Nơm nớp lo vỡ đập
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, địa phương hiện có 165 hồ chứa thủy lợi với 585 triệu m3 nước, phục vụ cho 67.600ha cây trồng. Tuy nhiên, đa số các hồ chứa đều cũ và xuống cấp. Hàng năm, các địa phương chỉ biết gia cố, chắp vá tạm bợ để cầm cự. Cứ đến mùa mưa lũ, người dân vùng hạ du Bình Định lại sống trong nơm nớp nỗi lo vỡ đập.
Ông Nguyễn Hữu Vui, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết, hiện Bình Định vẫn còn 26 hồ chứa, đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Nghiêm trọng nhất là hồ chứa Suối Mây (huyện Vân Canh), hiện địa phương không dám tích nước vì nguy cơ mất an toàn rất cao.
Các hồ chứa khác, như: Hố Trạnh, Hóc Hảo, Nhà Hố, Hóc Cau, Cây Thích, Hóc Quăn đều hạn chế tiếp nhận nước do hư hỏng quá nặng. Cả 26 hồ chứa này đều không có khả năng điều tiết lũ.
Theo lý giải của ngành chức năng Bình Định, tình trạng hàng loạt hồ chứa xuống cấp là do xây dựng đã trên 40 năm; phương thức xây dựng, thiết kế lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện khí hậu hiện nay.
Trong khi đó, kinh phí khắc phục rất cao, ở tầm địa phương không thể lo liệu được. Đáng báo động là năng lực quản lý hồ đập ở các đơn vị, địa phương rất yếu kém, không đủ khả năng để điều hành, vận hành các hồ đập.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, cho biết, hiện cả 10 hồ chứa ở huyện đều bị hư hỏng, xuống cấp. Trong đó, có 3 hồ chứa bị hư hỏng nặng là: hồ Hố Trạnh (xã Mỹ Chánh), hồ Núi Miếu (Mỹ Lợi), hồ An Tường (Mỹ Lộc).
Nghiêm trọng nhất là hồ Hố Trạnh, cống lấy nước bị bong tróc, thối mạch hồ, cầu công tác hỏng nặng, tràn xả lũ gãy sụp hoàn toàn, đập đất nứt dọc trên mặt, thấm nước; mái thượng, hạ lưu đập bị xói mòn, sạt lở đất, khoét sâu vào thân đập…
Muôn cách sống cùng lũ
Ngay trong đợt lũ đang diễn ra tại các tỉnh Bắc miền Trung, nhiều mô hình chống lũ ở các tỉnh Nam Trung bộ đang phát huy hiệu quả, như: nhà phao, xây nhà kết hợp hệ thống chống lũ; sử dụng địa hình núi cao, hang đá để chủ động đưa gia súc, gia cầm trú ẩn…
Tại Quảng Ngãi, Bình Định, dù chưa vào chính vụ mưa lũ, nhưng người dân đã bày ra “muôn hình vạn trạng” phương cách chống lũ từ truyền thống đến hiện đại.
Nhiều năm qua, ở vùng rốn lũ hạ du sông Vệ, người dân tại huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) đã chống lũ rất hiệu quả nhờ mô hình nhà chống lũ. Theo báo cáo của UBND xã Hành Thiện (huyện Nghĩa Hành), hiện có 100 hộ dân được xây dựng nhà chống lũ theo diện hộ nghèo.
Bà Nguyễn Thị Xuân Tâm (xã Hành Thiện) nói: “Năm 2016, Nhà nước hỗ trợ cho gia đình tôi 20 triệu đồng, vay thêm vốn hộ nghèo 15 triệu đồng, tui cất được ngôi nhà chống lũ. Nhờ vậy, vài năm trở lại đây, gia đình tôi sống bám trụ yên ổn bên sông Vệ này”.
Người dân ở xã Tịnh Long (TP Quảng Ngãi) đang tận dụng những khoảng đồi tươi tốt trên lưng núi Đầu Voi và núi Ngang để trồng rau màu, thức ăn cho gia súc vào mùa lũ.
Những cây rau màu sống tốt sau mưa lũ, không bị ngập úng, đem lại thu nhập khá cao cho người dân vào mùa lũ. Ông Đặng Tấn Thời (thôn An Đạo, xã Tịnh Long) cho biết: “Tui có 7 sào rau màu trên đất núi, mỗi năm sau mưa lũ, thu nhập từ rau xanh 15 - 20 triệu đồng/ sào”.
Tương tự, ở vùng “rốn lũ” Bình Định, người dân chi hàng chục triệu đồng xây nhà chống lũ cho gia súc, gia cầm. Tại vùng lũ xã Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn, Bình Định), nhiều ngôi nhà cho bò, heo rất khang trang, ở gò đất cao.
Còn ở Cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định), giữa đầm Thị Nại, người dân vẫn giữ cách chống lũ truyền thống là sử dụng các lu cỡ lớn để tích trữ nước ngọt, ngăn mặn trong mùa lũ, thay vì thùng nhựa hoặc inox…