1. Nghệ sĩ quan họ cổ Nguyễn Lệ Thúy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) quan họ Bắc sông Cầu, chia sẻ, sau đêm nhạc quan họ đương đại Người ở người về tổ chức vào trung tuần tháng 11-2020 tại TPHCM, chị nhận được 12 lời đề nghị của các bạn trẻ học hát quan họ.
“Dù chỉ hát được một câu quan họ đã là điều đáng quý. Tôi cảm nhận mọi người đều yêu quan họ, sống trong không gian của quan họ. Chúng tôi đến, gắn kết với nhau bằng tinh thần tự nguyện và không có lý do gì để quan họ không tồn tại trên đất phương Nam”, nghệ sĩ Lệ Thúy chia sẻ.
Năm 1998, CLB quan họ đầu tiên trên đất phương Nam được thành lập, lấy tên Mười Nhớ. Và người đặt những viên gạch nền móng đầu tiên là nghệ sĩ Quý Thăng. Từ CLB đầu tiên, sau 22 năm, tại TPHCM đã có 14 CLB quan họ ở nhiều quận huyện, tạo nên đời sống sinh hoạt sôi động. Nghệ sĩ Quý Thăng đã phát triển CLB lên một quy mô mới thành Công ty Văn hóa nghệ thuật Kinh Bắc. Cách đây 2 năm, CLB Quan họ di sản TPHCM trực thuộc Hội Di sản TPHCM cũng đi vào hoạt động.
Không sôi nổi như các gánh hát quan họ, TS Nguyễn Nhã trong nhiều năm qua vẫn nỗ lực duy trì hoạt động của CLB ca trù hiếm hoi trên đất phương Nam, dù về quy mô ngày càng phải thu hẹp. CLB Ca trù Đại học Hùng Vương ra đời năm 2000, đặt trụ sở tại nhà riêng của ông. TS Nguyễn Nhã cho biết, sau này khi CLB không còn đi biểu diễn hay sinh hoạt thường xuyên, ông vẫn cố gắng duy trì những hạt nhân nghệ sĩ, sẵn sàng đi hát ca trù, hát thơ trong các dịp kỷ niệm, mừng thọ...
Vào mỗi sáng thứ năm hàng tuần, các thành viên từ quận 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Tân Bình… đều thu xếp để đến nhà NNƯT Nguyễn Hồng Oanh ở quận 9 sinh hoạt và tập luyện. Những hôm cần duyệt chương trình, CLB lại đến Trung tâm Văn hóa quận Tân Phú cùng tập trước khi đi biểu diễn đâu đó. So với các loại hình nghệ thuật dân gian khác, ví giặm Nghệ Tĩnh là loại hình hiếm hoi có sức sống mạnh mẽ không chỉ ở địa phương mà còn được lan tỏa ra các vùng miền khác.
Dù vậy, theo NNƯT Nguyễn Hồng Oanh, nhiều lúc bà cũng cảm thấy chông chênh: “Tôi sợ thế hệ mình già đi rồi, không làm được gì nữa, trong khi thế hệ kế thừa không có, đó là điều vô cùng tiếc”.
Mong muốn của NNƯT Nguyễn Hồng Oanh là làm sao tổ chức nhiều hơn nữa những buổi giao lưu giữa các nghệ nhân với học sinh, sinh viên, giống như cách mà bà đang tham gia vào chuỗi chương trình do Trung tâm Văn hóa TPHCM kết hợp với Sở GD-ĐT TPHCM nhằm đưa loại hình văn nghệ dân gian các vùng miền vào các trường học THCS trên địa bàn thành phố.
3. Ca Huế là loại hình nghệ thuật cổ truyền xứ Huế, hình thành trên nền tảng dân ca, được phát triển thành loại hình âm nhạc bác học, vừa mang tính cung đình vừa gắn bó với người dân. Từ lâu lắm rồi, khi những người con xứ Huế đến TPHCM, vì yếu mến và nhớ thương, họ cũng mang theo lời ca tiếng hát, âm hưởng dân ca của quê hương “ố tang ố tang tình tang”… Nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ vẫn muốn cống hiến cho ca Huế, biểu diễn ca Huế giữa TPHCM.
CLB Ca Huế được thành lập cũng phải trên dưới 20 năm, từng có đội hát, đội múa khoảng 30 người. Mỗi dịp lễ, tết, các nghệ nhân, nghệ sĩ thường biểu diễn ở Khu du lịch Văn Thánh (quận Bình Thạnh). Chị Nguyễn Hồng Thắm (47 tuổi, quận Tân Bình), thành viên CLB Ca Huế tại TPHCM, cho biết đã tham gia CLB 18 năm.
Chị Hồng Thắm nói: “CLB đặc biệt có sự tham gia của nhạc sĩ - nghệ sĩ ca Huế Đăng Ninh, người luôn gắn với đàn nhị, đàn tranh, người một đời âm thầm với tình yêu âm nhạc cổ truyền. Ca sĩ Vân Khánh cũng theo nghề cha, hát ca Huế, dân ca các miền ngay tại TPHCM. Bên cạnh đó có các nghệ sĩ như Việt Hùng, Anh Tú, Thanh Tâm… Nhạc Huế, ca Huế cũng chính là một phần cuộc sống của chúng tôi rất nhiều năm qua”.
Ca Huế giờ không còn chỉ tổ chức trong các tư gia của các gia đình trí thức Huế, nơi hội tụ của tri âm tri kỷ, văn nhân mặc khách. Cả ca Huế, hát dân ca bài chòi đã mở rộng hơn, ngay tại nhiều sân khấu ở TPHCM. Các loại hình này còn được một số sân khấu âm nhạc dân tộc, ban nhạc sinh viên biểu diễn tại nhiều địa điểm công cộng, các trường học .