Phiên bản Việt của bộ phim xoay quanh câu chuyện về gia đình ông Đạt – chủ tiệm bánh Thành Đạt nổi tiếng. Ông Đạt có vợ là Ngọc Khuê, con dâu duy nhất của bà Ngà. Cả hai lần sinh nở, bà Khuê đều sinh hai cô con gái: Thụy Kha (chị hai) và Thụy Minh (cô em thứ).
Bị mẹ chồng lẫn chồng tỏ ra chán nản thất vọng, tin lời “tiên tri” của thầy bói rằng mình không thể có con trai cùng chồng, sợ mất đi gia tài kếch xù nên Ngọc Khuê ngủ với ông Tài, bạn thân đồng thời là phụ tá của ông Đạt để mong kiếm được đứa con trai.
Trước đó không lâu, ông Đạt, trong một đêm mưa gió buồn phiền say rượu đã vượt quá giới hạn với Dung - cô y tá đang ở nhờ nhà họ. Dung sinh ra cậu con trai Phạm Hữu Nguyện thì ngay sau đó vài tháng Ngọc Khuê cũng sinh ra Gia Bảo. Bị Ngọc Khuê và ông Tài truy đuổi, Dung ôm con trốn đi.
12 năm sau, cũng vì bị ông Tài đe dọa, bà Dung đưa Hữu Nguyện đến nhận cha. Tuy nhiên, ngay sau đó, bà Dung mất tích. Nguyện bỏ nhà đi tìm mẹ và Vinh Chong Chóng - người mà Hữu Nguyện nhìn thấy đã bắt cóc mẹ mình.
Thêm 12 năm nữa trôi qua. Hữu Nguyện thành 1 chàng trai trưởng thành đã lưu lạc khắp nơi mà vẫn chưa tìm được mẹ. Như một định mệnh,cậu ấy trở thành học trò thầy Phan - thầy dạy cũ của ông Đạt cha mình, đồng thời học chung Gia Bảo, người em mang tiếng cùng cha khác mẹ.
Từ đây câu chuyện tập trung vào những cuộc đối đầu quyết liệt giữa 2 anh em trong nghề bánh, cũng như trong mối tình với cô bạn cũ xinh đẹp Lan Anh. Đồng thời là cuộc đấu tóe lửa của những bậc cha mẹ đầy hận thù, tham vọng trong lòng.
Trả lời cho câu hỏi vì sao lại quyết định nhận lời Việt hóa dự án đình đám này, đạo diễn, NSUT Nguyễn Phương Điền chia sẻ: “Theo tôi, việc Việt hóa không nên quá đặt nặng hay chạy theo kịch bản gốc. Lý do đơn giản vì mỗi nền văn hóa có sự khác biệt. Khi mình mua về, nhất thiết phải làm lại theo văn hóa Việt, do diễn viên Việt đảm nhận, nói ngôn ngữ Việt và có bối cảnh Việt Nam. Bản thân câu chuyện gốc cũng phải được xử lý theo tình cảm của người Việt. Đó là nguyên tắc bất di bất dịch”.
Anh cũng cho biết, trước khi bấm máy đã có sự trao đổi rất kỹ lưỡng và chi tiết, thực hiện bộ phim trên tinh thần tôn trọng phiên bản gốc nhưng không bê y nguyên nó khi thực hiện phiên bản Việt.
“Mỗi nền văn hóa có sự khác biệt. Họ làm theo văn hóa Hàn. Còn khi mua về, mình làm theo văn hóa Việt” – đạo diễn Phương Điền chia sẻ về phương châm khi thực hiện bộ phim.
Đảm nhận các vai diễn trong Vua bánh mì phiên bản Việt là dàn diễn viên nhiều thế hệ.
Tuyến nhân vật chính Hữu Nguyện và Gia Bảo do Quốc Huy và Bạch Công Khanh thủ vai. Phim cũng đánh dấu sự tái xuất của diễn viên Cao Minh Đạt và Nhật Kim Anh trong vai ông Đạt và bà Ngọc Khuê sau thành công vang dội của Tiếng sét trong mưa.
Ngoài ra, phim còn quy tụ dàn diễn viên nhiều thế hệ với những tên tuổi nổi bật: NSƯT Lê Thiện, NSƯT Việt Anh, NSƯT Hữu Châu, Thân Thúy Hà, Trương Minh Quốc Thái, Trần Bích Hằng, Phương Bình, Phi Phụng, Đức Sơn, Lê Vinh, Thanh Thức, Quách Ngọc Tuyên, Hà Trí Quang, Trương Mỹ Nhân, Ngọc Thảo, bé Gia Bảo, Ben Lee, Khánh Như…
Thông qua câu chuyện với những mâu thuẫn nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác, Vua bánh mì phản ánh một thực tế tồn tại không phải là hiếm trong xã hội: Có người có tất cả nhưng lòng tham không đáy, không bao giờ thấy đủ về những gì mình có.
Tiền tài danh vọng như nước biển, càng uống càng khát nhưng không chịu nhận ra, chăm chăm lấy sự ít nhiều làm thước đo hạnh phúc. Càng lao vào càng thấy đời mình mệt mỏi, kiệt quệ, rỗng không…..
May mắn thay, cũng có người chỉ có một thứ mà thấy mình có cả vũ trụ trong tay. Nhân nghĩa chí tình, tin vào lẽ phải, luôn mơ ước vươn lên, đi tìm hạnh phúc trong thử thách, sáng tạo, sẻ chia… hơn là trong vật chất. Những con người này cuối cùng sẽ thắng, và sẽ hạnh phúc.
Bộ phim này nói về họ - những con người lựa chọn niềm hạnh phúc chân chính hơn là những ảo ảnh phù du.
Phim dài 80 tập phát sóng lúc 20 giờ từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần trên kênh THVL1, từ ngày 22-9.