1. Hàng xóm nhà bên vừa có trận tranh cãi nảy lửa. Chị Phương là giáo viên, đi dạy học, dạy thêm suốt ngày. Anh Trung, chồng chị, giữ chân chạy hàng ở một công ty tư nhân, việc lúc nhiều, lúc ít. Cả hai tuy tồn tại sự chông chênh về trình độ học vấn nhưng họ từ tình yêu không thể tách rời mà quyết đến với nhau, vậy nên trong cuộc sống gia đình rất hiếm xảy ra chuyện vợ chồng lục đục.
Nhưng hôm nay, anh Trung không nhịn được cơn nóng giận tức thời, đã lao đến tát chị Phương một bạt tai. Anh lớn tiếng trách vợ là phụ nữ mà không chịu chăm sóc nhà cửa, việc gì cũng để chồng quán xuyến, có thái độ coi thường chồng không kiếm được nhiều tiền bằng, lại không tận tâm lo cho con nhỏ, chỉ biết lo làm việc rồi đi long nhong cả ngày ngoài đường...
Cuộc tranh cãi lớn tiếng nổ ra, không ai nhường ai. Lý giải chuyện đánh vợ với vị hàng xóm sang can ngăn, anh cho rằng lâu nay vợ đi làm suốt ngày, ôm đồm dạy thêm, dạy kèm, nên gần như giao hết việc nhà và con cái cho anh, trong khi anh cũng có công việc của mình. Chiều nay, đến giờ đón con, anh điện thoại cả chục cuộc cho chị mà không được. Đến lúc gọi liên lạc được mới hay, hôm nay chị Phương nghỉ dạy nên đi… gội đầu, làm móng, chuông điện thoại để chế độ im lặng nên không nghe.
Anh bảo, chuyện đưa đón con anh vẫn thường làm, nhưng hôm nay vì kẹt chạy việc nên muốn kêu vợ đi đón thằng nhỏ, nhưng vợ chỉ biết lo cho bản thân, không nghĩ gì đến gia đình. Trong lúc tranh cãi, chị Phương cũng lớn tiếng chỉ trích chồng không có bình quyền, thi thoảng người phụ nữ cũng phải được đi làm đẹp, thư giãn, không phải lúc nào phụ nữ cũng phải ôm bếp núc, chăm con cái và làm chồng thì phải sẻ chia, chị còn phải đi kiếm tiền để nuôi cả gia đình này...
Câu chuyện thật ra khá nhỏ, nhưng có lẽ vì lâu nay trong tâm người trong cuộc đã có một chút gợn lòng, lăn tăn về trách nhiệm gia đình, sự san sẻ công việc nhà, chuyện chăm con và kể cả sự hơn thua về nguồn thu nhập cá nhân. Nhưng, chính vì mỗi người cứ lặng im giữ trong lòng không nói ra, vậy nên khi sự ức chế đến một lúc quá tải, ắt bùng nổ. Cái tát của anh Trung không quá nặng tay, nhưng dấu ấn của sự rạn nứt chắc chắn sẽ còn lưu giữ mãi trong tâm trí của cả hai vợ chồng từ nay về sau.
2. Chuyện hàng xóm lục đục, vợ chồng anh Nhân chị Minh trong xóm đều nghe thấy. Anh Nhân lắc đầu nói với vợ: “Đánh vợ là sai rồi!”. Chị Minh tủm tỉm cười hỏi: “Lỡ như có lúc nào đó, anh kềm cơn giận không được, anh có đánh em không?”. Anh Nhân nhìn chị Minh từ tốn trả lời: “Có nhiều cách để nói chuyện, giải quyết, thu xếp việc nhà giữa hai vợ chồng, sao phải dùng tay chân. Vết thương ngoài da dễ chữa lành, vết sẹo hằn trong tâm thì khó xóa mờ được”.
Anh Nhân vốn là người ít nói, tánh hiền lành. Trừ lúc đi làm thì thôi, ở nhà, anh hay phụ vợ làm việc này việc kia, bất kể việc lớn hay nhỏ. Trong cuộc sống, cả anh và chị đều không phân định rõ việc trong gia đình là của anh hay của em. Anh làm công chức nhà nước, chị buôn bán quần áo. Kinh tế gia đình, hai bên nội ngoại, gần như chị quán xuyến hết.
Lương anh Nhân chỉ phụ hợ cho vợ một phần khiêm tốn. Ấy vậy mà chẳng bao giờ thấy chị càm ràm hay anh Nhân “tủi thân” vì lép vế kinh tế. Sự công bằng và bình đẳng thể hiện không đơn thuần là vài câu nói mà thấy rõ trong việc anh và chị cùng sẻ chia tất cả công việc lớn nhỏ trong cuộc sống. Lúc nào chị quá căng, anh sẽ im lặng, nhún nhường. Lúc nào anh nổi nóng, chị sẽ nhỏ tiếng giải thích. Hầu như tất cả mọi chuyện trong gia đình chị đều đưa ra bàn bạc với anh.
Hai vợ chồng sau khi thống nhất ý kiến thì cùng thực hiện, từ việc mua sắm vật gia dụng, xây sửa nhà cửa, quà cáp lễ nghĩa hai bên nội ngoại, đến chuyện chọn trường cho con, cách dạy hai con như thế nào cho phù hợp lứa tuổi. Dẫu vậy, có những vấn đề riêng của chị như việc buôn bán, cách ăn mặc, thú vui giải trí, hay việc chị thích mua sắm cho hai con, anh đặc biệt không xen vào, đơn giản vì anh muốn vợ vẫn luôn có một không gian riêng để xử lý công việc của bản thân mà không bị gò bó, tự do làm những việc chị thích.
Chính nhờ sự tôn trọng lẫn nhau, biết cách nương nhau, san sẻ với nhau không phân rõ ranh giới nam hay nữ, vợ hay chồng, vậy nên cuộc sống nhà anh Nhân luôn “dễ thở”, nhiều tiếng cười tươi vui. Dẫu có những giai đoạn khó khăn về kinh tế ví như lúc chị sinh con, chuyện buôn bán ế ẩm… song chưa bao giờ thấy anh chị lục đục.
Câu chuyện bình quyền và trách nhiệm trong gia đình ở thời nào cũng là vấn đề được nhiều cặp đôi dưới một mái nhà đem ra mổ xẻ trong các cuộc tranh luận. Thế nhưng, ngay trong cuộc sống thường nhật, nhiều người lại không hề chú ý và đề cao giá trị của vấn đề này. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc cãi vã, có khi không có hồi kết và hậu quả để lại là sự tổn thương về tinh thần, tình cảm không hề nhỏ cho người trong cuộc.
Hơn hết, việc vun vén cho một mái ấm gia đình ở thời nay rất cần sự chủ động từ phái mạnh, sự yêu thương và san sẻ cùng người bạn đời trong bất cứ công việc nào của gia đình sẽ luôn là điểm cộng cho cánh mày râu trong việc chiếm trọn trái tim yếu mềm nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ của các chị - những phụ nữ thời đại mới.