Vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á đang kêu cứu

Vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á đang kêu cứu
  •  Gia tăng nạn khai thác kiểu tận diệt

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được hợp thành từ 3 phần khác nhau:
- Phá Tam Giang rộng 52km2, kéo dài 24km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương

- Đầm Sam và đầm Thủy Tú rộng 60km2, kéo dài khoảng 33km từ cửa sông Hương đến cửa sông Truồi

Đầm Cầu Hai tiếp nối như một lòng chảo lớn hình bán nguyệt rộng 104km2, kéo dài khoảng 13km từ cửa sông Truồi đến chân núi Vĩnh Phong.

Vùng đất ngập nước đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích 248,7km2, chiếm khoảng một nửa tổng diện tích đầm phá ven bờ Việt Nam (480,5km2)

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tính đa dạng sinh học rất cao, nhiều người ví đây là một bảo tàng sinh học. Thành phần nguồn gien của Tam Giang - Cầu Hai phong phú; trên các đầm lầy cỏ và thảm cỏ biển rất đặc thù, nhiều loài chim định cư, di cư trú ngụ; trong đó có 21 loài được ghi vào danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu, 1 loài được ghi vào Sách đỏ Việt Nam. Với các nhà khoa học, cá ở phá Tam Giang được coi là loài đặc hữu, có giá trị thương phẩm cao.
 
Ngoài sự giàu có nguồn lợi thủy sản phục vụ dân sinh, nông nghiệp, nghiên cứu khoa học, giáo dục; đầm phá này còn có các giá trị về giao thông - cảng, du lịch. Tam Giang còn là một thủy vực điều hòa khí hậu khổng lồ, hạn chế lũ lụt... Trong chiến lược phát triển lâu dài về du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế chọn vùng đầm phá này để phát triển các loại hình du lịch sinh thái.
 
Tam Giang - Cầu Hai liên quan đến 5 trong tổng số 9 huyện, thành của Thừa Thiên - Huế với 31 xã, tổng số dân khoảng 300.000 người. Khu vực đầm phá đang trở thành một trong những vùng kinh tế trọng điểm, phát triển sôi động của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Thế nhưng, nguồn tài nguyên của đầm phá đang có nguy cơ cạn kiệt, môi trường ô nhiễm do khai thác quá mức và không có quy hoạch.
 
Theo thống kê của Sở Thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế, qua ba thập niên, sản lượng khai thác thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai giảm gần một nửa. Từ 4.500 tấn trước năm 1980, nay chỉ xấp xỉ 2.500 tấn. Hiện có khoảng 2.500 chiếc thuyền đang xuôi ngược khai thác thủy sản trên đầm phá.

Phương thức khai thác thủy sản trên đầm phá có thể phân thành hai nhóm chính: Nghề khai thác cố định bao gồm nò sáo (trên 2.000 trộ), đáy (trên 1.200 miệng), rớ giàn (250), chuôm (520), dạy (gần 70). Nò, sáo giăng dày đặc trên đầm phá thực sự trở thành một nỗi bức xúc, một áp lực lớn với hệ đầm phá Thừa Thiên - Huế. Đây là loại hình khai thác không chỉ gây cản trở giao thông, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Khẩu độ mắt lưới của nò sáo là 5mm nên nó bắt được cả những loài tôm, cá rất nhỏ.

Nhóm nghề khai thác lưu động cũng làm ảnh hưởng nguồn lợi thủy sản không kém: te máy, giã, lưới rê 3 lớp càn quét cá con trong đầm. Nhưng nguy hiểm hơn cả là dùng xung điện và chất nổ để đánh bắt thủy hải sản đã tận diệt mọi sinh vật sống xung quanh... 

  • Cần có giải pháp  cấp bách
Vùng đầm phá lớn nhất Đông Nam Á đang kêu cứu ảnh 1

Hệ thống nò, sáo ken đặc là nguyên nhân chủ yếu làm cho nguồn tài nguyên thủy, hải sản ở Tam Giang - Cầu Hai bị cạn kiệt trong thời gian qua.

Thực trạng đang làm đau đầu các cấp ban ngành chức năng ở Thừa Thiên - Huế là hiện nay hàng vạn người dân sống dọc theo vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai chỉ biết dựa vào nguồn tài nguyên của vùng đầm phá mà sinh sống. Nguồn tài nguyên ở đây theo thời gian tỷ lệ nghịch với sự phát triển dân số.

Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản Lê Văn Bình trăn trở: Đúng là phải kiên quyết sắp xếp lại trật tự hệ thống nò sáo ở Tam Giang - Cầu Hai, nhưng làm thế nào để có hiệu quả cao quả là bài toán khó. Mục tiêu trong nghị quyết của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về giải tỏa dứt điểm nò sáo trên Tam Giang - Cầu Hai vào năm 2005 gặp khá nhiều khó khăn. Bởi một khi dẹp bỏ những thứ này thì nguồn sống của hàng vạn người dân cũng bị triệt tiêu theo. Còn với vấn nạn khai thác bằng xung điện, chất nổ thì càng khó ngăn chặn, bởi địa bàn quá rộng. 
 
Tam Giang - Cầu Hai không chỉ bị nạn khai thác tận diệt đe dọa, nó còn bị phong trào nuôi tôm lấn chiếm. Qua 10 năm, việc nuôi tôm hạ triều và nuôi chắn sáo của người dân đã lấn 10% diện tích đầm phá với khoảng 3.000ha và qua mỗi mùa vụ tôm, phá Tam Giang phải hứng chịu hàng triệu m3 nước thải. Đã có lần tỉnh Thừa Thiên Huế nghĩ đến một phương án táo bạo là thay nước ở vùng phá Tam Giang bằng cách xả nước ở hồ Truồi bởi tình trạng ô nhiễm do việc nuôi tôm của người dân gây ra đã đến mức báo động.
 
Số phận của vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á này đang rất cần các giải pháp tối ưu không chỉ của các cấp, ngành ở Thừa Thiên - Huế mà cả các bộ, ngành liên quan trước khi hệ sinh thái ở vùng đầm phá này bị hủy diệt hoàn toàn.

 Bài, ảnh: NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục