Tiêu tan những vườn hoa tết
Cả năm chăm bẵm chờ vụ tết, nhưng nay người làm vườn ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định lại khóc ròng khi hầu hết hoa tết bị lũ nhấn chìm, thiệt hại hàng tỷ đồng.
Con đường bê tông dọc theo các vựa hoa cúc Nghĩa Mỹ, Nghĩa Phương, Nghĩa Thương, Nghĩa Hiệp (huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) và các xóm làng dọc triền sông Vệ là hình ảnh những chậu hoa ngập chìm trong nước, người dân không buồn dọn. Thêm vào đó, nắng đột ngột sau lũ lại khiến những chậu hoa may mắn sống sót trở nên tàn úa, héo rũ.
Anh Tạ Hòa Hưng (xã Nghĩa Hiệp) cho biết, vụ hoa tết bắt đầu từ tháng 8 âm lịch, đến tháng Chạp thì xuất bán, mỗi chậu hoa giá sỉ 100.000 đồng/chậu. Nhưng giờ nắng nóng đột ngột khiến số hoa ngoi ngóp trong lũ lại bị chết úa. Còn bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch UBND huyện Tư Nghĩa, nói, hơn 215.500 chậu hoa cảnh chuẩn bị cho thị trường Tết Mậu Tuất ở Quảng Ngãi bị thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua, trong đó huyện Tư Nghĩa có số lượng hoa cảnh thiệt hại nặng nhất với 200.000 chậu. “Số ít chậu hoa kịp thời kê lên cao nên chỉ bị ngập nhẹ, có khả năng phát triển, bà con nông dân đang chăm bón để có thể kịp bán tết”, bà Lan nói.
Xã Phú Mậu ở cuối nguồn sông Hương thuộc huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) là vựa hoa xuân của miền Trung. Người dân nơi đây còn trồng thử nghiệm thành công nhiều loài hoa xứ lạnh, cứ vào trung tuần tháng Chạp, thương lái từ khắp nơi đổ về mua hoa tươi các loại mang ra Bắc vào Nam phục vụ thị trường tết. Nhưng hiện tại, nước lũ đã nhấm chìm hầu như toàn bộ những diện tích trồng hoa. Người dân cho biết nước lũ về quá nhanh, trở tay không kịp. Ông Lê Vân, ở thôn Vọng Trì, xã Phú Mậu, cho hay: “Ở đây phần lớn trồng cúc bán tết. Hầu như gia đình nào cũng trông chờ vào vườn hoa. Mưa lũ khiến hoa trồng trong chậu và ngoài vườn đều bị ngập và hư sạch”.
Gắng gượng khôi phục
Song song việc tiêu úng, dùng bình phun xịt, tẩy rửa bùn trên lá và thân cây, bơm thuốc kích thích rễ để cây có thể phát triển trở lại, người dân trồng hoa ở miền Trung còn tích cực chuyển đổi sang trồng các loại hoa ngắn ngày cho kịp tết.
Ông Nguyễn Hoa, ở khối phố An Mỹ, phường Cẩm Châu, TP Hội An cho biết: “Vạn thọ có thời gian sinh trưởng ngắn hơn cúc đại đóa. Bây giờ tôi bắt buộc phải thay thế toàn bộ số chậu cúc bị hỏng sang trồng vạn thọ, dù loại hoa này đem lại thu nhập không cao”.
Ông Trần Vãng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mậu thông tin, lũ chồng lũ gây thiệt hại nặng nề đối với 30ha rau màu và 10ha hoa trồng vụ tết của gần 120 hộ dân, ước tính thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng. Nhiều hộ dân trồng hoa tết 2 lần đều bị lũ nhấn chìm, trở thành trắng tay, có nguy cơ tái nghèo. Xã đang động viên người dân khắc phục hậu quả lũ lụt, nhổ bỏ số hoa màu bị hư hại để tiếp tục trồng lại vụ mới. “Tùy theo mức độ ngập, loại hoa mà sử dụng phân thuốc cho phù hợp…”, ông Trần Vãng nói.
Không riêng gì hoa tết, người làm vườn ở những vùng chuyên canh rau màu ở miền Trung những ngày này cũng đang chạy đua với thời gian để khôi phục sản xuất. Tại Bình Dương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), mọi người đang ươm khoảng 150ha ớt giống trong nhà lồng bằng ni lông để hạn chế mưa gió. Bà Phan Thị Mỹ (xã Bình Dương) cho biết, vừa xuống giống ớt gặp ngay đợt mưa lũ kéo dài, khiến ớt bị úng, hư hại hết cả. Tôi ươm lại cây giống mới, chờ khoảng chục ngày nữa, ruộng ráo nước thì sẽ trồng lại.
Tương tự, bà con xã viên HTX Quảng Thọ 2 (Thừa Thiên - Huế) tập trung nhiều giải pháp khắc phục 30ha rau màu bị hư hỏng bằng việc khơi thông dòng chảy, tiêu nước triệt để trên mặt ruộng. Cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Quảng Điền trực tiếp hướng dẫn bà con sử dụng phân hữu cơ kết hợp phun thuốc chống nấm bệnh, kích thích cây phát triển. Các vựa rau còn lại ở miền Trung bị ngập lụt, người dân tranh thủ sản xuất ngay từ khi chân ruộng chưa thoát được nước bằng cách gieo trong bầu, vườn ươm. Khi nước rút tiến hành làm đất, vượt luống cao và trồng ngay ra ruộng.