Theo từ khóa “làng Minh Hương” trong những tài liệu trên internet, khiến thế hệ 9X chúng tôi không khỏi tò mò lẫn chút ngỡ ngàng về dấu ấn văn hóa đặc sắc của vùng đất Chợ Lớn - nơi mà hàng ngày, đang cùng một nhịp đập với thành phố, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm đời sống văn hóa của người đô thị hôm nay.
Đình Minh Hương Gia Thạnh
Chúng tôi tìm đến đình Minh Hương trùng vào ngày lễ lớn của cả nước, cờ đỏ sao vàng tung bay khắp các con đường, ngõ hẻm. Mái đình 230 năm tuổi cờ bay phấp phới trong không khí trang nghiêm của không gian thờ cúng quen thuộc ở đình làng Nam bộ.
Ngôi đình mang dấu ấn kiến trúc và công năng của ngôi đình Việt với năm gian, cùng hai hẻm Thanh Long (bên phải) và Bạch Hổ (bên trái), như một minh chứng cho sự hòa nhập của cộng đồng người Minh Hương với văn hóa người Việt bản địa. Theo quan niệm từ xưa của người Việt, một ngôi làng khi được thành lập phải có nơi thờ tự vị Thành Hoàng của làng (hiểu nôm na là người có công khai lập ra làng, xóm để cộng đồng quần tụ, sinh sống). Vốn dĩ những hình thức thờ tự phổ biến của người Hoa là chùa, miếu, đền… chứ không có đình làng với lối thờ tự như kiểu thức của người Việt.
Ông Mai Hà Tòng (84 tuổi, người gốc Minh Hương), Trưởng ban Quản lý đình Minh Hương Gia Thạnh (380 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5), kể: “Tôi nghe ông bà ngày trước kể lại, khi nhà Minh sụp đổ, cựu thần nhà Minh cùng 3.000 binh sĩ đến hàng phục Chúa Nguyễn ở đàng trong, từ năm 1679, xin lập làng Minh Hương, với ngụ ý chọn đất mới làm chốn hương hỏa cho người nhà Minh như một cách để bày tỏ lòng thành của bề tôi trung”.
Sau đó, Minh Hương Xã thành lập, làng của người Minh Hương ra đời ở vùng đất Chợ Lớn. Năm 1805, vua Gia Long ban cho tên gọi là “Gia Thạnh đường”, nên đình Minh Hương có tên gọi khác là Hội Quán Minh Hương Gia Thạnh và tên gọi bây giờ là đình Minh Hương Gia Thạnh. Đình được xây dựng để làm nơi thờ tự và làm việc của các hương chức trong làng.
Giữa những lời kể lại của ông Mai Hà Tòng là những cuộc điện thoại xin gia nhập làm hội viên Hội Quán Minh Hương. Nghe những cuộc nói chuyện, chúng tôi mới hiểu hết hai câu thơ còn truyền lại trong dân gian: “Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng/Đố ai lịch sự cho bằng làng Minh Hương”. Theo lời ông Tòng, người Minh Hương không chỉ lịch sự mà còn giữ phép tắc đạo lý, lễ nghĩa. Dù là thế hệ con cháu đời sau, nhưng cũng không quên mảnh đất nơi ông bà, cha mẹ mình đã sống. Miền đất nào đã cưu mang chở che họ, sau này con cháu mấy đời đi nữa cũng sẽ không quên.
“Cộng đồng người Minh Hương hiện thời cũng không nhiều, thế hệ cỡ tôi hoặc lớn hơn chắc khoảng 80 người, còn con cháu lớp sau thì nhiều, nhưng công việc, học hành cũng mỗi người một nơi, ít khi tề tựu đông đủ hết ở đây”, ông Tòng cho biết thêm. Ngưng giữa cuộc nói chuyện để châm thêm ấm trà và trả lời vài khách tham quan trong đình, chúng tôi mới hiểu cách lịch sự của người Minh Hương. Mỗi câu nói đều dạ, thưa và dù tuổi cao sức yếu, việc đi lại khá chậm chạp nhưng ông Tòng vẫn dẫn khách tới từng gian thờ một trong đình để giới thiệu.
