Vui như người Việt làm vườn

Phóng xe hàng trăm cây số, bay từ nước này sang nước khác, nhiều khi quà đặc biệt mang theo chỉ là một nhúm hạt giống, mấy gốc rau thơm, mà là giống quý. Đối với người Việt xa xứ, chỉ cần có một chậu đất nhỏ là đã tần tảo vun trồng. 

 

Hôm ấy, trong căn hộ khoảng 75m2, giá thuê 1.500 USD/tháng của một người bạn định cư tại Thụy Sĩ, tôi bất ngờ thấy một chậu sứ trồng khoai lang đỏ đang vươn dây ra ngoài ban công. 

Người Việt ở châu Âu có khá nhiều hội, nhóm làm vườn. Đã đồng hương còn đồng sở thích trồng trọt, còn gì vui bằng. Một người em họ của tôi mới sang định cư tại Hà Lan đã nhanh chóng kết được nhiều bạn mới ở Ý, Đức, Ba Lan, Pháp... Thỉnh thoảng nhận giấy báo có bưu phẩm, ra bưu điện lĩnh một gói hạt giống rau muống gửi từ Đức sang. Còn tôi, vốn lười nuôi trồng, thế mà vào mùa hè hay nhận được đề nghị “Có nuôi gà không anh cho? Ngại nuôi thì cho anh gửi nhờ một tháng được không? Cả đàn mái đang đẻ trứng, mắn lắm. Hè này về Việt Nam chơi, đang lo không khéo thối hết trứng”. 
Sang Berlin (Đức) chơi, thấy chỉ cần từ vườn của người Việt ra thẳng chợ Đồng Xuân thôi đã xanh ngắt, tươi rói như chợ ở làng quê rồi. Nhà nào kinh tế khá giả một chút đồng nghĩa với vườn rộng, ngô nếp trồng xen đậu, cà, ngải cứu, bầu bí leo giàn, dưa chuột đánh luống. Các chùa của người Việt ở đây cũng trồng rất nhiều ngô, mà là ngô nếp hạt trắng dẻo hẳn hoi. Nhiều mùa ngô sai bắp, bà con phật tử rủ nhau đến mua để quyên tiền làm từ thiện.

Chị Elodie Hà ở ngoại ô Paris kể có lần thầy giáo chủ nhiệm cũ biết học trò thích hoa phượng bèn gửi sang cho ít quả khô làm quà. Chị cắm những quả phượng khô này vào bình gốm trang trí trong nhà, hai quả tự tách hạt rơi ra. Tò mò, chị đem trồng thử, kết quả là trong ngôi vườn đầy cây trái Việt của chị tại Pháp có thêm cây phượng. Trong khu vườn này, mùa nào thức nấy, hè thì xanh mướt cải, muống, cúc, mồng tơi, su su, bầu, bí, dong giềng, gừng thậm chí cả củ ấu gai - món ăn vặt thời thơ ấu cơ hàn. Mùa đông thì có cây ăn quả trụ lại, cây lê ươm từ hạt giống mang từ Việt Nam sang đã cho mùa quả thứ ba, hồng ngâm cũng sắp được thu hoạch. Làm vườn không chỉ là sở thích, đem lại niềm vui, mà với chị Elodie Hà còn thêm ý nghĩa: Hành lý xếp cho con trai trở lại trường học sau kỳ nghỉ, bao giờ mẹ cũng gói ghém đủ hương vị món ăn vườn nhà.

Một góc vườn Việt của chị Hà tại Pháp
 Chỉ quanh chủ đề cây và hoa của người Việt xa xứ, lượm lặt cũng đã biết bao câu chuyện cảm động: một người gốc Việt sức khỏe không được tốt, muốn tặng lại những chậu quỳnh cho người khác chăm sóc. Dứt khoát phải là đồng hương đến đón hoa mới chịu, và càng quý nếu có chung ký ức cũng như cảm xúc về một thời hồi hộp thức chờ những bông quỳnh nở hương trên mái nhà cổ ở Hà Nội. Trên ban công các căn hộ đắt đỏ ở Vienne, Paris, Bern, Geneve, Lucern, Amsterdam... những đứa trẻ thuộc thế hệ thứ ba xa xứ háo hức hái cà chua, tía tô, kinh giới, ớt chỉ thiên ông bà và bố mẹ chồng, vừa ăn vừa thắc mắc sao có vị đậm đà hơn hẳn rau củ quả mua siêu thị. Và kỳ lạ thay, có khi chỉ là một góc vườn trước nhà lấm tấm hoa diếp cá, bụi chuối non cũng đủ khiến đôi chân tôi dừng lại, ngập ngừng bên thềm nhà người lạ ở một thị trấn nhỏ sát biên giới Anh và Scotland, lòng không khỏi tự hỏi “Có khi nào chủ nhà là người Việt?”.

Tin cùng chuyên mục