Vùng đất “cái chết trắng” đã hồi sinh

Từng là điểm nóng mua bán và sử dụng ma túy, nơi bóng tối của “cái chết trắng” bao trùm, nhưng từ khi lực lượng công an chính quy về địa phương, thôn Giang Đông (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) đã dần hồi sinh, mang trong mình sức sống mới. “Cái chết trắng” đã dần được loại bỏ khỏi cộng đồng, những người lầm đường lạc lối được quan tâm hỗ trợ phát triển kinh tế.

Ám ảnh

Nằm ẩn mình giữa cánh rừng phòng hộ Krông Năng, Giang Đông từng là cái tên gắn liền với những câu chuyện đau lòng về ma túy. Cách đây gần một thập niên, nơi đây là điểm nóng về tình trạng mua bán, nghiện hút ma túy. Đến nay, ma túy vẫn còn ám ảnh trong tâm trí của người dân nơi đây.

Anh Xổng A Sử, Tổ trưởng Tổ an ninh trật tự thôn Giang Đông, nhớ lại: “Khoảng 10 năm trước, ma túy như một cơn bão quét qua thôn. Mỗi ngày, chúng tôi chứng kiến nhiều người tiêm chích ma túy ngay ven đường, kim tiêm vương vãi khắp nơi. Ma túy đã không chỉ hủy hoại sức khỏe của những con người nơi đây mà còn kéo theo sự sụp đổ của biết bao gia đình. Nhiều gia đình trải qua nỗi đau mất mát vì ma túy, an ninh trật tự ở địa phương mất ổn định”.

Ánh mắt đượm buồn nhìn về phía cuối thôn, anh Sử liệt kê hàng loạt gia đình tan nát vì người thân lầm đường lạc lối, sa vào “cái chết trắng”. Trong đó, gia đình ông G.D.L. là minh chứng điển hình về sự tàn phá của ma túy, khi cả hai vợ chồng và 2 người con trai cùng nghiện ngập. Vướng vào ma túy, ông L. mang bệnh và chết, còn vợ ông bị phạt tù vì liên quan đến một vụ án ma túy. Những gì có giá trị trong nhà đều bị 2 người con trai bán sạch để sử dụng ma túy, cho đến khi không còn gì bán được nữa.

J4b.jpg
Trẻ em ở thôn Giang Đông được đến trường, không còn chịu cảnh mù chữ như trước đây. Ảnh: MAI CƯỜNG

“Không riêng gia đình ông L. mà ở thôn, nhiều cặp vợ chồng đều vướng vào ma túy rồi qua đời, để lại con nhỏ nheo nhóc”, anh Sử nhớ lại. Theo chân anh Sử, chúng tôi đến nhà chị S.T.T. (sinh năm 1981), một trong những nạn nhân của ma túy. Trong buổi trò chuyện, chị T. ngậm ngùi kể, chị từng có một gia đình ấm êm bên anh P.A.Tr. và 8 người con. Nhưng hạnh phúc ấy dần tan vỡ khi anh Tr. sa vào nghiện ngập, dẫn đến sự sụp đổ của mọi thứ mà họ đã xây dựng.

Hơn 2 năm trước, trong một lần đi làm rẫy, chồng chị đã đưa cho chị một chút ma túy để hút thử, và từ đó chị lún sâu vào cơn nghiện mà không nhận ra. Năm 2022, anh Tr. bị đưa đi cai nghiện, chị cũng vướng vào lao lý. Sau thời gian cải tạo tốt, chị T. được trở về địa phương nhưng ma túy đã khiến sức khỏe ngày càng yếu.

“Tôi không còn thèm ma túy nữa, nhưng nó đã lấy đi của tôi quá nhiều thứ. Giờ đây, sức khỏe yếu, tôi không thể lao động được như trước nên chỉ có thể ở nhà với con cháu”, chị T. buồn bã nói.

Thay “áo” mới cho Giang Đông

Những cái chết khi tuổi còn trẻ, những gia đình tan nát vì ma túy đã trở thành nỗi ám ảnh trong ký ức không thể quên của người dân thôn Giang Đông. Trước sự tàn phá của ma túy, nhiều năm trở lại đây, chính quyền địa phương cùng lực lượng công an đã quyết tâm bài trừ ma túy ra khỏi cộng đồng. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành chức năng, Giang Đông đã được thay “áo” mới. Nhiều dự án công trình xã hội được đầu tư về địa phương.

Các mô hình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, giúp bà con vươn lên làm giàu. Giờ đây, ở thôn Giang Đông, những con đường bê tông mới được xây dựng, thay thế cho những con đường đất lầy lội, giúp việc đi lại thuận tiện hơn. Những ngôi nhà khang trang mọc lên, thay thế cho những căn nhà tạm bợ, tạo nên diện mạo mới cho thôn.

Trung tá Chu Tiến Thành, Phó trưởng Công an xã Ea Dăh, cho biết: “Chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nhằm xử lý tệ nạn ma túy. Việc điều tra, truy quét diễn ra liên tục, nhờ đó tình hình đã cải thiện rõ rệt. Từ một địa phương “nổi tiếng” về tệ nạn ma túy, đến nay con số này đã giảm đáng kể. Trong năm 2024, chỉ có 3 vụ án liên quan đến ma túy được ghi nhận. Các đối tượng nghiện đã được đưa đi cai nghiện bắt buộc”.

Không dừng lại ở việc triệt phá các vụ án ma túy, lực lượng công an còn thực hiện các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy; tổ chức các buổi gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm cai nghiện, giúp những người đã lầm lỡ tìm được lối về.

Các chương trình hỗ trợ từ địa phương cũng đã góp phần không nhỏ vào sự hồi sinh này. Nhiều người đã được vay vốn để phát triển kinh tế, như trường hợp của chị M.T.M. (sinh năm 1996) sau khi đi cai nghiện về được cơ quan chức năng cho vay 100 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số tiền trên, chị M. đã mua 4 con trâu và cải thiện đời sống gia đình.

“Tôi đã đánh đổi quá nhiều thứ vì ma túy. Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ nên tôi đã cai nghiện được, và nhờ số vốn vay ban đầu mà tôi đã có kinh tế ổn định”, chị M. tâm sự.

Cuộc sống ở thôn Giang Đông đã trải qua một hành trình đầy gian nan và thử thách. Từ một “điểm nóng” ma túy, giờ đây Giang Đông đã hồi sinh với những con người mang đầy quyết tâm và hy vọng. Những câu chuyện đau thương vẫn còn đó, nhưng ánh sáng của sự thay đổi đã dần xua tan bóng tối, mang lại một tương lai tươi sáng hơn cho người dân nơi đây.

Tin cùng chuyên mục