Người mang đến phép màu
“Con chào bà, con chào cô”, giọng bé gái lanh lảnh chào hỏi khi gặp người lớn rồi lại ùa ra chơi với đám bạn. Đó là bé Nguyễn Quỳnh Tiên, 5 tuổi (ngụ Khu phố 3, phường Tân Thới Nhất). Bé Tiên là một trong những đứa trẻ được bà Nguyễn Thị Trung Tuyết (80 tuổi; Tổ trưởng Tổ Dân số - Kế hoạch hóa gia đình kiêm Tổ trưởng Tổ tự quản xóa đói giảm nghèo phường Tân Thới Nhất) ôm hồ sơ đi xin mổ tim miễn phí.
Anh Nguyễn Văn Đại (ba của bé Tiên) cho biết, bé Tiên sinh ra đã bị bệnh tim bẩm sinh, nuôi hoài không lớn, người lúc nào cũng tím tái. Vợ chồng anh Đại làm công nhân may tại Khu công nghiệp Tân Bình, cố lắm cũng không xoay đủ hơn 100 triệu đồng mổ tim cho con nên đành ôm con về… trông chờ vào phép màu.
Thế rồi phép màu đến thật. Anh Đại kể: “Hồi đó, có người tới bảo sẽ mổ tim cho con tôi, hoàn toàn miễn phí. Tôi nửa mừng nửa ngờ. Rồi bà Tuyết tới nhà lấy hồ sơ, nửa tháng sau thì cháu được mổ tim thật, miễn phí thật. Không có bà Tuyết, không biết giờ này sức khỏe của cháu sẽ như thế nào”.
Sau phẫu thuật, Tiên lớn hẳn, hồng hào hơn, nhanh nhẹn hơn. Nhìn Tiên không thua kém bạn bè cùng trang lứa, bà Tuyết cười mãi. Bà bảo: “Mình già đi, nhìn đám trẻ lớn lên khỏe mạnh, còn gì vui bằng”. Ngoài Tiên, bà Trung Tuyết cũng giúp 3 cháu khác được mổ tim miễn phí.
Thời điểm biết thành phố có chương trình mổ tim miễn phí cho trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại Viện Tim TPHCM, bà lặn lội tới từng con hẻm, gõ cửa từng xóm trọ, để giúp các bé có cơ hội sống cùng trái tim khỏe mạnh.
Ở tổ 42, khu phố 3 có gia đình bà Nguyễn Thị Lệ Hồng (31/8 Phan Văn Hớn) toàn người bệnh. Nhà có 9 người thì 4 bệnh nan y và khiếm thị, 3 người còn lại vừa đi làm, vừa phải chăm người bệnh và nuôi 2 cháu nhỏ ăn học, vì thế mà kinh tế luôn thuộc diện… “nghèo bền vững”. “Tôi làm xóa đói giảm nghèo nhưng quả thực, có những gia đình không có cách nào giảm nghèo nổi, đành cố gắng xoay đầu này, chạy đầu kia để giúp họ bớt được phần nào hay phần đó”, bà Tuyết cho biết.
Ngày căn chòi của gia đình bà Hồng được tháo dỡ để cất nhà, bà Tuyết vui như bản thân có được căn nhà mới. Bởi để căn nhà tình thương đó lên hình lên dạng, bà cũng mất nhiều thời gian, công sức đi liên hệ các tổ chức, mạnh thường quân. Căn nhà hơn 40m2 ấy, gần 10 năm nay là nơi che nắng che mưa, bao bọc cả một gia đình bệnh tật.
Trả ơn cuộc đời
Phường Tân Thới Nhất nơi bà Tuyết công tác vốn là vùng ven TPHCM, nơi tập trung nhiều dân lao động. Bởi vậy mà nhiệm vụ giúp họ thoát nghèo cũng chẳng dễ dàng. Ở tuổi 80, khi con cháu đã trưởng thành và ổn định cuộc sống, bà Tuyết từ chối sự phụng dưỡng của con cháu, ra ở trọ một mình để toàn tâm toàn ý giúp người nghèo.
Bà Tuyết cho biết, bản thân sinh ra trong gia đình truyền thống cách mạng, cả tuổi thanh xuân của bà cũng dành để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Năm 1994 nghỉ hưu, bước chân ra khỏi cơ quan làm việc cũng là lúc bà bước chân vào công tác xã hội tại địa phương.
Bài hát "Cô gái Sài Gòn đi tải đạn" gắn bó với bà suốt những năm tháng trên chiến trường. Giữa tháng 6-2018, bài hát này lại vang lên trên sân khấu chương trình “Hát mãi ước mơ” do chính bà thể hiện, với ước vọng sẽ giành giải thưởng để tặng người bạn già Phạm Thị Ngọc Lan (ở trọ trên đường Trường Chinh, phường Tân Thới Nhất) phải cưa chân vì bệnh tiểu đường, đang sống nhờ sự cưu mang của hàng xóm. Hơn 15 triệu đồng từ giải thưởng không lớn nhưng tình cảm của bà Tuyết thì thật bao la. |
Ngoài các hoạt động chăm lo thường niên như tặng quà dịp lễ, tết; tặng học bổng; tặng bảo hiểm y tế; vận động xây nhà tình thương… bà Tuyết còn tìm hiểu nhiều chương trình, trực tiếp tham gia hoặc làm cầu nối giúp người nghèo ở nơi bà sinh sống.
Gần 30 năm bà Tuyết đi ngược đi xuôi vì người nghèo ở địa phương, hàng trăm gia đình đã và đang được bà tìm cách hỗ trợ. Nhiều gia đình thoát nghèo, nhiều căn bệnh được chữa trị kịp thời. Bà Tuyết xác định, với người nghèo phải đi đường dài, vì vậy mà hàng chục năm bà cũng vẫn gắn bó với họ, không bỏ ai giữa chừng.