UBND xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã tuyên truyền, vận động các hộ dân tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại khu vực Ba Làng An, nhưng đến nay các hộ chỉ mới tháo dỡ nhà để xe, còn lại các công trình kiên cố như hàng quán bê tông, chòi mái ngói… vẫn còn nguyên trạng.
Sau 2 năm kể từ thời điểm ghi nhận xây dựng trái phép tại khu vực Ba Làng An, đến nay qua nhiều lần vận động, tuyên truyền, xử lý vi phạm nhưng các hộ dân vẫn chưa tháo dỡ. Ảnh: NGUYỄN TRANG Theo UBND xã Bình Châu, địa phương đã tuyên truyền, vận động 5 hộ dân tự giác tháo dỡ công trình xây dựng trái pháp luật tại khu vực Ba Làng An. Tuy nhiên, đến nay, các hộ này chỉ mới tháo dỡ nhà để xe. Các công trình kiên cố như nhà quán bằng bê tông, chòi mái ngói, xà gồ gỗ, kè biển bê tông, kè biển bằng đá tảng lớn, trong đó có phần diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc đất ven bờ, đất mặt nước… chưa được tháo dỡ.
Các công trình đường bê tông, hàng quán bằng bê tông, gạch ngói vẫn còn nguyên trạng dù địa phương đã họp các hộ, vận động ký cam kết tháo dỡ. Ảnh: NGUYỄN TRANG Trong quá trình UBND xã mời làm việc, các hộ vi phạm này không thống thất tháo dỡ, trả lại nguyên trạng đất.
Xây dựng trong thời gian suốt nhiều năm liền, tuy nhiên việc xử lý kéo dài, không dứt điểm. Ảnh: NGUYỄN TRANG Các hộ dân xây dựng nhiều công trình kiên cố như nhà, quán ăn, nhà vệ sinh, trại nuôi trữ hải sản, đường bê tông, chuồng trại… bằng bê tông chịu lực, tường xây gạch, mái lợp ngói.
Các kè bằng bê tông đến đá tảng dù đã xác định vi phạm phần diện tích đất do Nhà nước quản lý thuộc đất ven bờ, đất mặt nước nhưng các hộ dân vẫn không tháo dỡ. Ảnh: NGUYỄN TRANG Ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu cho biết, sau họp các hộ thì họ chỉ cam kết tháo dỡ trên nhà để xe, họ không đồng ý tháo dỡ phần dưới biển, nên địa phương làm theo quy trình các bước để xử lý, bước tiếp theo là xác định loại đất, xác định hành vi vi phạm.
“Hiện nay, UBND xã đã làm các quy trình xác minh và UBND huyện đã có văn bản thống nhất loại đất, nên địa phương đang lập biên bản vi phạm hành chính. Các hộ dân xây dựng nhiều lần trong nhiều năm nên cần xác định được diện tích vi phạm, thời gian vi phạm theo vi phạm hành chính. Một người xây dựng nhiều năm, nhiều lần thì quá trinh xác định, xử phạt rất phức tạp”, Ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cho biết: Sau khi có biên bản vi phạm hành chính, nếu họ vẫn không đồng ý tháo dỡ, xử phạt thì chính quyền xử lý bằng hình thức cưỡng chế, xã đã hết thẩm quyền thực hiện cưỡng chế nên thẩm quyền cưỡng chế thuộc về cấp huyện.
NGUYỄN TRANG