Dỡ bỏ hầu hết biện pháp
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ dự kiến ban hành nhiều hướng dẫn mới trong phòng chống dịch vào cuối tháng 2 hoặc đầu tháng 3, cùng thời điểm các quy định về khẩu trang ở một số bang được dỡ bỏ.
Trước đó, một vài bang của Mỹ như New Jersey, New York, California, Connecticut, Delaware và Oregon thông báo dỡ bỏ các quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại trường học và các địa điểm công cộng trong những tuần tới, khi số ca mắc biến thể Omicron dần thuyên giảm.
Nhiều nước châu Âu như Áo, Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ đã thông báo dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 như bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang và yêu cầu các giấy chứng nhận liên quan đến Covid-19 tại các cửa hàng, nhà hàng, địa điểm văn hóa, nơi công cộng và tại các sự kiện. Quy định đeo khẩu trang tại nơi làm việc và khuyến nghị làm việc từ xa cũng được dỡ bỏ. Đức - một trong số các nước áp đặt những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt nhất châu Âu - cũng sẽ dỡ bỏ hầu hết biện pháp hạn chế phòng dịch theo lộ trình 3 bước trong thời gian tới.
Ngày 17-2, Ủy ban chống Covid-19 của Israel quyết định dỡ bỏ dần các biện pháp hạn chế và giai đoạn đầu tiên có thể được áp dụng ngay tuần tới, bao gồm mở cửa đối với du khách nước ngoài, kể cả trẻ em - đối tượng hiện vẫn chưa được cấp phép nhập cảnh do vướng các quy định về tiêm vaccine. Sau đó, Israel cũng sẽ dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế từ ngày 1-3, trong đó có các biện pháp hạn chế theo “thẻ Xanh” (Green Pass).
Rủi ro về tài chính gia tăng
Tại châu Á, làn sóng lây nhiễm thứ 6 của dịch Covid-19 ở Nhật Bản đang lắng dịu dần sau khi đã chạm đỉnh vào đầu tháng 2-2022. Ấn Độ cũng đang thoát khỏi làn sóng dịch thứ ba và kinh tế trên đà phục hồi mạnh mẽ. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) nhận định, nền kinh tế Ấn Độ đang đạt được đà phát triển khi thoát ra khỏi làn sóng Covid-19 thứ ba ít tai hại hơn so với kịch bản kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo, trong làn sóng dịch lần này, việc lập kế hoạch và chiến lược tốt hơn cũng như việc quản lý logistics trong chuỗi cung ứng hiệu quả hơn, bên cạnh việc tăng tốc quá trình số hóa đã giúp các công ty giảm thiểu tác động của đợt dịch thứ ba.
Tuy nhiên, phục hồi kinh tế vẫn còn nhiều thách thức. Trong báo cáo vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo các nước đang phát triển đối mặt với rủi ro ngày càng gia tăng về tài chính do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và các khoản nợ không minh bạch.
Theo WB, rủi ro đó đối với các nước đang phát triển là khủng hoảng lạm phát và lãi suất tăng cao sẽ lan rộng do tài chính không ổn định. Báo cáo của WB cũng cho thấy 46% doanh nghiệp được khảo sát ở các nước đang phát triển có khả năng lâm vào tình trạng nợ đọng; đồng thời cảnh báo rằng các khoản nợ không thể trả có thể tăng mạnh và nợ tư nhân có thể nhanh chóng trở thành nợ công khi các chính phủ đưa ra gói hỗ trợ.
Dự kiến, tại cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20 vào (17 và 18-2) tại Jakarta, Indonesia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ hối thúc những người đồng cấp trong nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) phối hợp tìm giải pháp nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 ở các nước đang phát triển, đảm bảo các nước này có được các nguồn lực cần thiết để phục hồi.