Vùng áp thấp suy yếu nhưng tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp

Chiều nay, 19-11, áp thấp nhiệt đới đã đi vào đất liền các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận và suy yếu dần thành vùng áp thấp.
Bão số 14 đã tan nhưng tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Ảnh: TT DBKTTVTƯ
Bão số 14 đã tan nhưng tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Ảnh: TT DBKTTVTƯ

Theo thông tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 16 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 107,8 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa to đến rất to.

Từ đêm nay (19-11), do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh mạnh nên vùng mưa lớn mở rộng về phía Bắc (đến khu vực Bắc Trung Bộ).

Tình hình mưa lũ, gió mạnh trên biển do không khí lạnh còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo mưa, lũ, không khí lạnh tiếp theo.

Cảnh báo: 
Từ đêm nay (19-11) đến 24-11, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Quảng Trị đến bắc Phú Yên lên mức BĐ2-BĐ3 và trên BĐ3; các sông ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, nam Phú Yên đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và lưu vực sông Đồng Nai lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2, trên các sông suối nhỏ lên trên BĐ3. 
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, khu đô thị các tỉnh trên, đặc biệt các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. 
Lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra trên hầu khắp các tỉnh thành trên. Đặc biệt khu vực vùng núi các tỉnh Thừa Thiên Huế đến Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng. 
Ngoài ra, hiện nay ở khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ hiện có nhiều hồ chứa xung yếu, nhiều hồ đã đầy nước, nguy cơ cao mất an toàn đối với các hồ chứa ở khu vực này. 
Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3
Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 14), ở Nha Trang (Khánh Hòa) và đảo Phú Quý (Bình Thuận) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Cam Ranh (Khánh Hòa) có gió giật mạnh cấp 6, Phan Rang (Ninh Thuận) giật cấp 7.
Ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận có mưa to 50-70mm, một số nơi có mưa lớn hơn như An Nhơn (Bình Định) 100mm, Quy Nhơn (Bình Định) 110mm, Tuy Hòa (Phú Yên) 80mm,…
***
Đêm 19-11 không khí lạnh ảnh hưởng đến hầu hết Bắc bộ và Bắc Trung bộ, nhiệt độ phổ biến chỉ còn 14-16°C (vùng núi cao còn dưới 10°C).
Từ ngày 20-11, có sóng không khí lạnh bổ sung gây rét tới tận Trung - Trung bộ còn ở Bắc bộ rét đậm. Đây là đợt không khí lạnh mạnh nên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường cập nhật thông tin để người dân chủ động phòng tránh, căn cứ tình hình thực tế chủ động cho học sinh nghỉ học; hướng dẫn người dân bảo vệ gia súc, vệ sinh chuồng trại, không chăn thả tự do; chỉ đạo và hướng dẫn việc chăm sóc cây vụ đông, cây ăn trái và các loại hoa cây cảnh. Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động hướng dẫn các địa phương biện pháp phòng chống phù hợp, đảm bảo an toàn cho người, sản xuất và vật nuôi.

Tin cùng chuyên mục