Là một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trinh thám có chứa nhiều yếu tố khoa học kỹ thuật, nghệ thuật và tôn giáo, Dan Brown nổi lên thành một hiện tượng chấn động làng sách văn học thế giới với tác phẩm Mật mã Da Vinci (The Da Vinci Code) xuất bản năm 2003.
Với việc lồng ghép khéo léo các chi tiết nghệ thuật, các vấn đề của lịch sử tôn giáo, cuốn tiểu thuyết này đã trở thành tác phẩm ăn khách nhất trên hầu hết các bảng xếp hạng sách thế giới. Cuốn sách cũng gây tranh cãi khắp thế giới về những chi tiết tôn giáo mà nó đề cập.
Trong tiểu thuyết Origin, Langdon khám phá các biểu tượng tại Tây Ban Nha, một quốc gia giàu tính lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo. Có một điểm khác biệt lớn là ở 4 tác phẩm trước (Thiên thần và ác quỷ, Mật mã Da Vinci, Biểu tượng thất truyền, Hỏa ngục), GS Langdon đều tiếp xúc, giải nghĩa các biểu tượng trong nghệ thuật và tôn giáo cổ điển. Nhưng ở Origin, nhân vật sẽ bước vào cuộc phiêu lưu trong hành trình giải mã nghệ thuật hiện đại với bối cảnh là bảo tàng Guggenheim Bilbao, bảo tàng nghệ thuật hiện đại và đương đại của Tây Ban Nha.
Với Origin, theo Dan Brown thì mâu thuẫn giữa khoa học và tôn giáo vẫn là trục chính của cốt truyện. Ông đã phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến nội dung sách trước khi bắt tay vào viết tiểu thuyết.
Dan Brown cho biết: “Khi tôi quyết định sẽ viết về sự tiến hóa, sự sáng tạo và trí tuệ nhân tạo, tôi đã dành gần 6 tháng để đọc những cuốn sách phi hư cấu, và đưa ra những câu hỏi mà tôi muốn biết. Sau đó tôi chuyển sang giai đoạn nói chuyện với các nhà khoa học, các nhà quản lý nghệ thuật hiện đại, các giáo sĩ tôn giáo và dành thời gian ở Tây Ban Nha”.
Tuy được đánh giá rất cao về việc khéo léo lồng ghép các yếu tố khoa học, biểu tượng, tôn giáo, lịch sử… vào các tác phẩm của mình nhưng Dan Brown lại bị đánh giá thấp ở phương diện trinh thám dù rằng tất cả các tác phẩm của ông đều thuộc dạng tiểu thuyết trinh thám.
Các nhà phê bình và cả bạn đọc đều cho rằng các tác phẩm của ông giống nhau trong việc xây dựng nhân vật phản diện trung tâm nên chỉ cần đọc 1 cuốn là ở những cuốn khác sẽ rất dễ đoán đâu là kẻ phạm tội cuối cùng.
Ngay sau khi sách ra mắt, nhiều bạn đọc đã đọc tác phẩm và đây là trích đoạn một điểm nhấn trong sách mà bạn đọc Nam Air lược dịch:
“Đừng nhầm lẫn giữa khuôn mẫu (pattern) và mã (code), khuôn mẫu xuất hiện trong tự nhiên, ví dụ nhụy hoa hướng dương xếp theo hình vòng xoáy, tổ ong hình lục giác xếp đều đặn liên tục, ở khắp trái đất này, nói chung ta nhìn đâu cũng có thể thấy khuôn mẫu, vì tự nhiên không thiếu khuôn mẫu.
Phần mã thì không như vậy, mã là một cái gì đó chứa thông tin, mã không đơn giản là tuân theo một cái khuôn nào đó, ví dụ ngôn ngữ cũng là một dạng mã, ký hiệu toán học là một dạng mã, hoặc đơn giản như cây thánh giá, chỉ là 1 dấu thập, nhưng nó chứa rất rất nhiều thông tin trong đó.
Khác biệt giữa mã và khuôn mẫu là khuôn mẫu thì có thể xuất hiện trong tự nhiên, còn mã thì không tự nhiên mà có, phải có ai đó tạo ra, không có chuyện tự dưng trên cát xuất hiện dòng chữ hoặc số nào đó.
Vậy còn DNA thì sao? Nó vừa là một khuôn mẫu, nhưng nó lại là một dạng mã, nó chứa thông tin để sinh ra một thế hệ tiếp theo, vậy ai tạo ra DNA?"