TPHCM được biết đến là mảnh đất hào sảng, nghĩa tình. Nơi đây đã cưu mang, trợ sức nhiều mảnh đời khó khăn cũng như kết nối tinh thần đoàn kết trong nhân dân để thực hiện nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa.
Khơi sức dân chăm lo cho dân
Những ngày tháng 9, TPHCM xuất hiện nhiều cơn mưa lớn. Trong căn nhà cuối con hẻm nhỏ đường Tôn Đản (phường 8, quận 4, TPHCM), qua chiếc radio cũ, bà Võ Thị Vĩnh (82 tuổi, bị mù 2 mắt) lặng người khi nghe thông tin về cơn bão số 3. Lần tay thắp nén nhang lên bàn thờ, bà Vĩnh tâm sự với người chồng quá cố: “Ông an tâm, tôi và các con rất an toàn trong căn nhà mới này”.
Anh Võ Trường Giang, con trai bà Vĩnh, giải thích: “Mẹ tôi lúc nào cũng sợ nhà bị sập. Mưa như vầy thường là nhà ngập qua đầu gối, phía sau bị mục nát nên nguy cơ sập rất cao”. Anh Giang kể, khi căn nhà chưa được xây sửa lại, mỗi khi mưa, anh thường đưa bà Vĩnh qua tá túc nhà hàng xóm. Năm 2023, được sự hỗ trợ từ công trình “Xây dựng, sửa chữa 500 căn nhà tình thương” do Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM thực hiện kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), gia đình bà Vĩnh đã có thể an tâm ngủ ngon trong ngôi nhà của mình...
Cũng nhờ công trình này, các thành viên gia đình bà Lê Thị Hương (64 tuổi, ngụ phường 9, quận 10) hạnh phúc hơn bao giờ hết trong căn nhà mới khang trang, khi giấc mơ bao lâu nay đã thành sự thật.
Trên mảnh đất năng động, nghĩa tình TPHCM, nhiều công trình khởi phát từ trong nhân dân đã huy động được sự chung sức của người dân để chăm lo người khó khăn. “Gian hàng 0 đồng” của khu phố 11, phường Linh Tây (TP Thủ Đức) là một trong những việc làm ý nghĩa ấy.
Cầm bịch hàng nào gạo, mắm, nước tương và gói đường trên tay, ông Lê Văn Việt (khu phố 10, phường Linh Tây) xúc động cảm ơn rồi vội về nhà. Hai vợ chồng ông đã lớn tuổi, vợ ông lại bệnh nằm một chỗ nên gần như không có thu nhập, sống dựa vào khoản trợ cấp của nhà nước cùng sự đùm bọc của xóm giềng.
Do vậy mà “Gian hàng 0 đồng” của khu phố như “chiếc phao”, hàng tuần đều đặn xuất hiện hỗ trợ gia đình ông. “Mỗi tuần tôi đều đến nhận nhu yếu phẩm. Khu phố tổ chức gian hàng này, duy trì được mấy năm nay đã giúp đỡ rất nhiều những người khó khăn như tôi”, ông Lê Văn Việt tâm sự.
“Gian hàng 0 đồng” ở đây được vận hành từ đầu năm 2022, ban đầu để hỗ trợ người dân khó khăn thời điểm dịch Covid-19. Thấy gian hàng đã hỗ trợ được nhiều người khó khăn của khu phố 11, các khu phố xung quanh và nhiều người bán vé số, lượm ve chai nên cán bộ khu phố xoay xở duy trì.
Bà Điêu Nguyệt Hồng, Bí thư Chi bộ khu phố kiêm Trưởng Ban công tác Mặt trận khu phố 11, thông tin, gian hàng đều đặn mở cửa thứ bảy hàng tuần, mỗi dịp phục vụ 80-100 suất nhu yếu phẩm cho người khó khăn. Cũng có những lúc tưởng chừng “đứt gãy” nguồn hỗ trợ, bà lại xoay xở, tạm thời bỏ tiền túi để duy trì rồi tìm nguồn hỗ trợ khác. “Cán bộ mặt trận phải xông pha mọi mặt trận là như vậy. Hướng này khó thì tìm hướng khác, không vì khó khăn mà chùn bước”, bà Hồng bày tỏ.
Sự nỗ lực của bà Hồng, cán bộ khu phố và chung tay của cộng đồng đã giúp “Gian hàng 0 đồng” tiếp tục được duy trì, kịp thời hỗ trợ được nhiều người dân khó khăn.
Tình làng nghĩa xóm
Ngay sau chỉ đạo khẩn cấp của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên vào ngày 7-9, các cơ quan, đơn vị thành phố sẵn sàng mọi lực lượng, phương tiện hỗ trợ các địa phương phía Bắc bị ảnh hưởng cơn bão số 3. Và từ sự phát động của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nhiều cá nhân, tổ chức, ban ngành, đoàn thể đã hưởng ứng hỗ trợ kinh phí, hàng hóa, thông qua MTTQ thành phố, gửi đến bà con vùng bão lũ. Bên cạnh những phần hỗ trợ lớn, những phần tiền nhỏ, không ít con heo đất của người dân, học sinh vốn dĩ cuộc sống còn khó khăn cũng được mang đến để cùng tiếp sức đồng bào miền Bắc.
Đơn cử như hình ảnh ông Trần Tuấn Cầu (bán vé số dạo tại quận Bình Tân) trên chiếc xe lăn, đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM gửi 300.000 đồng nhờ chuyển đến đồng bào miền Bắc, sau cơn mưa chiều giữa tháng 9.
“TPHCM nghĩa tình đã cưu mang, gieo và nuôi lớn tinh thần đoàn kết trong các con tôi”, đó là nhận xét của một người mẹ quê - bà Trần Kim Ngọc (ngụ tỉnh Hậu Giang). Ngày gia đình con gái dắt tay nhau lên TPHCM lập nghiệp, bà Ngọc vừa mừng vừa lo. Mừng vì thấy con biết nghĩ tới tương lai, nhưng bà Ngọc lo nơi đất khách quê người, các con không có người thân san sẻ khó khăn, vui buồn.
Suy nghĩ ấy đã không còn, khi cuối năm 2023, nhân dịp lên thăm gia đình con gái (ở chung cư Giai Việt, quận 8, TPHCM), bà Ngọc được cùng con tham dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc do Ban Công tác Mặt trận chung cư tổ chức với nhiều hoạt động vui tươi và ý nghĩa. Dịp ấy, bà Ngọc thấy từ sự đoàn kết, chung sức cùng nhau mà người dân khu chung cư đã làm được nhiều công trình, hoạt động bảo vệ môi trường; tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư; chăm lo tốt người dân hoàn cảnh khó khăn…
Thông qua ngày hội, bà Ngọc hiểu về nơi con mình sinh sống, hiểu tình làng nghĩa xóm luôn gắn kết, giúp đỡ nhau khi khó khăn, hoạn nạn. Điều này giúp bà Ngọc an tâm khi con mình được sống ở thành phố đầy nghĩa tình.
Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trong 20 năm qua đã trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa, là cầu nối giữa tổ chức Đảng, chính quyền với các tầng lớp nhân dân tại TPHCM. Thông qua đó đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư; củng cố, tăng cường sự gắn kết tình làng, nghĩa xóm và phát huy sức mạnh đại đoàn kết của cộng đồng để thực hiện nhiều công trình, phần việc ý nghĩa.
Năm 2009, Quỹ “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc” được thành lập với tên Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu - Vì tuyến đầu Tổ quốc”. Qua 15 năm hoạt động, quỹ luôn nhận được sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức tôn giáo đồng hành, ủng hộ.
Qua đó, đã thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tổ chức nhiều đoàn đi thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa; tổ chức nhiều hoạt động hướng về biển đảo, như: tặng quà, tặng công trình “Thắp sáng vùng biên”, tặng “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”…