Vùng đất của Kỳ lân

Theo bước chân cha ông mở cõi về phương Nam, tự vùng đất này bao đời đã chứng minh là nơi địa linh nhân kiệt. Quyết liệt, dấn thân, táo bạo, dám nghĩ dám làm là cốt cách của con người nơi đất trời phương Nam. Những điều mới mẻ và lớn lao cũng từ đây mà khởi thành. 

Đất nước đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng khởi nghiệp công nghệ và 3/4 startup Kỳ lân (startup định giá trên 1 tỷ USD) từ nơi này cất cánh.

screenshot-2024-02-05-170859-4545-8943.png
VNG Campus tọa lạc ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM)

Thành phố của những startup tỷ đô

VNG được ví như “anh lớn” trong làng khởi nghiệp. Cơ ngơi và tầm vóc của VNG ngày nay là khao khát, hình mẫu lý tưởng đến choáng ngợp với những đơn vị khởi nghiệp. Ông chủ của tập đoàn công nghệ này chọn TPHCM để khởi nghiệp bởi đặc tính hào phóng, năng động, luôn chuyển động để thích ứng của đất và người nơi đây. Năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD và trở thành “Kỳ lân công nghệ” đầu tiên của đất Việt. Chỉ 5 năm sau, họ được quỹ góp vốn đầu tư Temasek, Singapore định giá 2,2 tỷ USD để viết nên câu chuyện của những cánh chim đầu đàn.

Ông Lê Hồng Minh, người đứng đầu VNG, thường xuyên xuất hiện ở các diễn đàn lớn và nói về khởi nghiệp, cũng là minh chứng cho sự thành công của một Kỳ lân. Sức ảnh hưởng của VNG Campus đang được kỳ vọng làm thay đổi Khu chế xuất Tân Thuận thành khu công nghệ tạo ra những giá trị cao hơn để thay đổi hình ảnh khu chế xuất chỉ là nơi sản xuất công nghiệp thuần túy như trước.

Cũng thai nghén và sinh trưởng tại TPHCM, Sky Mavis - đứa con của nhà sáng lập Nguyễn Thành Trung, đạt mức định giá 3 tỷ USD, trở thành Kỳ lân đắt giá nhất Việt Nam chỉ sau hơn 3 năm hoạt động. Kín tiếng và lặng lẽ nhưng đây là một startup nổi đình nổi đám trong giới làm game blockchain khi đầu năm 2021, game Axie Infinity đã có hơn 2,6 triệu người chơi và tổng trị giá giao dịch tháng trong game gần 1 triệu USD. Và vào tháng 10-2021, Sky Mavis huy động thành công 152 triệu USD trong vòng gọi vốn series B, định giá công ty lên 3 tỷ USD.

Hai Kỳ lân này đều đi lên từ game, nhưng khác nhau. VNG và Sky Mavis vẫn được xem là những doanh nghiệp phát triển, kinh doanh, phân phối trò chơi trực tuyến (game online) là chủ yếu. Chỉ khác là, VNG có doanh thu chủ yếu từ mảng game truyền thống, còn Sky Mavis lại chiếm lĩnh thị phần game NFT phát triển trên nền công nghệ blockchain (chuỗi khối) - đang là trào lưu mới của thế giới và hứa hẹn dư địa hay hơn trong tương lai.

MoMo, cái tên đã quá quen thuộc với người dùng Việt Nam. Còn nhớ, cách đây gần chục năm, trong lần họp báo công bố dự án đầu tư mới, ông Phạm Thành Đức, lúc ấy là Tổng Giám đốc MoMo, hùng hồn tuyên bố về xây dựng hệ sinh thái phủ khắp 63 tỉnh thành và nhận được nhiều e ngại về sự khả thi.

Nhưng vị CEO này nói chắc nịch: “Các anh cứ tin tôi đi, chúng tôi làm được và sẽ làm tốt”. Năm tháng qua đi, lời tuyên bố kia của anh trở thành hiện thực và “trưởng thành” ngoài mong đợi. MoMo hiện đã xây dựng hệ sinh thái phủ khắp nước với hơn 50.000 đối tác, 140.000 điểm chấp nhận thanh toán, hợp tác trực tiếp với hơn 70 đối tác. Nền tảng số này có khả năng đáp ứng việc mua sắm, thanh toán cho các nhu cầu sinh hoạt cơ bản của người Việt.