Chợ nối chợ
Cũng theo lời kể ông Tòng, không chỉ cộng đồng người Minh Hương mà những người Hoa khác ở Chợ Lớn đều giỏi trong việc mua bán, tính toán làm ăn. Chợ này nối tiếp chợ kia trong khu Chợ Lớn cũng là vậy. Ngẫm lại lời ông nói, chúng tôi thấy không sai. Ở Chợ Lớn, với bán kính chừng 5km trở lại, có nhiều chợ nối nhau, đa phần là những chợ đầu mối bán sỉ có tiếng từ xưa cho đến nay.
Thương xá Đồng Khánh hay còn gọi là chợ vải Soái Kình Lâm (nằm cuối đường Trần Hưng Đạo, quận 5) từ lâu đã được nhiều người biết đến là “thiên đường vải vóc” và giá cả phải chăng nhất nhì thành phố. Để giải thích về tên gọi “Soái Kình Lâm”, cô Diệu Hoa (60 tuổi, một tiểu thương của chợ) cho biết: “Cũng không biết phải nói sao, nhưng tôi cùng nhiều tiểu thương bán lâu năm ở đây được biết, ngày trước có một nhà hàng rất lớn tên Soái Kình Lâm nằm kế bên chợ. Lâu dần, khách đi chợ, rồi bà con tiểu thương buôn bán ở đây quen miệng gọi luôn là chợ Soái Kình Lâm”. Chợ nhộn nhịp từ sáng sớm đến hơn 4 giờ chiều. Và điểm đặc biệt ở chợ vải này là mỗi sạp chỉ chuyên bán một loại vải với đủ màu sắc, hoa văn và không bán đại trà. Đa số khách hàng của chợ đều là mối lấy sỉ, mỗi sạp đều có lượng khách quen nhất định, họ chủ yếu trao đổi qua điện thoại, vải sẽ được giao tận nơi. Những đợt hàng mới, mẫu mới thì người mua mới đến xem trực tiếp và thương lượng giá cả.
Ngay từ đầu đường Phạm Hữu Chí, Đỗ Ngọc Thạch (quận 5) dễ dàng bắt gặp những cửa hàng chuyên phụ tùng và đồ chơi xe máy, với đủ loại hàng từ trong nước đến nước ngoài, kể cả những phụ kiện đã sản xuất cách đây nhiều năm cũng có thể tìm thấy ở chợ. Theo nhiều người dân sống ở đây, chợ phụ tùng xe máy Tân Thành đã hình thành cách đây hơn 40 năm. Cũng như chợ vải Soái Kình Lâm, các gian hàng phụ tùng xe máy chợ Tân Thành đa phần chỉ bán chuyên một loại phụ kiện để khách dễ tìm mua, đỡ mất thời gian. Tuy nhiên, theo nhiều tay chơi xe máy chia sẻ, khi đến chợ nên tìm hiểu kỹ loại hàng trước khi mua, nhất là những phụ kiện để độ xe. Khách hàng tay mơ rất dễ mua phải hàng thường nhưng giá lại cao. Vì chợ xe máy Tân Thành nổi tiếng là “thiên đường phụ tùng xe”, mọi loại hàng từ cao cấp đến bình dân hay trôi nổi đều có đủ.
Và nhắc đến những ngôi chợ ở Chợ Lớn không thể không kể đến chợ Bình Tây (đường Tháp Mười, phường 2, quận 6) hay còn gọi là Chợ Lớn Mới, chợ hoàn thành vào năm 1930. Vào ngày 15-11-2018, chợ đã đi vào hoạt động trở lại sau hơn 10 tháng nâng cấp, sửa chữa. Chợ hoạt động suốt từ 2 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Hiện tại, có hơn 1.000 hộ kinh doanh tại chợ với hơn 2.300 quầy sạp. đây cũng là ngôi chợ đầu mối bán sỉ lớn nhất cả nước với nhiều ngành hàng, bán sỉ đi các địa phương trong cả nước. Ngoài ra, còn nhiều ngôi chợ lớn, nhỏ khác nối nhau trong khu vực Chợ Lớn như chợ Thiếc, chợ Xã Tây, chợ Hòa Bình, chợ An Đông, chợ Kim Biên, chợ Xóm Vôi…
Có lẽ phải một lần dạo quanh khu vực Chợ Lớn mới có thể cảm nhận hết nét đặc trưng của cộng đồng người Minh Hương, người Hoa ở khu vực này. Tất cả như góp thêm một nét chấm phá về sự độc đáo, đa dạng văn hóa trong không gian hiện đại của thành phố.