“Điểm danh” các loài chim ở Bạch Mã
Dẫn chúng tôi khám phá Vườn quốc gia Bạch Mã, trước lúc trổ tài gọi chim trời, anh Trương Cảm lần lượt giới thiệu hàng trăm cây rừng và cỏ dại là các dược thảo quý, có nhiều công dụng. Bất chợt, anh đưa đôi bàn tay úp vào miệng, giả giọng chim hót khi thấy chú chim bay ngang qua. Tiếng hót từ miệng anh Cảm cất lên lúc bổng lúc trầm, lúc rộn ràng lúc lạc lõng giữa rừng xanh. Hót một hồi, anh dừng lại nghe ngóng và ra dấu mọi người trong đoàn im lặng. Chưa đầy 3 phút, tiếng hót đáp trả của đàn khướu vỗ cánh tụ tập về trên tán cây ríu rít khu rừng già.
Giữa thiên nhiên hùng vĩ, “dàn giao hưởng” chim hót, vượn hú đan xen cùng tiếng rì rầm của nước trong, tiếng lá cây xào xạc sau những âm thanh phát ra từ Trương Cảm. Ngồi bên vách đá ở Hải Vọng Đài- nơi cao nhất Bạch Mã, anh Trương Cảm hót và lần lượt gọi về nhiều loài chim khác nhau từ cu cu, cuốc, bìm bịp... Không những gọi được chim, anh Cảm còn hiểu rõ tập tính của từng loài, như loài tu hú, bìm bịp. Ngay như chim “bắt cô trói cột" rất ma mãnh khi chúng đẻ mà không làm tổ, dũng mãnh và có tính cộng đồng cao là chim chơrao (còn gọi là chèo bẻo), chim “đa thê” nhất là trĩ, hay loài khướu lại rất chung tình… cũng đều nghe lời anh.
Anh Cảm chia sẻ: “Chỉ riêng một giống chim đã có đến hàng chục giọng hót khác nhau, như tiếng chim đực, chim cái, tiếng gọi bầy đi ăn, tiếng báo kẻ địch, tiếng gọi tình nhân. Tiếng hót mỗi loài chim thay đổi trong từng hoàn cảnh nhất định. Chim gọi nhau đi ăn thường gấp gáp, nhanh, kéo dài từng quãng. Khi có kẻ địch, tiếng chim trở nên thất thanh, kêu theo từng nhóm, vừa kêu vừa bay nháo nhác nhằm báo cho đồng loại biết”.
Anh cũng không ngần ngại bật mí về kỹ nghệ gọi chim: “Có thể dùng hai bàn tay vỗ mạnh vào nhau theo nhịp đều, khi đó chim sẽ hót bởi tưởng có chim nơi khác đến giương oai, thách thức. Cách này chỉ áp dụng đối với chim cu gáy. Hay để hót được tiếng chim như thật, ngoài việc điều chỉnh được âm lượng của giọng, người tập hót phải có đam mê thực sự và kiên trì. Đồng thời, phải tìm hiểu kỹ tập tục sinh hoạt của từng loài chim, chú ý lắng nghe và tập hót theo từng loài chim”.
Bảo vệ rừng nhờ tiếng chim
Quê anh Trương Cảm ở làng Phú Thạch, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế. Cả làng anh đều là thợ rừng, hàng trăm gia đình đều sống nhờ vào cây cối, chim muông ở rừng Bạch Mã. 14 tuổi, Trương Cảm theo chân những người lớn trong làng vào rừng mưu sinh. Do từ nhỏ đã vào rừng làm rẫy, thân thuộc với cuộc sống các loài nơi hoang dã, anh rất mê ngồi dưới tán rừng để nghe chim hót, nghe đến mức nghiện luôn tiếng chim. Dần dần anh tự học cách hót của các loài chim.
“Nhiều hôm mải nằm nghe chim hót quên cả việc kiếm củi, đến lúc mọi người đầy gánh ra về mình vẫn chưa có một cây củi, may mà bạn bè thương tình góp củi cho” - anh Cảm cười và cho biết mình có thể hót theo như chim, có thể “điểm danh” 200 loài chim qua tiếng hót.
Như duyên tiền định, vào năm 1988, lần đầu Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã thế giới vào Huế tìm hỏi chuyện chim trĩ sao. Ông Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã đưa đoàn đến gặp Trương Cảm. Anh nói rành rọt về loài chim trĩ sao khiến cả đoàn khách ngạc nhiên, khen nức nở. Sau cuộc gặp đó, ông Kéo mời anh về làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Điều trớ trêu, những ngày đầu khoác trên mình sắc phục kiểm lâm đi truy quét lâm tặc, những người bị anh bắt đều là bạn bè, người làng, người trong họ hàng thân thích… Nhiều người đã không tiếc lời nhiếc mắng anh, nguyền rủa anh, nhưng rồi mọi người cũng dần hiểu ra.
Trở thành cán bộ kiểm lâm, Trương Cảm được tham dự nhiều cuộc hội thảo, được tập huấn nhiều kỹ năng về bảo vệ thiên nhiên. Năm 1993, anh được cơ quan cho đi học đại học tại chức ở Trường Đại học Nông nghiệp Huế. Với đề tài “Sự phân bố và phát triển loài trĩ sao ở Vườn Quốc gia Bạch Mã”, luận văn tốt nghiệp của anh đã được các giảng viên hướng dẫn lẫn phản biện đánh giá cao và thống nhất cho điểm 10/10. Rồi anh lại giành được suất học bổng đến vùng Nor Pas De Pais (Pháp) để nghiên cứu về các loài chim. Tại đây, anh có điều kiện tiếp cận và nghiên cứu sâu hơn âm vực của các loài chim rừng.
Kết thúc chuyến xuất ngoại ấy, hành lý mang về của Cảm không gì khác ngoài đống sách chuyên về đời sống sinh tồn của các loài chim và thảm thực vật...
Nhiều năm qua Trương Cảm đã theo dõi, bảo vệ nhiều loài chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã, nhờ chim làm “gián điệp” báo tin về tình hình khu rừng… Tất cả nhờ vào biệt tài “có một không hai” của anh là: “Nói” được ngôn ngữ của hơn 200 loài chim.