Vùng biên gia cố “tấm khiên” chống dịch

Nước ta vừa qua hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng, nhưng vụ vượt biên trái phép của BN 1.440 đã khiến tình hình phòng chống dịch trở lại phức tạp. Kiểm soát biên giới, ngăn chặn nhập cảnh trái phép, hơn lúc nào hết là nhiệm vụ hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, nhằm đảm bảo cho người dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán an vui.

Tây Nam: Khép kín hành lang

Trên tuyến biên giới Tây Nam, tình hình xuất nhập cảnh trái phép vẫn diễn biến phức tạp. Tại An Giang, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh này đã xử lý 329 vụ với 767 đối tượng; điều tra, khởi tố 7 vụ với 8 đối tượng nhập cảnh trái phép.

Đại tá Nguyễn Thế Anh, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Kiên Giang, cho biết, đơn vị tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, tăng cường siết chặt người nhập cảnh trái phép.

Theo Đại tá Nguyễn Thế Anh, bên cạnh việc quán triệt và nhắc nhở các cán bộ chiến sĩ thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch, gian lận thương mại, đơn vị còn làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, rà soát đánh giá cán bộ chiến sĩ. Theo đó, cán bộ, chiến sĩ nào lơ là, mất cảnh giác hoặc có biểu hiện bảo kê, làm ngơ, tiếp tay cho hoạt động vi phạm pháp luật thì bị xử lý kỷ luật và điều chuyển công tác.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh do nhập cảnh trái phép, BĐBP tỉnh Kiên Giang tăng cường hết công suất, huy động quân số, vừa lập thêm 8 chốt, nâng tổng số lên 80 chốt đường bộ lẫn đường biển trên toàn tuyến biên giới của tỉnh, nhằm khép kín hành lang, chống xâm nhập trái phép.

Tại An Giang, với gần 100km tuyến biên giới đường bộ và nhiều đường mòn lối mở, Đại tá Nguyễn Thượng Lễ, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh An Giang, cho biết, đã tăng cường lực lượng, lập 136 chốt chặn ở các đường mòn lối mở, kênh rạch qua tuyến biên giới, kết hợp thực hiện nhiệm vụ kép vừa quản lý tuyến biên giới chống xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch Covid-19 và chống buôn lậu.

Tại Đồng Tháp, nơi có đường biên giới 50,5km và có hai cửa khẩu quốc tế là Thường Phước, huyện Hồng Ngự và Dinh Bà, huyện Tân Hồng, BĐBP tỉnh đã thành lập nhiều chốt để thực hiện nhiệm vụ, mỗi chốt 5-7 cán bộ, chiến sĩ gồm lực lượng biên phòng, công an, dân quân tự vệ ngày đêm túc trực 24/24 giờ để ngăn chặn tình trạng xâm nhập vào địa bàn.

Vùng biên gia cố “tấm khiên” chống dịch ảnh 1 Lực lượng Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh tuần tra kiểm soát nhằm ngăn chặn người nhập cảnh trái phép. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Miền Trung: Giăng lưới toàn tuyến

Tuyến biên giới các tỉnh miền Trung những ngày này cũng nóng với tình hình kiểm soát dịch bệnh. Đồn biên phòng Pù Nhi (BĐBP Thanh Hóa) đang triển khai lực lượng lập thêm chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 tại địa bàn bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát).

Tại Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo (huyện Quan Sơn), Thiếu tá Hà Văn Minh, Phó đồn trưởng cho biết, đồn đã thành lập 1 tổ lưu động và 6 chốt cố định phòng chống dịch Covid-19, gồm chốt tại bản Cha Khót, chốt mốc 328, 326, Tà Ngơn, Ché Lầu và 1 chốt tại địa bàn xã Sơn Thủy. Mỗi chốt bố trí 6 cán bộ chiến sĩ trực.

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình nhiệt độ khoảng 8 độ nhưng công tác bảo vệ biên giới, phòng chống dịch của Đồn biên phòng Cha Lo luôn nóng 24/24. Thượng tá Phan Thanh Bổng, Đồn trưởng Đồn biên phòng Cha Lo, cho biết: “Tuyến biên giới Cha Lo và cửa khẩu quốc tế Cha Lo cuối năm lượng người và xe qua lại rất đông vì hàng hóa thông quan trở lại theo hình thức đổi tài xế. Đồn biên phòng Cha Lo tiếp tục áp dụng các quy định nghiêm ngặt để phòng dịch Covid-19”.

Dọc tuyến biên giới Việt - Lào thuộc huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày này mưa lạnh tê tái nhưng các chốt chặn dã chiến dựng lên trên các tuyến đường mòn vẫn hoạt động nghiêm ngặt. Tại các chốt dã chiến thuộc địa bàn xã Hồng Bắc và Hồng Thượng có hàng chục chiến sĩ của Đồn biên phòng Nhâm túc trực.

