ông Lê Hoàng Hưởng – Giám đốc VQG UMT, ông nói: “Ngày 3-8-2007, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Bùi Ngọc Sương đã ký Quyết định 31/2007/QĐ-UBND về việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2006-2015, theo đó ở vùng đệm UMT, rừng phòng hộ được quy hoạch chuyển đổi thành rừng sản xuất.
Đây là sự chuyển đổi hợp lý, bảo vệ sự cân bằng sinh thái, xây dựng được độ phủ xanh trên diện tích 4.335,2 ha xung quanh VQG và điều không kém phần quan trọng là cho nông dân được tự quyết trên 1ha đất rừng sản xuất của họ. Nghĩa là khi chuyển sang rừng sản xuất, nông dân vẫn trồng rừng nhưng trồng cây gì do chính nông dân quyết định. Họ có thể chọn cây lấy gỗ hoặc cây vừa có tán vừa cho quả, miễn sao giống cây đó bảo đảm độ che phủ đất và đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định. Tóm lại, với rừng sản xuất, nông dân được phép “đào xới”!
Nhưng tròn một năm trôi qua kể từ sau QĐ 31/2007/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang, thực tế vẫn không có gì tiến triển. Được biết nguyên nhân chậm là do hiện nay Sở NN-PTNT Kiên Giang đang... chờ quy hoạch của Bộ NN-PTNT!
Rừng phòng hộ vẫn là rừng phòng hộ. Dân không được trao quyền “đào xới” đất rừng. Họ chẳng ngồi yên nhìn 10.000m2 đất bị “triệt sản”. 15% đất rừng phòng hộ đang cặm cụi với...lúa , 85% diện tích còn lại lưa thưa, lỏng khỏng với dáng vẻ của kẻ bị hắt hủi đến tội nghiệp.
Nguyễn Thị Kỳ