Báo SGGP xin giới thiệu 2 gương điển hình là ông Nguyễn Trọng Xuất và Hòa thượng Thích Thanh Sơn.
Ghi dấu đóng góp của nhân sĩ, trí thức
Ở tuổi gần 90 nhưng ông Nguyễn Trọng Xuất, Phó Chủ nhiệm thường trực CLB Truyền thống kháng chiến TPHCM, vẫn còn minh mẫn, vẫn nhớ như in những ký ức của giới nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ ở Sài Gòn và miền Nam. Với những người kháng chiến cũ trong giai đoạn này, nhà báo Nguyễn Trọng Xuất còn là “kho tàng sống” lưu giữ nhiều tư liệu, nhân vật, hình ảnh quý có giá trị lịch sử ở các giai đoạn đấu tranh cách mạng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định ngay trong lòng địch.
Từ năm 2013-2018, ông là chủ biên 2 bộ sách Nhân sĩ Sài Gòn - Gia Định đồng hành cùng dân tộc giai đoạn 1930 - 1954 và giai đoạn 1954 - 1975. Cùng với bộ sách này là Kỷ yếu truyền thống Ban Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia định giai đoạn 1954 - 1975. Hai bộ sách quý là một công trình nghiên cứu và biên soạn công phu, nghiêm túc từ những tư liệu lịch sử về phong trào đấu tranh cách mạng của giới nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Hàng trăm bài viết có giá trị sử liệu của các tác giả vốn là người trong cuộc, là nhân chứng lịch sử đã gắn bó một phần đời mình, gia đình mình cho phong trào cách mạng của giới nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định.
Với vai trò là chủ biên, ông đã chủ động phối hợp cùng Ban Liên lạc Trí vận - Mặt trận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định và nhiều nhà sử học để tập hợp tư liệu, ghi chép, hiệu chỉnh các bài viết từ các tác giả, nhân chứng lịch sử để hoàn thành công trình. Đặc biệt, ông còn chủ trì nhóm nhiên cứu thực hiện sưu tập các tư liệu, bài viết trong thời kỳ Đảng Cộng sản lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc đi theo quỹ đạo cách mạng vô sản 1930-1945 và phong trào nhân sĩ, trí thức Sài Gòn - Gia Định từ khi hình thành đội ngũ, xây dựng lực lượng và phát triển phong trào liên tục cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Theo ông Nguyễn Trọng Xuất, trong 2 bộ sách có nhiều bằng chứng, sử liệu khẳng định đội ngũ trí thức Sài Gòn - Gia Định trong các thời kỳ đã nhiệt tình tham gia kháng chiến, không toan tính lợi ích, thiệt hơn. Tiềm thức của họ đi theo kháng chiến chính là cái danh dự của người kẻ sĩ. Người trí thức dù được đào tạo dưới chế độ phong kiến thực dân hay tư bản, nhưng họ lại là những người sớm thức thời tham gia kháng chiến rất nhiệt tình, thủy chung trước sau như một.
Đoàn kết, gắn bó giữa các tôn giáo
Hòa thượng Thích Thanh Sơn, nguyên Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận 1, được người dân nhiều nơi biết đến qua phòng khám, chữa bệnh miễn phí cho những người bệnh về xương khớp tại chùa Vạn Thọ từ năm 1980 đến nay.
Từ 20 năm qua, ngôi chùa Vạn Thọ tại số 247 Hoàng Sa, phường Tân Định (quận 1) còn là nơi gặp mặt, giao lưu chức sắc các tôn giáo trên địa bàn trong dịp Phật đản, Tết Nguyên đán hàng năm. Hòa thượng Thích Thanh Sơn kể lại, lần đầu họp mặt tại chùa này trong ngày Phật đản, cách nay hơn 20 năm rất đông người đến chùa dự. Đặc biệt hơn là có cả các linh mục, cha xứ, mục sư, chức việc Cao Đài và cả các tín đồ, giáo dân, tín hữu cùng tham dự. Ngày Phật đản mà các vị chức sắc Công giáo, Cao Đài, Tin Lành, rồi Ấn Độ giáo… đến chúc mừng làm cho các thầy và Phật tử trong chùa rất vui mừng. Cũng từ năm đó, cứ dịp Tết Nguyên đán, Hòa thượng Thích Thanh Sơn tổ chức họp mặt từ 8 giờ sáng đến gần 13 giờ.
“Trong ngày họp mặt do nhà chùa tổ chức, các linh mục, mục sư đều ăn chay hết, vui lắm. Qua năm sau, tới dịp lễ trọng, Giáng sinh của các tôn giáo trên địa bàn thì tôi tổ chức đoàn đến các nhà thờ, thánh thất giao lưu, chúc mừng. Có một anh là giáo dân nhà thờ Tân Định có vợ là Phật tử chùa này. Khi anh ấy mất, hơn 100 thầy, rồi Phật tử cùng đến nhà thờ dự Thánh lễ rửa tội. Xong lễ, vị linh mục cũng là bạn tôi rất vui nói: “Lần đầu tiên cử hành Thánh lễ trong nhà thờ lại có đồng thanh niệm Phật đó thầy”. Đấy, từ những chuyện đó mà các giáo dân, tín đồ, Phật tử càng thân thiết, hiểu biết, gắn bó nhau hơn. Qua đó, tạo được sự đoàn kết cùng nhau chăm lo, giúp đỡ được bao người nghèo khó trên địa bàn”, Hòa thượng Thích Thanh Sơn bày tỏ.
Cũng theo Hòa thượng Thích Thanh Sơn, trong các buổi gặp mặt, giao lưu hàng năm, nhiều ý kiến phát biểu của chức sắc các tôn giáo đã nói lên được những việc làm, cách thức tổ chức các hoạt động xã hội để mọi người học tập lẫn nhau. Các vấn đề về an sinh, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự… cũng được đưa ra. Không ít ý kiến hay, thiết thực của các vị chức sắc các tôn giáo trên từng địa bàn được phản ánh đến các cấp chính quyền giải quyết kịp thời. Qua đó, tạo được mối quan hệ gắn bó giữa lãnh đạo thành phố, quận 1 và các phường với chức sắc các tôn giáo trên địa bàn. Đồng thời, qua các buổi họp mặt đã phát huy được những giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, động viên đồng bào các tôn giáo tích cực tham gia xây dựng quận 1 ngày càng an toàn, văn minh, phát triển.
“Truyền thống của dân tộc trong con người trí thức không chỉ trong kháng chiến, mà còn đi theo dân tộc từ hàng trăm năm trước. Đội ngũ trí thức này mang trong mình một tinh thần yêu nước, danh dự của kẻ sĩ, chứ không màng gì đến lợi danh. Họ đi với dân tộc và tìm được lý tưởng để tôn thờ, tìm được lòng yêu nước, yêu người, yêu dân như là một chân lý. Gắn việc đi cùng dân tộc với sự phát hiện ra chân lý cuộc sống mà người trí thức luôn tôn thờ. Chính đó là động lực đẩy họ đi với dân tộc một cách thủy chung, gắn bó. Đấy là giá trị của bộ sách khi nói về phong trào nhân sĩ, trí thức đồng hành cùng dân tộc trong hai cuộc kháng chiến, cho chúng ta bài học trong hiện tại: Phải biết quý trọng nhân tài, biết sử dụng nhân tài, biết tôn trọng con người và vốn quý tinh thần nằm trong tâm khảm của người trí thức từ nhiều thế hệ nối tiếp nhau”. Ông NGUYỄN TRỌNG XUẤT |