Bên dòng sông Kôn (Bình Định) có một vùng từng là kinh đô tiếng tăm của 2 vương triều Vijaya (Chăm Pa) và triều Tây Sơn. Sau chặng dài dâu bể, nay khu kinh thành 2 vương triều chỉ còn lại những phế tích. Nhưng lịch sử vẫn còn lưu lại cho vùng đất này nhiều bề dày văn hóa, nhiều làng nghề độc đáo, được mệnh danh là vùng đất trăm nghề.
Đi theo dấu vết của kinh thành Đồ Bàn (Thành Hoàng Đế), nay thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, chúng tôi lần tìm đến các làng nghề truyền thống còn sót lại. Những con đường tơ lụa, vóc vải, gốm sứ, bình đồng quý hóa năm xưa nay đã phủ lên mình lớp đô thị mới, hiện đại.
Nhưng sâu trong các con hẻm, vùng quê nhỏ vẫn còn hiện hữu hơi thở của một vùng đất kinh kỳ với hàng trăm ngành nghề, như: gốm, đúc đồng, nấu rượu Bàu Đá, làm bún bánh, bún Song Thằn, đan lát, dệt vải, tiện đồ gỗ mỹ nghệ, chằm nón ngựa, rèn, khảm xà cừ, trồng cây cảnh, hoa mai tết…
Những cao niên bên kinh thành Đồ Bàn vẫn bền bỉ gìn giữ nghề chằm nón ngựa Gò Găng
Làng gốm cổ Nhạn Tháp - Vân Sơn nằm giữa vùng đất trăm nghề An Nhơn
Người thợ đúc đồ đồng còn sót lại ở làng nghề đúc đồng Bằng Châu ở cuối dòng sông Kôn
Tranh thủ ngày nắng, người dân ở làng bún Song Thằn - An Thái vào vụ bún tết
Những người thợ lò rèn Phương Danh cơ giới hóa làng nghề để bắt kịp thời đại
Làng nghề tiện gỗ mỹ nghệ Nhơn Hậu vẫn trong thời kỳ cực thịnh ở An Nhơn
Trồng mai vàng ở Háo Đức (thị xã An Nhơn) được xem là nghề mới, đem lại cuộc sống sung túc cho người dân