Vùng đất anh hùng Hàm Thuận Bắc vươn lên thoát nghèo

Từ một huyện nghèo đói, qua 40 năm triển khai tích cực, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đến nay, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt.

Sáng 8-4, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập huyện và 48 năm ngày giải phóng quê hương Hàm Thuận.

Ngày 8-4-1975, huyện Hàm Thuận được giải phóng, góp phần giải phóng tỉnh Bình Thuận vào ngày 19-4-1975 và cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Huyện Hàm Thuận Bắc hôm nay

Huyện Hàm Thuận Bắc hôm nay

Trong kháng chiến, huyện Hàm Thuận (lúc bấy giờ thuộc tỉnh Thuận Hải) có vị trí chiến lược rất quan trọng, là bàn đạp, cửa ngõ tấn công vào cơ quan đầu não của địch ở Phan Thiết. Với vị trí ấy, Hàm Thuận trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của kẻ thù. Những địa danh “Khu lê bất khuất, Tam giác kiên cường, Nam sơn Trung dũng, Đường 8 rực lửa chiến công” đã đi vào lịch sử của vùng đất Hàm Thuận anh hùng.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 1978, huyện Hàm Thuận được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Ngày 30-12-1982, huyện Hàm Thuận được chia tách thành 2 huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam (tỉnh Thuận Hải). Đến năm 1992, tỉnh Thuận Hải chia tách thành 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận. Trong đó, huyện Hàm Thuận Bắc nay thuộc tỉnh Bình Thuận.

Những ngày đầu mới thành lập, huyện Hàm Thuận Bắc gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực vươn lên của cán bộ và nhân dân nên đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Theo đó, kinh tế của huyện ngày càng phát triển, nhất là từ năm 2006, huyện đã có chủ trương chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây thanh long nên diện tích cây thanh long được phát triển mạnh mẽ, trở thành cây trồng chủ lực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, đặc biệt là trái thanh long của huyện Hàm Thuận Bắc

Những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, đặc biệt là trái thanh long của huyện Hàm Thuận Bắc

Đặc biệt, nhờ sự quan tâm phát triển thủy lợi nên đã đưa diện tích gieo trồng được tưới chủ động lên 99%, đưa tổng sản lượng lương thực từ 35.000 tấn (năm 1983) lên 164.000 tấn (năm 2022).

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, từ một huyện nghèo đói, qua 40 năm triển khai tích cực, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đến nay không còn tình trạng hộ dân thiếu ăn trong thời kỳ giáp hạt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 14,88% năm 2001 đến năm 2022 giảm xuống còn 4,44% và hộ cận nghèo còn 4,74%.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc, nhấn mạnh: “Những thành tựu đạt được trong 40 năm qua cho chúng ta nhiều bài học quý báu, quan trọng nhất là bài học khơi dậy niềm tự hào về truyền thống cách mạng quê hương của mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Hàm Thuận Bắc; cùng nhau nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách để vươn lên, không cam chịu đói nghèo; bài học về củng cố và phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, sự thống nhất ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ và bài học về xây dựng Đảng, đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Những bài học đó tạo nền tảng sức mạnh và động lực quan trọng để đưa huyện Hàm Thuận Bắc tiếp tục vươn lên trong chặng đường tiếp theo”.

Tin cùng chuyên mục