Cuồng quá mức
“Nói thật bài này là fail (thất bại - PV) nhất trong tất cả các bài của J., lời với melody rời rạc quá không ăn khớp với nhau”. Vừa viết xong câu này trên trang chuyên về nghệ sĩ Việt H.H.S., bạn N.V.T. cũng rơi vào trường hợp đụng phải “fan cuồng” của ca sĩ trẻ J. với loạt bình luận: “Tui thấy hay mà ta! Vừa cuốn hút lại bắt tai. Lời với melody rời rạc là sao bạn? Bạn hát được như người ta chưa mà nói?”; “Nghe không được thì đừng nghe! Ai mướn? Đồ giẻ rách!”… Chỉ một số ít bình luận tỏ ra đồng cảm: “Cuối cùng cũng có đứa anh hùng comment (bình luận) đúng ý mình, các hạ thật là dũng cảm!”; “Nói nhỏ thôi bạn, nói đúng còn nói to vậy các fan trẻ trâu nó bâu vào chửi á”…
Mới đây, chị Nguyễn Thị N.S. (30 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) lỡ chê phim điện ảnh Bố già của T.T. không hay như lời đồn, chê bộ râu diễn viên chính nhìn “giả trân” trên một hội nhóm, lập tức chị S. bị rất nhiều bạn trẻ “ném đá”. Chị kể: “Mình xem phim thấy sao thì nói vậy, ai dè gặp nhiều thành phần thanh niên cuồng thần tượng gay gắt quá. Mình phải điều chỉnh lại chế độ bình luận trên trang Facebook cá nhân vì nhiều bạn vào chửi mình búa xua, dùng từ thô tục ghê quá. Rất nhiều nick ảo vô phá, làm phiền cả bạn bè, gia đình mình. Rất quá đáng!”.
T.M.S (25 tuổi) kể câu chuyện cười ra nước mắt: “Tôi vô trang Hóng hớt showbiz coi, lỡ để lại một bình luận chê sản phẩm mới của ca sĩ S.T. Trong vòng một tiếng, phần tin nhắn trong Facebook của tôi nhận được cả trăm tin nhắn nhục mạ, tục tĩu. Vào thử mấy trang cá nhân của mấy người này chủ yếu là tuổi 16-17, phần lớn là nữ, viết còn sai chính tả be bét mà chửi quá xá, thậm chí biết số điện thoại của tôi trên trang cá nhân, còn nhắn tin khủng bố kéo dài mấy ngày. Giờ tôi sợ rồi, không dám đụng vô thần tượng của mấy ông bà choai choai nữa”.
Về việc fan cuồng thần tượng quá mức, nữ nghệ sĩ Elly Trần mới đây cũng phải lên tiếng trên trang cá nhân: “Con nít bây giờ coi thần tượng như cha như mẹ, lê lết phục vụ tận chân răng. Trong khi cha mẹ ốm đau bệnh tật chưa chắc mua được 1 tô hủ tiếu, chén chè bưng đến”.
Cô chia sẻ thêm, ở thế hệ 8X trước đây ai cũng có thần tượng một nghệ sĩ, nhưng chỉ dừng lại ở mức độ tự để dành tiền sinh hoạt phí rồi mua sản phẩm của nhân vật đó, hoặc đợi vé rẻ cho học sinh - sinh viên để đi xem…
“Nói chung thời nào thì cũng có fan với thần tượng và bên cạnh những chuyện tích cực thì vẫn có những câu chuyện tiêu cực và đáng suy ngẫm. Các bạn nhắm có ăn đời ở kiếp được với thần tượng không? Vui thôi chứ đừng đắm chìm. Và nói ra để chúng ta cùng có thời gian ngẫm lại chứ không phải nói ra để mập được thêm ký lô thịt nào vào người đâu”.
Giải mã fan cuồng
Hiện nay, hầu như ca sĩ/nghệ sĩ thần tượng nào ở Việt Nam cũng có fanclub của mình. Số lượng fan dĩ nhiên còn tùy thuộc vào độ nổi tiếng và kể cả độ chịu chơi, chịu chi của thần tượng. Thêm một điều hiển nhiên, tên của các fanclub này ăn theo tên của các nhóm nhạc nước ngoài, nhiều nhất là Hàn Quốc. Hoạt động của các fanclub cũng theo mô hình Hàn Quốc. Có thể 1 ca sĩ/nghệ sĩ có đến 1-2 hoặc nhiều fanclub khác nhau, nhưng hoạt động chung một công thức: fanclub có fanpage, đến khi thần tượng ra sản phẩm âm nhạc thì tổ chức mua, kèm cả các vật dụng kinh doanh của thần tượng (nếu có) như quạt in hình, usb in biểu tượng, gối in hình thần tượng… Đáng kể nhất là hoạt động cày view giúp thần tượng lên top view, top trending và có thể đi… chửi dạo trên fanpage ca sĩ/thần tượng khác ra sản phẩm cùng thời điểm, cũng như “săn” mấy khán giả lỡ lời chê bai thần tượng mình.
Tại một diễn đàn của những bà mẹ, mới đây, một phụ huynh đã kể lại câu chuyện của con mình, vốn thần tượng ca sĩ J., hiện đang đình đám, gây sự chú ý của nhiều người: “Con gái tôi 17 tuổi, mê điếu đổ ca sĩ J. đến mức nhịn ăn sáng mua hết các sản phẩm của cộng đồng fan ca sĩ này. Đến một ngày, cô giáo phản ánh, cháu hay trốn học vào toilet trường, dùng điện thoại di động liên tục, tôi bắt đầu lo lắng. Bắt chuyện với phụ huynh của bạn con mình, tôi mới hay cháu là một trong những admin fanpage đông thành viên nhất nhì của ca sĩ J. Thời gian rảnh rỗi, hay kể cả lúc đi học, cháu hay xem điện thoại để “lọc” comment xấu, xóa hoặc ẩn, rồi đi gây sự với người ta. Đến nước này, tôi cấm tiệt cháu online hay offline với nhóm bạn fanpage này, không cho dùng điện thoại và cấm hẳn chuyện chi tiêu vô tội vạ cho thần tượng”.
Fan cuồng hiện nay, độ tuổi trung bình chỉ từ 15-18 tuổi, còn đi học. Nhiều phụ huynh không hề biết con em mình cuồng thần tượng đến mức độ nào nếu không có sự cố xảy ra. Bọn trẻ sẵn sàng khóc lóc ôm chặt thần tượng, chôm tiền cha mẹ mua quà, mua sản phẩm cho thần tượng và cà khịa với bất cứ ai dám chê bai thần tượng mình. Fan cuồng giờ là một vùng cấm, không ai dám đụng vào vì sợ bị ảnh hưởng đến cuộc sống của mình. Đó là một thực tế rất đáng lo hiện nay!