Tại diễn đàn, các chuyên gia nhận định, kinh tế Việt Nam quý 1-2024 tuy có những “điểm sáng”, nhưng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn. Tính chung quý 1-2024, cả nước có gần 60.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, nhưng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì nhiều hơn, lên đến gần 74.000 doanh nghiệp, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân một tháng có gần 25.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội, bức tranh hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp hiện vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Dẫn chứng, thống kê khảo sát riêng các doanh nghiệp ở Hà Nội cho thấy, có tới 52% doanh nghiệp đang lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng để sản xuất, 32% doanh nghiệp khó tiếp cận vốn và 9% doanh nghiệp lo ngại hình sự hóa trong hoạt động kinh tế.
Trong khi đó, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế nêu lên một nghịch lý đang diễn ra: Việt Nam đang tham gia 19 hiệp định thương mại tự do (FTA, việc thực thi FTA đã tạo động lực, mở rộng thị trường, cơ hội thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, tuy nhiên các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa khai thác hết các lợi thế này.
“Con số tăng trưởng xuất khẩu trong quý 1-2024 chủ yếu đến từ khối các doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp trong nước thì chiếm tỷ trọng rất nhỏ”, ông Anh nhận xét.
Theo các chuyên gia, bức tranh kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, điều này ảnh hưởng đến các đối tác thương mại lớn của Việt Nam và thách thức mục tiêu tăng trưởng chung trong năm nay. Do đó, cần phải có những động lực mới thực sự mạnh mẽ để “vực dậy sức khỏe” doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo ông Nguyễn Quang Huân, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thời kỳ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chỉ dựa vào vốn và tài nguyên thuần túy đã qua, giờ đây đòi hỏi cần phải có những động lực tăng trưởng mới. Các động lực đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip, công nghệ bán dẫn, hydrogen.
Ở khía cạnh quản lý, Nhà nước cần sớm rà soát và hoàn thiện thể chế, chính sách để khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các mô hình kinh doanh bền vững, các ngành công nghiệp mới và phát triển các ngành kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chủ động cập nhật, tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và cần phải xem đổi mới sáng tạo là đòi hỏi “sống còn” trong thời kỳ mới.