Xử lý theo các điều khoản của hợp đồng
Theo ông Đặng Quốc Toàn, quá trình tổ chức đấu giá được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định và diễn ra công khai, minh bạch. Hiện nay, các bên và các đơn vị có liên quan đang trong quá trình thực hiện kết quả của đấu giá, căn cứ theo hợp đồng và quy định pháp luật. Các bên liên quan - người trúng đấu giá, các cơ quan chức năng của thành phố và UBND TPHCM - có trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định. “Nếu cá nhân và tổ chức nào có ý kiến gì khác, thì sẽ xem xét, xử lý theo các điều khoản của hợp đồng và theo quy định của pháp luật”, ông Đặng Quốc Toàn khẳng định.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM nhấn mạnh, trong khả năng và thẩm quyền của TPHCM, thành phố tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trúng đấu giá thực hiện sớm dự án. Thành phố cũng kiên quyết chống để xảy ra tình trạng “thổi giá”, chống đầu cơ đất đai. Đặc biệt, thành phố vẫn luôn theo dõi cũng như có biện pháp cần thiết để quản lý và điều tiết thị trường.
Phải đấu giá lại
Trao đổi với PV Báo SGGP, một cán bộ của Trung tâm Đấu giá tài sản Nhà nước TPHCM cho biết, đến thời điểm hiện nay, Tập đoàn Tân Hoàng Minh tuyên bố hủy hợp đồng mua tài sản trúng đấu giá thì lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm vẫn là tài sản của nhà nước.
Nhiều ý kiến hỏi rằng, có thể mời doanh nghiệp trả giá cao thứ 2 trong phiên đấu giá đứng ra nhận chuyển nhượng quyền sử dụng lô đất 3-12 hay không? Theo giải thích của cán bộ Trung tâm Đấu giá tài sản Nhà nước TPHCM, không thể áp dụng trong trường hợp này được.
Bởi theo quy định, việc công bố người trả giá liền kề trúng đấu giá chỉ xảy ra khi đơn vị trúng đấu giá từ chối kết quả trúng đấu giá ngay tại phiên đấu giá, và phải thỏa mãn điều kiện giá liền kề đó cộng với khoản tiền 20% đặt cọc phải bằng hoặc cao hơn giá trúng đấu giá của người từ chối kết quả trúng đấu giá lần đầu và người trả giá liền kề chấp nhận mua ngay tại phiên đấu giá.
Cụ thể, ở phiên đấu giá thứ 69, doanh nghiệp trả giá cao thứ 2 là 23.800 tỷ đồng cộng với 600 tỷ đồng tiền cọc (tổng cộng 24.400 tỷ đồng), vẫn còn thấp hơn kết quả bỏ giá và trúng giá của Công ty BĐS Ngôi Sao Việt (lượt đấu 70) là 24.500 tỷ đồng. Do đó, người kế tiếp không thể “trúng giá” nếu Công ty BĐS Ngôi Sao Việt bỏ cuộc ngay tại phiên đấu giá.
Ngoài ra, nếu giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trúng đấu giá, hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua, thì cuộc đấu giá không thành. Ở đây, Công ty BĐS Ngôi Sao Việt đã ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại lô 3-12, số tiền đặt trước trở thành tiền đặt cọc. Nếu họ xác định hủy hợp đồng thì khoản tiền cọc này sẽ xử lý theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng. Và lô đất 3-12 sẽ được tổ chức đấu giá lại theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nghiêm Xuân Lý (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, nếu Công ty Tân Hoàng Minh có thư xin chấm dứt hợp đồng thì sắp tới, cơ quan chức năng sẽ chế tài theo đúng quy định của pháp luật. Theo luật định, số tiền đặt cọc tham gia phiên đấu giá sẽ được sung vào công quỹ.
Việc đơn vị trả giá cao thứ hai có được mua tài sản đấu giá hay không, trung tâm đấu giá có quy định cụ thể. Tuy nhiên, tại thời điểm này, đơn vị trả giá cao thứ hai khó có thể mua tài sản đấu giá, bởi phiên đấu giá đã chấm dứt từ lâu và có quyết định công nhận kết quả.
Bộ Công an xác minh một số dự án của Tân Hoàng Minh GIA KHÁNH |
Liên quan đến việc Cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) yêu cầu một số ngân hàng thương mại rà soát và báo cáo hoạt động cho vay, bảo lãnh dự thầu đối với các khách hàng tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, một số ngân hàng đã có báo cáo. NHUNG NGUYỄN |