Nay Momo đã trở thành Kỳ lân công nghệ. Tầm nhìn của lãnh đạo và nhân viên ở MoMo đều hành động nhất quán là sản phẩm phải hướng đến giới trẻ và đặc biệt luôn đi đầu trong thực hiện chủ trương không tiền mặt của Chính phủ. Ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập MoMo, chia sẻ: Chúng tôi biến tài chính số không còn khô khan mà gần gũi với người dùng, nhất là với Gen Z, Gen C. Là nền tảng tài chính tiên phong, MoMo đang cùng người Việt kích hoạt cuộc sống thông minh.

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), để đạt được mục tiêu 10 Kỳ lân vào năm 2030, Chính phủ cần có những biện pháp khơi thông dòng vốn đầu tư mạnh mẽ hơn nữa từ khu vực công và khu vực tư nhân vào các startup.

Đồng thời, nghiên cứu các chính sách nhằm xây dựng sàn huy động vốn riêng cho các startup công nghệ, tạo nên khả năng huy động vốn cho startup, tạo thanh khoản cho các nhà đầu tư mạo hiểm khi kết thúc thương vụ. Khuyến khích phát triển các hình thức đầu tư khởi nghiệp sáng tạo thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, có các chính sách thu hút nhân tài…

Kỳ lân là sự khởi đầu

Người sáng lập VNG Lê Hồng Minh chia sẻ, thành công chính là khả năng sống sót và kiên định với mục tiêu của mình vì thị trường công nghệ thay đổi liên tục. VNG thành lập vào năm 2004, vốn là công ty phát hành game nhưng thời điểm hiện tại, VNG có 4 mảng kinh doanh thương mại cốt lõi: Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử và Dịch vụ điện toán đám mây. Đồng thời cũng góp vốn đầu tư vào không ít startup như Tiki, Got It, EcoTruck... và mới nhất là xây dựng trung tâm dữ liệu thuộc “hàng tốp” của khu vực.

khong-gian-lam-viec-cua-momo-luon-tuoi-sang-4714.jpg
Không gian làm việc hiện đại của MoMo

Có thể thấy, những nhà khởi nghiệp lừng lẫy rất nhạy, sành trong việc nắm bắt xu thế. VNG luôn tìm kiếm các làn sóng công nghệ mới để bắt kịp và phát triển công ty. Năm 2004, nhà sáng lập VNG nhận thấy đó là thời cơ khi Internet trên PC bùng nổ nên game của họ cũng “ngự trị” các phòng “net”. Vài năm sau đó, gần như người Việt đều chuyển sang dùng điện thoại thông minh, VNG tạo ra làn sóng mới cho mình, chuyển toàn bộ nguồn lực sang phát triển các ứng dụng di động...

Dài và khó cho VNG là con đường IPO trên sàn Nasdaq. Hồi giữa năm 2023, tất cả những con người VNG tất bật hừng hực chào đón cho mục tiêu này nhưng đến cuối tháng 9-2023 thì việc không thành và đến nay ông Lê Hồng Minh vẫn bứt rứt “nếu chúng tôi không làm, sẽ không thể đưa công ty phát triển một cách thực sự”. Điều này có nghĩa là VNG vẫn đau đáu hướng tới mục tiêu IPO và qua chuyện này, Kỳ lân chắc chắn biết rõ nguyên nhân vì sao ước mơ chưa thành hiện thực, đã đến lúc VNG cần một tinh thần khởi nghiệp mới mẻ tiếp theo!

Tổng Giám đốc MoMo Nguyễn Mạnh Tường thừa nhận, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư vào những dự án đổi mới sáng tạo rất khó, trong khi Mỹ có nguồn vốn khá dồi dào nên đề xuất chính phủ hai nước cùng nghiên cứu việc hỗ trợ các công ty công nghệ tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn đầu tư của Mỹ vào Việt Nam.

Với một khát vọng lớn hơn, “dấu mốc tỷ đô” chưa phải là điểm dừng nên các startup vẫn phải đúc rút bài học, hướng đến sản phẩm có giá trị tính quốc tế, cạnh tranh cao… để chuẩn bị cho một hành trình lớn hơn: Bước vào IPO trên sàn chứng khoán quốc tế. Kỳ lân không chỉ khỏe mạnh mà phải bay cao!

Tin cùng chuyên mục