Trao đổi với PV Báo SGGP, Thượng tá Nguyễn Ngọc Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Tĩnh, cho biết, BĐBP Hà Tĩnh đã thiết lập 25 tổ chốt phòng chống dịch với hơn 300 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, chốt chặn tại các đường mòn, lối mở dọc tuyến biên giới Hà Tĩnh giáp Lào, chiều dài khoảng 165km nhằm phát hiện, ngăn chặn tình trạng vượt biên, nhập cảnh trái phép từ Lào vào nội địa, trốn cách ly phòng dịch.

Tại Quảng Trị, khó khăn nhất chính là tình trạng vượt biên trái phép qua các đường tiểu ngạch từ Lào về Việt Nam sắp tới có chiều hướng gia tăng vì nhu cầu về quê ăn Tết Nguyên đán rất cao.

Tại cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam), Trung tá Đỗ Xuân Trinh, Đồn trưởng cửa khẩu Nam Giang, cho biết: “Hiện nay đồn duy trì 4 chốt tại mốc 723, 718, 716 và chốt tại cửa khẩu. Cửa khẩu Nam Giang có điểm đặc biệt là tại tỉnh Sê Kông, Lào có 1.200 công nhân thủy điện, người làm ăn buôn bán, Việt kiều muốn quay trở về. Có không ít người trốn cách ly bằng cách đi lối mòn. Chúng tôi đã bắt giữ 23 người vượt biên trái phép”.

Vùng biên gia cố “tấm khiên” chống dịch ảnh 2 Khai báo y tế tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn 
Biên giới phía Bắc: Vừa chốt chặn, vừa tuần tra

Theo ghi nhận của phóng viên, cuối năm, dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại một số cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn không sôi động sầm uất như mọi năm nhưng tình trạng người dân qua lại biên giới diễn ra khá phức tạp.

Tại tỉnh Lạng Sơn có trên 231km đường biên giới quốc gia tiếp giáp với Trung Quốc, địa hình đồi núi hiểm trở, phức tạp nên không ít đối tượng lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép. Trước tình hình này, BĐBP tỉnh Lạng Sơn cùng các lực lượng chức năng đã thiết lập hơn 150 lán trại, chốt chặn 24/24 giờ tại các đường mòn, lối tắt trên khu vực biên giới.

Đại tá Ninh Văn Hợp, Chỉ huy trưởng BĐBP Lạng Sơn, cho biết, đã chỉ đạo 11 đồn biên phòng triển khai tối đa lực lượng, phối hợp với dân quân, công an các xã, thị trấn biên giới, hải quan, kiểm dịch tổ chức thành lập các lán, chốt, tổ cơ động, ngăn chặn triệt để hoạt động xuất nhập cảnh trái phép qua lại các đường mòn, lối mở.

Vùng biên gia cố “tấm khiên” chống dịch ảnh 3 Tổ tuần tra đồn biên phòng Tân Thanh, Lạng Sơn tuần tra biên giới ngăn chặn người nhập cảnh
Tại Quảng Ninh, với đặc thù có cả tuyến biên giới trên bộ và trên biển nên tình trạng người xuất nhập cảnh trái phép diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. BĐBP tỉnh Quảng Ninh đã  thành lập và duy trì hơn 70 chốt cố định và 8 tổ cơ động với hàng trăm cán bộ chiến sĩ thường xuyên ứng trực 24/24 giờ trên các tuyến biên giới trọng điểm.
Còn tại tỉnh Cao Bằng, từ đầu năm đến nay, lực lượng biên phòng phối hợp với các cơ quan liên quan đã phát hiện, ngăn chặn hơn 8.300 người nhập cảnh trái phép qua đường mòn; phát hiện, đấu tranh, khởi tố 21 vụ với 36 đối tượng có hành vi môi giới, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép.

Kiểm soát chặt việc nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có Công điện 1838/CĐ-TTg về việc phòng, chống dịch Covid-19, trong đó yêu cầu thần tốc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân 1440 tại Vĩnh Long, kiểm soát chặt người nhập cảnh, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong phòng, chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản liên quan; kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, nhất là nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long khẩn trương chỉ đạo các ngành chức năng; phối hợp với các bộ: Y tế, Công an, Quốc phòng thực hiện các biện pháp thần tốc truy vết người tiếp xúc với bệnh nhân 1440, không để dịch lây lan ra cộng đồng.

Thủ tướng cũng yêu cầu mọi người dân Việt Nam thể hiện ý thức, tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến nghị của Bộ Y tế để đón kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 vui tươi, lành mạnh, an toàn, góp phần vào sự thành công các sự kiện trọng đại của đất nước trong năm 2021.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục