Đây là cơ hội để bà con cộng đồng giao lưu, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn, đặc biệt là đối với những người ít có điều kiện về Việt Nam ăn tết.
Riêng ở Đức, một trong số những nước có cộng đồng người Việt sinh sống đông nhất tại châu Âu, dịp Tết Nguyên đán năm nay, hầu hết các hội văn hóa người Việt ở Đức đều tổ chức đón xuân Kỷ Hợi. Từ nhiều năm qua, dù xa quê, nhưng những hoạt động truyền thống ngày tết luôn được người Việt Nam tại Đức gìn giữ và trân trọng. Ban tổ chức của từng hội chọn thời gian và hình thức tổ chức liên hoan văn nghệ đón mừng xuân 2019 tùy theo đặc thù riêng của từng vùng. Ở Berlin, không khí mua sắm đón tết đã rộn ràng từ nhiều ngày trước tết ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân. Nguồn hàng thực phẩm phong phú ở đây cũng đáp ứng phần nào nhu cầu mua sắm của rất nhiều bà con người Việt. Mặt hàng ưa chuộng nhất vẫn là bánh chưng, bánh tét cùng các loại bánh mứt truyền thống. Bánh chưng bày bán được gói và luộc theo quy chuẩn, có chứng nhận về an toàn thực phẩm nên bán rất chạy. Mỗi chiếc bánh chưng có giá trung bình khoảng 7 EUR, còn bánh tét có giá 9 EUR.
Tuy sống ở Berlin đã lâu, nhưng chị Hòa vẫn bồi hồi khi nhắc lại không khí đón tết ở quê nhà. Vì muốn con mình được biết đến tết Việt nên năm nào chị cũng chuẩn bị các món truyền thống như bánh chưng, củ kiệu, mứt, hạt dưa, mâm ngũ quả. Có năm chị còn tự tay làm dưa kiệu, có năm nhờ người thân từ Việt Nam mang sang. Còn gia đình chị Phương thì vẫn giữ thói quen gói bánh chưng cùng vài người bạn để giữ không khí tết Việt. Lá dong, gạo nếp và đậu xanh luôn được đặt từ trước. Sau khi cùng nhau gói, mỗi nhà đem 3-4 cái bánh để mang về luộc.
Ở Czech, không khí đón tết nhộn nhịp lần lượt được tổ chức ở nhiều tỉnh, thành phố như Praha, Plzen, Most, Usti, Ostrava… Tại Trung tâm thương mại Sapa ở Praha đã diễn ra chương trình “Chào Xuân Kỷ Hợi - 2019” và “Lễ hội Tết Nguyên đán Việt Nam và Carnival Czech - 2019”. Chương trình là dịp để người Việt và người dân Czech gặp gỡ, cùng thưởng thức các món ăn truyền thống ngày tết của Việt Nam và một số món ăn truyền thống của Czech, cũng như thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc do nghệ sĩ của hai nước thể hiện.
Không khí đón xuân lan tỏa đến nhiều địa phương có người Việt sinh sống ở Italy. Tại TP Bologna, sự kiện Gặp mặt đầu xuân mừng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi do Hiệp hội Italy - Việt Nam Nhịp cầu văn hóa tổ chức đã mang đến nhiều niềm vui cho những người con xa quê. Diễn ra trong không gian rất Việt Nam với câu đối đỏ, điệu múa lân, các tiết mục văn nghệ với trang phục dân tộc, các món ăn truyền thống như bánh chưng, nem, phở, sự kiện đã trở thành một buổi họp mặt thắm đượm tình quê hương.
Điểm đặc biệt là không chỉ có sự hiện diện đông đảo của người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Bologna, buổi Gặp mặt đầu xuân còn thu hút rất nhiều bạn bè, gia đình người Italy đến tham dự. Bà Lê Thị Bích Hường, Chủ tịch Hiệp hội Italy - Việt Nam Nhịp cầu văn hóa chia sẻ, không chỉ mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam tại Italy hiểu, gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa, hiệp hội còn muốn lan tỏa các giá trị Việt Nam đến đông đảo bạn bè Italy và quốc tế.